28/11/2024

Thịt ngoại ép thịt nội, vì sao?

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không chỉ chịu sức ép từ thịt ngoại nhập mà còn bị kìm hãm do chính sách không hợp lý.

 

Thịt ngoại ép thịt nội, vì sao?

 

 Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không chỉ chịu sức ép từ thịt ngoại nhập mà còn bị kìm hãm do chính sách không hợp lý.


 

 

Hàng nhập khẩu về nhiều nhưng chất lượng cũng đủ kiểu…- Ảnh: Thuận Thắng

Đó là thông tin được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 14-5  ở TP.HCM.

Thịt ngoại ép thịt nội

Theo các doanh nghiệp, ngành chăn nuôi trong nước đang phải đối mặt với sức cạnh tranh gay gắt từ thịt nhập khẩu với số lượng tăng nhanh. Chỉ trong ba tháng đầu năm nay Việt Nam đã nhập khẩu trên 34.000 tấn thịt gà đông lạnh (chủ yếu là đùi, cánh, đầu và chân), tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi thao túng giá

Ông Âu Thanh Long cho biết thời gian qua giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm mạnh nhưng các công ty vẫn không giảm giá tương ứng mà duy trì mức lợi nhuận rất cao. Có hiện tượng các doanh nghiệp lớn liên kết với nhau để giữ giá bán.

“Với giá nguyên liệu hiện nay thì giá thành cám cho heo chỉ khoảng 7.000 đồng/kg nhưng các công ty bán cho người dân trên 10.000 đồng/kg, một mức siêu lợi nhuận” – ông Long cho hay.

Theo ông Long, Nhà nước nên có điều tra về tình trạng liên kết thao túng giá thức ăn chăn nuôi, đồng thời nghiên cứu cách thức của Thái Lan đó là giới hạn mức độ lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này.

Lượng bò thịt nhập khẩu về Việt Nam còn tăng nhanh hơn chỉ trong vài năm trở lại đây. Trong quý 1-2015, Việt Nam đã nhập trên 115.000 con trâu bò sống về để giết mổ, tiêu thụ với giá trị xấp xỉ 124 triệu USD, tăng 74,6% về số lượng và 107% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là bò sống nhập từ Úc.

Từ đầu năm đến nay mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu trên 30.000 con bò từ Úc về giết mổ, vượt qua Indonesia trở thành nước nhập khẩu bò sống lớn nhất từ Úc.

Ông Phạm Đức Bình, giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), than thở: trong quá trình hội nhập, đàm phán các hiệp định về thương mại, kinh nghiệm từ các đàm phán trước cho thấy ngành chăn nuôi là “vật tế thần” để các nước nhượng bộ lại ngành dệt may, đồ gỗ… của Việt Nam.

“Nếu ký xong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà thuế nhập khẩu thịt còn 0% thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ chết, nhà máy thức ăn gia súc chết theo” – ông Bình lo lắng.

Ông Bình giải thích trong ngành chăn nuôi, sức cạnh tranh của Việt Nam rất kém. Từ heo nái đến heo thịt, năng suất chăn nuôi heo của Việt Nam chỉ bằng khoảng 30% các nước tiên tiến nên giá thành rất cao.

Muốn nâng cao năng suất thì doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào trang trại, con giống và hệ thống quản lý. “Thế nhưng với quy định của Nhà nước như hiện nay thì doanh nghiệp không thể đầu tư lớn được dù có khả năng. Chúng tôi cũng phải giảm từ quy mô 20.000 con heo xuống còn vài trang trại vì làm tới đâu là bị vi phạm với những quy định của Nhà nước” – ông Bình cho biết.

Giải quyết ngay các khó khăn

Theo ông Âu Thanh Long – giám đốc Công ty Duy Cường (Đồng Nai), một trong những quy định vô lý trong chăn nuôi đã tồn tại nhiều năm, doanh nghiệp có ý kiến nhiều lần nhưng không được giải quyết là quy định về nước thải. Theo đó, Bộ Tài nguyên – môi trường yêu cầu nước thải từ các trại chăn nuôi heo phải đạt loại A trước khi xả thải ra môi trường.

