Thi THPT quốc gia: Chỉ trên 10% thí sinh đăng ký thi môn sử
Hôm qua, Sở GD-ĐT Hà Nội bàn giao xong hồ sơ cho 8 trường ĐH chủ trì cụm thi. Số liệu thống kê cho thấy, sử là môn có ít thí sinh dự thi nhất và điều này khiến các trường phải tính phương án bố trí điểm thi sao cho thuận lợi nhất với thí sinh.
Thi THPT quốc gia: Chỉ trên 10% thí sinh đăng ký thi môn sử
Hôm qua, Sở GD-ĐT Hà Nội bàn giao xong hồ sơ cho 8 trường ĐH chủ trì cụm thi. Số liệu thống kê cho thấy, sử là môn có ít thí sinh dự thi nhất và điều này khiến các trường phải tính phương án bố trí điểm thi sao cho thuận lợi nhất với thí sinh.
Bố trí thi thế nào ?
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay thành phố có 83.498 lượt thí sinh (TS) đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia, trong đó 12.476 TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Ngoài 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ) thì môn lý có nhiều TS dự thi nhất 77.545. Các môn hóa và địa có số lượng tương đương nhau, khoảng 33.000 đến 35.000 TS. Như dư luận đã dự đoán từ trước, môn sử có ít TS nhất: 11.825 (14%).
Theo đại diện các trường ĐH chủ trì các cụm thi, các con số trên cũng phản ánh bức tranh chung về sự lựa chọn môn thi của TS các địa phương khác. Chẳng hạn, tại Học viện Nông nghiệp VN, trong số 7.982 TS tỉnh Bắc Ninh dự thi thì chỉ có 828 thi môn sử (khoảng 10%). Ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cụm thi có TS Vĩnh Phúc thì môn sử cũng chỉ 16%. Tại Trường ĐH Thủy lợi, tỷ lệ TS dự thi môn sử nói chung (của cả Hà Nam và Hà Nội) là 12%.
Sinh cũng là môn ít TS dự thi. Tại Học viện Nông nghiệp VN, tỷ lệ TS dự thi môn sinh nói chung của cả 2 địa phương Hà Nội và Bắc Ninh là 19%. Tuy nhiên, ở trường này, tình huống khó xử lại đến từ một môn thi bắt buộc – môn ngoại ngữ. “Trong số 7.047 TS Bắc Ninh đăng ký dự thi môn ngoại ngữ tại học viện thì tuyệt đại đa số đều thi môn tiếng Anh, chỉ có một trường hợp đăng ký dự thi môn tiếng Trung. Vì thế, hiện nay chúng tôi đang chưa biết sẽ bố trí cho TS này ngồi thi như thế nào – một phòng riêng hay cùng với các TS dự thi tiếng Anh khác?”, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó ban Đào tạo chia sẻ.
Tìm phương án hợp lý
Việc bố trí TS dự thi tại các địa điểm như thế nào để vừa thuận lợi cho TS vừa đảm bảo gọn nhẹ trong khâu tổ chức thi khi mà lượng TS chênh giữa các môn thi khá lớn là băn khoăn của tất cả các trường.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trường ĐH Thủy lợi, nói: “Cụm thi của chúng tôi có tổng cộng 15.060 TS, môn có nhiều TS nhất là toán (14.566), ít nhất là sử (1.890). Nếu bố trí theo bảng chữ cái abc thì sẽ có tình huống một hội đồng thi chỉ có dăm bảy em thi môn sử. Mà nếu môn sử gom về một địa điểm để thi thì sợ vất vả cho TS. Vì thế, chúng tôi đang chưa biết tính thế nào”. Còn ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết tuy trường chưa có phương án chính thức nhưng đã nghĩ đến việc bố trí địa điểm thi ở môn ít TS nhất. “Có thể những TS có đăng ký dự thi môn sử sẽ được bố trí dự thi tại một hội đồng thi. Đến các môn thi khác, các em phải di chuyển qua địa điểm thi khác nhưng vẫn chỉ phải đi lại trong một khu vực”, ông Thực nói.
Bàn giao nhanh gọn
Năm nay, việc bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi của TS khác với nhiều năm trước. Chỉ là những trường ĐH chủ trì cụm thi mới tiếp nhận hồ sơ từ các sở GD-ĐT.
