28/11/2024

Doanh nghiệp tập làm quen với… kiện tụng

Công ty bạn chính thức bị kiện chống phá giá, bạn sửng sốt không hiểu vì sao? Làm sao để tránh bị kiện?

 

Doanh nghiệp tập làm quen với… kiện tụng

 

Công ty bạn chính thức bị kiện chống phá giá, bạn sửng sốt không hiểu vì sao? Làm sao để tránh bị kiện? 



 

 

Một loạt sản phẩm thép của VN đã bị các nước liên tục kiện phòng vệ thương mại trong những năm gần đây. Trong ảnh: sản xuất tôn kẽm, tôn mạ màu tại Nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ (Tập đoàn Hoa Sen, Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: T.V.N.
Một loạt sản phẩm thép của VN đã bị các nước liên tục kiện phòng vệ thương mại trong những năm gần đây. Trong ảnh: sản xuất tôn kẽm, tôn mạ màu tại Nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ (Tập đoàn Hoa Sen, Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, Bà Rịa – Vũng Tàu) – Ảnh: T.V.N.

Một buổi sáng như thường lệ, bạn bước vào văn phòng mở máy, kiểm tra email và đọc được một thông báo: công ty bạn chính thức bị kiện chống phá giá từ một thị trường nào đó. Bạn sửng sốt không hiểu vì sao, nhưng lúc đó cũng có nghĩa người đi kiện bạn đã xong mọi thủ tục để kiện bạn.

Dẫn chuyện bằng tình huống trên tại hội thảo “VN trong thế giới thương mại không biên giới: cơ hội và thách thức” tổ chức ngày 15-5 ở TP.HCM, ông Matthew McConey – luật sư thành viên Công ty Mayer Brown – muốn nhấn mạnh hiện nay các vụ phòng vệ thương mại diễn ra rất phổ biến, rất nhanh đến mức doanh nghiệp không ngờ tới.

Bị kiện nhiều sẽ thấy bình thường

Kim ngạch xuất khẩu của Công ty Tôn Hoa Sen năm 2014 đạt hơn 280 triệu USD, tăng trưởng 93%/năm với hàng hoá hiện diện ở 52 thị trường, trong đó nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Thế nhưng theo ông Vũ Văn Thanh – phó tổng giám đốc tài chính Công ty Tôn Hoa Sen, không có con đường nào trải hoa hồng, thuế giảm có nghĩa hàng rào kỹ thuật dựng lên càng nhiều, các vụ kiện cũng tăng theo. Và doanh nghiệp này chọn cách đối phó ngay từ đầu.

Theo ông Thanh, ngay từ khi bắt đầu khởi xướng các vụ kiện, chưa có kết quả cuối cùng, doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng nề do các nhà nhập khẩu lo lắng, thời gian vụ kiện kéo rất dài, chi phí các vụ kiện (trong đó chi phí luật sư) cũng là gánh nặng của doanh nghiệp.

Nếu bị áp thuế, kết quả sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, doanh thu giảm… Và thực tế đến nay Tôn Hoa Sen đã đối mặt với vụ kiện tại Úc, bị áp dụng phòng vệ thương mại ở thị trường Indonesia và mới đây bị Malaysia áp dụng thuế chống bán phá giá! Công ty đang có chiến lược xuất khẩu sang Mỹ và một khi xuất sang thị trường này sớm muộn gì cũng sẽ bị kiện.

“Chúng tôi xem đó là xu thế nên tìm cách sống chung. Công ty đã thành lập một ban phòng vệ thương mại để chủ động ứng phó với các trường hợp phòng vệ từ các nước. Kể cả vụ kiện xảy ra, công ty cũng đảm bảo có một kết quả tốt, giảm thiểu tối đa thiệt hại các vụ kiện đem lại” – ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Matthew, trong khi mọi người đang rất hào hứng với các FTA được ký kết, một câu hỏi mà doanh nghiệp hay nêu là liệu các FTA có làm gia tăng các vụ kiện hay không? Câu trả lời là: tất nhiên. Thương mại không biên giới, giao dịch mạnh hơn, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại kiện hơn.

Bà Phạm Châu Giang – trưởng phòng điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương – thống kê trước đây mỗi năm VN có 3-4 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong ba năm gần đây con số này tăng lên 7-8 vụ, riêng trong năm 2014 lên đến hơn 10 vụ phòng vệ thương mại các loại đánh vào hàng VN.

Nếu như trước đây chỉ có những mặt hàng VN xuất khẩu nhiều mới bị dính kiện phòng vệ thương mại thì bây giờ ngay cả những mặt hàng VN chỉ xuất khẩu khoảng 100-200 USD cũng bị các nước áp dụng thuế bất lợi.

Làm sao để tránh bị kiện?

Theo bà Giang, trong vòng ba năm tới khi các FTA bắt đầu có hiệu lực, thuế sẽ hạ thấp dần về 0%, xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường nhiều hơn, doanh nghiệp các nước này chưa kịp thích nghi với tình hình mới sẽ tìm đến chính phủ nhờ thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thực tế từ năm 2004 đến nay, VN đối mặt với 80 vụ kiện thương mại, trong đó phần lớn là vụ kiện bán phá giá, chống trợ cấp. Dù bất kỳ hình thức nào, các vụ kiện cũng nhằm bảo vệ thị trường nội địa, làm giảm thương mại giữa hai nước.