“Nước thải loại A là có thể uống được, làm sao doanh nghiệp chăn nuôi có khả năng đầu tư xử lý được” – ông Long giải thích. Theo ông Long, ngay cả trang trại chăn nuôi có vùng trồng cây xung quanh muốn tưới bằng nước thải từ trại heo cũng không được mà phải xử lý đạt chuẩn trước.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát liên tục đề nghị các lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Cục Thú y tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và tìm cách giải quyết ngay những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.

“Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên – môi trường thay đổi quy định về nước thải chăn nuôi và sắp tới sẽ điều chỉnh. Tuy nhiên, tôi thấy việc không cho sử dụng nước thải chăn nuôi vào tưới cây là điều hết sức vô lý và lãng phí. Các quốc gia trên thế giới đều cho phép dùng nước thải chăn nuôi để tưới cây thì tại sao Việt Nam lại cấm? Tôi sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên – môi trường để giải quyết bất cập này” – ông Cao Đức Phát nói.

Ông Phát cho hay các năm qua đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm 0,5% tổng đầu tư nước ngoài nhưng đa số vốn lại đổ vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị Chính phủ có nghị định giới hạn lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào ngành cần nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi trong nước.

Một trong những điều kiện để nâng cao năng suất là cải thiện chất lượng giống vật nuôi. Theo ông Phát, nhiều năm qua Nhà nước đầu tư rất lớn cho công tác nghiên cứu giống trong nước nhưng không hiệu quả.

Đợi các viện nghiên cứu con giống bằng hiệu quả với thế giới thì còn lâu lắm nên Bộ NN&PTNT sẽ khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu giống chất lượng cao từ bên ngoài. “Tôi đề nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y sửa hết các quy định để nhập khẩu con giống thông thoáng hơn chứ đợi nghiên cứu trong nước thì lâu lắm” – ông Phát cho biết.

Kết thúc hội nghị, ông Cao Đức Phát cho biết thời gian qua Việt Nam đã ký hàng loạt hiệp định thương mại với các quốc gia và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Trong đó, đáng kể nhất là các hiệp định với EU, các nước Bắc Âu và rộng lớn nhất là TPP. Và nước nào khi đàm phán cũng yêu cầu Việt Nam mở cửa ngành nông nghiệp, tức là giảm bảo hộ. Đây là những thách thức gay gắt cho doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân Việt Nam trong thời gian tới.

“Ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn nhất do còn nhiều khó khăn nhưng thị trường sẽ mở cửa cho sản phẩm của các quốc gia khác. Chỉ có nâng cao năng suất và giảm giá thành thì ngành chăn nuôi trong nước mới có thể cạnh tranh được với nước ngoài” – ông Phát cho hay.

Quả trứng cõng nhiều phí

Theo ông Trương Hữu Nghi – doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Nghiệp (Vĩnh Long), việc kiểm dịch và thu phí trứng gia cầm trong nước vẫn còn nhiều bất cập cho doanh nghiệp.

Để đưa quả trứng từ Vĩnh Long lên TP.HCM, doanh nghiệp phải xin giấy kiểm dịch tại địa phương rồi mỗi khi đi qua các tỉnh khác như Tiền Giang, Long An đều phải xin giấy xác nhận và đóng phí với cơ quan thú y địa phương đó. Nếu không đủ dấu thú y của tất cả các địa phương đi qua thì thú y TP.HCM sẽ không cho trứng vào thành phố. 

“Làm như vậy là vô lý và trái pháp luật, tôi yêu cầu Cục Thú y phải chấn chỉnh ngay các địa phương có quy định này. Chỉ cần kiểm dịch một lần tại điểm xuất phát và cho một điểm đến cuối cùng. Các địa phương khác muốn kiểm tra chỉ xem có dấu của địa phương xuất phát là đủ, không cần đóng dấu và không thu phí” – ông Phát nói ngay với cục trưởng Cục Thú y có mặt tại hội nghị.

TRẦN MẠNH