Lần đầu tiên, Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội được giao nhiệm vụ tiếp quản hồ sơ đăng ký dự thi của TS từ các cơ sở giáo dục và bàn giao cho các trường ĐH chủ trì cụm thi. Mọi năm công việc này thường phải mất hơn chục ngày kể từ khi nhận hồ sơ cho đến khi bàn giao cho các trường. Theo ông Phạm Quốc Toản, Phó phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, nhờ đổi mới phương thức tổ chức thi nên mọi việc khá dễ dàng, nhanh gọn, chỉ cần tổng cộng 3 ngày. Chỉ có khâu bàn giao cho các trường vất vả hơn. Thay vì chuyển tất cả hồ sơ đến một điểm rồi ngồi chờ các trường đến nhận như năm ngoái thì năm nay Sở phải đến 8 trường để bàn giao.
Trong khi đó, đại diện các trường ĐH tiếp nhận hồ sơ cho biết công việc năm nay nhàn chưa từng thấy. “Năm ngoái cả phòng đào tạo của chúng tôi được huy động ra điểm bàn giao hồ sơ do Bộ quy định ở khách sạn Kim Liên, sau đó đến từng sở để gom hồ sơ. Cũng chỉ trong một ngày là xong, nhưng so với việc chỉ ngồi một chỗ tại trường để nhận như năm nay thì vất vả hơn nhiều”, bà Lê Thị Thu Trang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết. Phòng chỉ cần bố trí một lãnh đạo trực và một chuyên viên tiếp nhận.
Vì vậy, dù Bộ quy định ngày 20.5 mới chốt thời điểm cuối cùng bàn giao hồ sơ nhưng đến hết ngày hôm qua về cơ bản các trường ĐH chủ trì cụm thi trên địa bàn Hà Nội đều đã hoàn tất khâu này. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tiến, khi nhận bàn giao hồ sơ học viện chỉ biết ghi nhận số liệu mà các sở cung cấp. Còn số liệu đó có khớp với dữ liệu được lưu trong hệ thống không thì phải được Bộ cung cấp mật khẩu để đăng nhập. Đại diện Phòng Đào tạo ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết cũng đã thử vào hệ thống nhưng màn hình máy tính thông báo chưa được phép xem dữ liệu.
Chung một dữ liệu tuyển sinh
Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, ngày 20.5 Bộ sẽ chuyển dữ liệu cho các cụm thi. Sau đó, Bộ sẽ mở cổng thông tin cho các cụm thi truy cập thông tin.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhấn mạnh điểm khác biệt quan trọng trong bàn giao hồ sơ năm nay là toàn bộ dữ liệu đều được nhập chung vào phần mềm tuyển sinh quốc gia, các trường ĐH sẽ sử dụng thông tin chung này chứ không xử lý riêng từng trường.
Tính đến chiều 19.5, nhiều trường ĐH chủ trì cụm thi tại TP.HCM đã hoàn tất việc giao nhận hồ sơ đăng ký dự thi năm 2015 từ các sở GD-ĐT và Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM. Theo đó, cụm thi ĐH Quốc gia TP.HCM có trên 23.800 lượt TS đăng ký dự thi. Trong đó, TS từ TP.HCM (Tân Bình và Bình Thạnh) có trên 10.500; 5 huyện thuộc tỉnh Đồng Nai trên 11.600; TS tự do đăng ký tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT trên 1.600.
Chưa tính TS tự do, cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có gần 14.000 lượt TS đăng ký dự thi. Trong đó, TS của TP.HCM (H.Bình Chánh và Q.Tân Phú) trên 6.800 và tỉnh Tây Ninh trên 7.100. Cụm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có trên 34.500 lượt TS đăng ký dự thi (chưa tính TS tự do). Trong đó, tỉnh Đồng Nai trên 26.400 lượt và TP.HCM trên 8.100 lượt.
Trong số các môn thi tự chọn, vật lý được TS đăng ký dự thi nhiều nhất, ngược lại, lịch sử là môn thấp nhất. Sự chênh lệch số lượng thi giữa 2 môn này cách xa nhau, chẳng hạn ở cụm thi ĐH Quốc gia TP.HCM, số TS dự thi môn vật lý nhiều gấp gần 9 lần so với môn lịch sử.
Hà Ánh – Đăng Nguyên
|
Quý Hiên