28/11/2024

Nhộn nhịp liên kết ở biển Đông

Trong lúc Singapore, Malaysia, Indonesia đang bàn chuyện mở rộng tuần tra chung trên biển Đông để ngăn khủng bố và cướp biển thì Philippines và Nhật Bản cũng bắt đầu tập trận chung ở biển Đông từ hôm nay (12-5).

 

Nhộn nhịp liên kết ở biển Đông

 

Trong lúc Singapore, Malaysia, Indonesia đang bàn chuyện mở rộng tuần tra chung trên biển Đông để ngăn khủng bố và cướp biển thì Philippines và Nhật Bản cũng bắt đầu tập trận chung ở biển Đông từ hôm nay (12-5).

 


 

 

Các tàu tấn công đổ bộ của thủy quân lục chiến Mỹ tập trận chung với hải quân Philippines vào  tháng 4-2015 - Ảnh: AFP
Các tàu tấn công đổ bộ của thuỷ quân lục chiến Mỹ tập trận chung với hải quân Philippines vào tháng 4-2015 – Ảnh: AFP

Hôm qua, Uỷ ban an ninh thuộc nội các Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu đã nhất trí kế hoạch chính thức theo dõi tàu thuyền ở khu vực Ấn Độ Dương và biển Đông. Cổng thông tin Tribune News nhận định đây là một động thái rõ ràng nhắm vào việc theo dõi tàu thuyền chở dầu khí của Trung Quốc.

Các mối liên kết hợp tác khu vực này ít nhiều cho thấy không chỉ các nước ven biển khu vực Đông Nam Á mà các quốc gia ngoài khu vực cũng đang có mối quan tâm đặc biệt đến khu vực này.

Nguy cơ khủng bố liên kết cướp biển

Theo AFP, chuẩn đô đốc Lai Chung Han, chỉ huy lực lượng hải quân Singapore, cho biết điều ông và những người đồng cấp Malaysia, Indonesia quan ngại nhất là nguy cơ những kẻ khủng bố và cướp biển sẽ liên kết nhau, bất chấp động cơ của chúng là khác nhau. Tổ chức khủng bố Al Qaeda gần đây từng kêu gọi thành viên ủng hộ chúng tấn công những mục tiêu kinh tế của các nước phương Tây trên các tuyến đường biển quan trọng trong khu vực.

Ông Lai cho rằng thử thách lớn nhất là việc phân biệt một cuộc tấn công do cướp biển thực hiện và một vụ khủng bố trên tuyến đường biển đông đúc này. Đó chính là lý do buộc Trung tâm khủng hoảng biển Singapore đang tập trung theo dõi sát tình hình. “Tất nhiên khi có bất kỳ mối nghi ngờ nào, chúng tôi không bao giờ loại trừ khả năng cướp biển tràn lên tàu hay con tàu bị cướp đó có thể được dùng cho các mục đích khủng bố. Chúng tôi sẽ có cách giải quyết chuyện đó” – chuẩn đô đốc Lai khẳng định.

Tuy nhiên, báo Today của Singapore dẫn lời chuẩn đô đốc Lai cho biết việc mở rộng các cuộc tuần tra sẽ gặp rắc rối do tình trạng tranh chấp chủ quyền ở khu vực biển Đông hiện nay. Chuẩn đô đốc Lai nhấn mạnh rằng khi thảo luận đến việc này, đại diện hải quân ba nước cũng nhận thức không để các vấn đề tranh chấp ở biển Đông đan xen vào mục đích của việc mở rộng tuần tra chung của ba nước. “Chúng tôi tập trung cao vào việc giải quyết tình trạng cướp biển và không nước nào trong chúng ta có lợi nếu cứ để cho tình trạng này xảy ra” – ông Lai giải thích.

Cơ quan Hàng hải quốc tế (IMB) cho biết cứ mỗi hai tuần thì cướp biển tấn công một tàu chở dầu nhỏ ở ven biển ngoài khơi khu vực Đông và Nam châu Á, khiến khu vực này đang dần trở thành điểm nóng của nạn cướp biển. Lực lượng khủng bố có thể tấn công một tàu chở dầu và biến nó thành một quả bom trôi trên biển. Mục tiêu tuần tra chung của ba nước là nhằm phát hiện, ngăn chặn và xoá sổ tình trạng này ngay từ khi mối đe dọa mới manh nha.

Nhật bước vào biển Đông

Manila và Tokyo cũng bắt đầu tổ chức cuộc tập trận hải quân chung ở biển Đông. Báo The Star dẫn lời chỉ huy lực lượng hải quân Phillipines Jesus Millan cho biết cuộc tập trận có mục đích huấn luyện ứng phó đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ở biển và sẽ bắt đầu vào hôm nay (12-5). Cuộc tập trận nhằm diễn tập Bộ quy tắc dành cho các cuộc chạm trán bất ngờ trên biển (CUES) được ký kết giữa Nhật Bản và Philippines hồi tháng 1-2015 nhằm tăng cường an ninh hàng hải.

Ông Millan nhấn mạnh mục đích cuộc tập trận này không liên quan đến những tranh chấp đang xảy ra ở biển Đông. “Cuộc tập trận này nhắm đến các mục đích an toàn, tránh chạm trán và những sự cố bất thường trên biển. Các cuộc tập trận hải quân này sẽ không khiến Trung Quốc quan ngại” – chỉ huy Millan nói.

Hai tàu khu trục Harusame và Amigiri của Nhật Bản cùng 600 thuỷ thủ đã đến cảng Nam Manila hôm 9-5. Người phát ngôn của chỉ huy hải quân Philippines Lued Lincuna cho biết cuộc tập trận được tổ chức ở gần vịnh Subic, đảo Zambales và Corregidor, không xa khu vực bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012 đến nay. Bắc Kinh đang có những tranh chấp chủ quyền với Philippines ở khu vực biển Đông và với Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.

Hãng tin Reuters cho rằng bản chất cuộc tập trận này không thể khiến Trung Quốc lo lắng vì trong những năm qua Philippines cũng từng nhiều lần tập trận chung với Mỹ ở biển Đông. Nhưng sự hiện diện của các tàu hải quân Nhật Bản trong khu vực này cho thấy tín hiệu Tokyo đang quan tâm đến biển Đông dù Nhật Bản luôn tuyên bố là quốc gia không tuyên bố chủ quyền ở đây. Động thái có thể khiến Bắc Kinh không hài lòng khi mà kèm theo đó Nhật Bản cũng đã có những chỉ trích về việc Bắc Kinh bành trướng xây dựng đảo trái phép ở biển Đông.

Úc kêu gọi Trung Quốc không lập ADIZ

Hôm qua, Bộ trưởng ngoại giao Úc Julie Bishop lên tiếng kêu gọi Trung Quốc không thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông và ưu tiên cho việc tháo ngòi những căng thẳng ở khu vực này.

Bà Bishop khẳng định Úc không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển. Canberra kêu gọi các nước có liên quan đàm phán hoà bình trong bất kỳ cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên đất liền cũng như trên biển. “Các nước ASEAN đã thảo luận về vấn đề này và tôi tin họ đã đưa ra quan điểm rất rõ ràng rằng họ rất quan ngại nếu có bất kỳ động thái nào liên quan đến việc thành lập một ADIZ ở biển Đông” – Hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Bishop.

MỸ LOAN