28/11/2024

Cư dân Keangnam kêu cứu Thủ tướng vì lo mất hơn 100 tỉ phí bảo trì

Trước thông tin chủ đầu tư Keangnam lâm vào khó khăn, phải rao bán nốt tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72, cư dân ở chung cư Keangnam Ha Noi Landmark Tower đã gửi đơn kêu cứu Thủ tướng vì lo mất khoản phí bảo trì lên đến hơn 100 tỉ đồng.

 

Cư dân Keangnam kêu cứu Thủ tướng vì lo mất hơn 100 tỉ phí bảo trì

 

 

 Trước thông tin chủ đầu tư Keangnam lâm vào khó khăn, phải rao bán nốt tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72, cư dân ở chung cư Keangnam Ha Noi Landmark Tower đã gửi đơn kêu cứu Thủ tướng vì lo mất khoản phí bảo trì lên đến hơn 100 tỉ đồng.


 

chung-cu-keangnamTổ hợp dự án Keangnam Ha Noi Landmark Tower
Đại diện nhóm cư dân ở đây cho hay tổ hợp dự án Keangnam Ha Noi Landmark Tower gồm chung cư, văn phòng, căn hộ dịch vụ, khách sạn, trung tâm thương mại, gồm có 2 toà chung cư cao 48 tầng và một toà cao 72 tầng cũng khối đế. Hiện phần căn hộ chung cư đã bán hết và khách hàng cũng đã đóng 2% phí bảo trì khi mua căn hộ cho chủ đầu tư.
“Theo tính toán của chúng tôi, tổng số tiền 2% cư dân đã đóng lên đến 160 tