Báo động ẩn hoạ 11.9 thứ hai trên đất Mỹ
Giới an ninh Mỹ và nhiều cựu quan chức cấp cao đồng loạt cảnh báo lãnh thổ nước này có nguy cơ trở thành mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Báo động ẩn hoạ 11.9 thứ hai trên đất Mỹ
Giới an ninh Mỹ và nhiều cựu quan chức cấp cao đồng loạt cảnh báo lãnh thổ nước này có nguy cơ trở thành mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Phát biểu trên Đài CNN ngày 10.5, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ tại Thượng viện Mỹ, Ron Johnson nhận định nếu không kịp thời chặn đứng, làm suy yếu và tiến tới tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông, sẽ đến lượt Mỹ trở thành chiến trường mới của tổ chức này.
Hiện giới an ninh và quân đội Mỹ đang được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi các nguồn tin tình báo cho rằng nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố trên lãnh thổ nước này ngày càng cao.
Nguy hiểm hơn, mối đe doạ không đến từ các phần tử IS đang hoành hành tại Iraq, Syria mà từ chính những công dân Mỹ ủng hộ nhóm này. Tuần trước, cảnh sát bang Texas đã bắn hạ 2 thanh niên toan tính xả súng vào một cuộc triển lãm có nội dung chống Hồi giáo.
Những con sói đơn độc
Theo một số quan chức, giới tình báo cho rằng hiện ở Mỹ có ít nhất 100 đối tượng bị nghi là “cảm tình viên” của IS. Phát biểu trên Đài ABC, Bộ trưởng An ninh nội địa Jeh Johnson cho rằng việc IS lợi dụng hiệu quả công cụ tuyên truyền qua mạng xã hội đang đẩy Mỹ vào “một môi trường mới”. “Chúng ta chắc chắn đang ở trong giai đoạn mới của mối đe doạ khủng bố trên bình diện toàn cầu, khi những kẻ khủng bố hoạt động đơn độc có thể ra tay bất cứ lúc nào”, ông nói.
Tương tự, Giám đốc FBI James Comey thừa nhận nguy cơ ngày càng tăng cao từ những vụ tấn công đơn lẻ trên đất Mỹ.
Một số cựu quan chức cấp cao của Mỹ như ông Michael Morell, từng 2 lần giữ vị trí quyền Giám đốc CIA, và cựu Bộ trưởng An ninh nội địa Tom Ridge cảnh báo nếu không kiềm chế được IS, Mỹ đối mặt với nguy cơ xuất hiện một vụ tấn công 11.9 thứ hai.
Theo CNN, ông Morell chính là người đứng kế Tổng thống George W.Bush khi nhà lãnh đạo nhận cuộc điện thoại thông báo toà tháp đôi bị đánh sập vào ngày 11.9.2001, còn ông Ridge là đầu tàu trong cuộc chiến chống al-Qaeda dưới thời ông Bush. Theo 2 ông này, Mỹ đối diện nguy cơ nghiêm trọng hơn từ IS so với al-Qaeda. “Chúng ta đang trong giai đoạn nguy hiểm hơn nhiều so với thời điểm vụ 11.9”, CNN dẫn lời ông Ridge nói.
Cảnh giác cao độ
Sau khi IS kêu gọi tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ William Gortney vừa ra lệnh nâng báo động lên mức 3 trong thang 5 cấp độ đối với toàn bộ các trụ sở quân đội tại nước này. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2011, với các biện pháp kiểm tra an ninh được thắt chặt hơn nữa tại căn cứ, còn binh sĩ thường xuyên diễn tập chống tấn công và giành lại căn cứ bị chiếm giữ.
Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers cho rằng công tác truy lùng những kẻ sùng bái IS đã vượt quá khả năng của Cục Điều tra liên bang (FBI). Để giải quyết vấn đề này, cựu Bộ trưởng Ridge đề nghị các lực lượng hành pháp địa phương lẫn cấp tiểu bang nên dốc sức hỗ trợ FBI lần ra những kẻ đồng cảm với IS trên đất Mỹ để ngăn chặn mọi âm mưu từ trong trứng nước, theo tờ The Washington Post.
Trong khi đó, Chủ tịch Uỷ ban An ninh nội địa thuộc Hạ viện Mike McCaul đánh giá cao năng lực tận dụng internet để biến nó thành công cụ tuyên truyền phức tạp của IS. “Chủ nghĩa khủng bố đang thực sự lan truyền khắp nơi”, theo nghị sĩ McCaul phát biểu trên Đài Fox News. “Quả là một sai lầm khi cho rằng al-Qaeda tàn lụi cùng với cái chết của Osama bin Laden tại Abbottabad”, ông Morell nói.
Mặc dù vai trò đầu đàn của al-Qaeda tại Afghanistan và Pakistan bị tiêu hao, các nhánh khác của mạng lưới khủng bố toàn cầu đang ngày càng sinh sôi, bao gồm nhánh al-Qaeda tại bán đảo Ả Rập ở Yemen. “Ngày nay bọn chúng có năng lực bắn hạ một máy bay trong không phận Mỹ”, cựu quan chức CIA nhận xét. “Nếu chuyện đó xảy ra vào ngày mai, tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên”, ông kết luận.
Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ đối với các căn cứ và trụ sở quân đội trên đất Mỹ, cũng là nơi quyết định các mức độ trong thang phân cấp Tình trạng bảo vệ lực lượng (viết tắt FPCON).
Thông thường, mức cảnh báo an ninh tại Lầu Năm Góc và các nơi khác được thiết lập ở mức Alpha, tức mức thứ hai. Theo mức Bravo mà Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ vừa áp dụng, các căn cứ Mỹ hiện đối mặt với mối đe doạ an ninh có thể dự đoán được và biện pháp chung là tăng cường kiểm soát ra vào tại các căn cứ.
Mức kế là Charlie, chỉ tình huống vừa xảy ra tấn công khủng bố toàn cầu, hoặc có thông tin tình báo đề cập đến nguy cơ sắp xảy ra hoạt động khủng bố địa phương.
Mức cuối là Delta, có nghĩa là đang diễn ra một vụ tấn công khủng bố hoặc vừa xuất hiện một vụ tấn công tại một địa điểm cụ thể.
|
Thụy Miên