“Nếu như doanh nghiệp VN chọn bỏ cuộc, xuất khẩu sang bất kỳ thị trường nào cũng bị dính các vụ kiện tương tự như vậy vì họ biết VN sợ các vụ kiện kiểu này nên chỉ còn cách đối mặt” – bà Giang nói.

Ngoài các biện pháp phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng tự vệ toàn cầu, việc sử dụng hàng rào kỹ thuật liên quan đến phần mềm cũng là một cách thức mới mà doanh nghiệp cần lưu ý.

Đơn cử khi doanh nghiệp VN xuất hàng may mặc như áo sơmi vào Hoa Kỳ, nước này sẽ yêu cầu doanh nghiệp VN đưa ra chứng nhận các phần mềm phục vụ sản xuất từ sợi đến móc khóa, vải áo phải sử dụng các phần mềm hợp pháp. Nếu nhà xuất khẩu không sử dụng bản quyền hợp pháp, lô hàng này lập tức sẽ bị giữ lại.

Ông Joshep Koesnaidi, luật sư điều hành văn phòng luật Mayer Brown tại Indonesia, cũng khẳng định phòng vệ thương mại là công cụ hợp pháp và được cho phép để bảo vệ thị trường trong nước, vì vậy sẽ càng nhiều quốc gia sử dụng biện pháp này trong tương lai.

Theo ông Matthew, để tránh bị kiện có vẻ rất khó dù doanh nghiệp cố gắng quản lý, kiểm soát những khả năng có thể bị kiện. Trong đa số vụ kiện chống bán phá giá, nguyên đơn cho rằng hàng hoá bị bán giá thấp hơn so với chi phí sản xuất, nhưng thật sự không nhà sản xuất nào muốn bán giá thấp như vậy cả.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp nước đó vẫn sử dụng biện pháp phòng vệ để bảo vệ thị phần của mình.

“Nếu sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị chịu thuế chống bán phá giá hay chống trợ cấp thì vẫn có biện pháp khác. Ví dụ Trung Quốc là một trong những nước bị áp dụng nhiều biện pháp chống bán phá giá. Họ đã chuyển các địa điểm sản xuất ra nước khác mà không chịu các loại thuế trên. Hàng có thể sản xuất một phần tại Trung Quốc nhưng khi hoàn thiện lại ở một nước khác. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tham gia chặt chẽ vào quá trình điều tra, biên độ chịu áp dụng thuế cũng sẽ thấp hơn” – ông Matthew nói.

Kinh nghiệm từ doanh nghiệp bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều, ông Thanh cho rằng việc đa dạng hoá thị trường cũng rất quan trọng. Khi xảy ra vụ kiện thì chủ động thuê luật sư theo đuổi vụ kiện. Hợp tác chặt chẽ với cơ quan trong nước để khi có chuyện xảy ra thì nhận được sự tư vấn kịp thời.

Sau 10 năm, VN thực hiện 3 vụ phòng vệ thương mại

Trong khu vực, Thái Lan, Malaysia và Indonesia là các nước sử dụng nhiều nhất các vụ kiện chống bán phá giá ở khu vực ASEAN. Đến nay VN mới khởi động điều tra ba vụ việc, trong đó hai vụ tự vệ là mặt hàng dầu cọ.

Ở vụ này, VN đã áp thuế tự vệ lên mặt hàng dầu cọ nhập khẩu từ Malaysia (chiếm 80%) và Indonesia (chiếm 20%). Thứ hai là vụ tự vệ cho mặt hàng kính nổi và một vụ điều tra chống bán phá giá cho sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu.

Tháng 8-2014, Phòng Thương mại và công nghiệp VN có điều tra về sự nhận biết của doanh nghiệp về chống bán phá giá. Kết quả, đa số doanh nghiệp đều nghe tới nhưng sự hiểu biết khác nhau. Hơn một nửa cho rằng không biết gì sâu, chỉ có một tỉ lệ nhỏ đã tìm hiểu đương đối kỹ, là bên liên quan.

Thói quen của doanh nghiệp VN là rất ngại kiện tụng. Theo bà Phạm Châu Giang, lý do là doanh nghiệp ngại chi phí tốn kém, sợ các số liệu công khai ra và cuối cùng bản thân doanh nghiệp cũng chưa đánh giá hết hiệu quả của biện pháp sử dụng phòng vệ thương mại.

“Họ cũng chưa có niềm tin vào cơ quan quản lý. Vì thế thay vì khởi kiện thì doanh nghiệp lại thích xin Bộ Tài chính tăng thuế lên, cách này nhanh hơn nhiều. Nhưng khi VN tham gia vào các FTA, không thể áp dụng những cách thông thường như thế nữa, chỉ có thể áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc hàng rào kỹ thuật” – bà Giang nhận định. 

NHƯ BÌNH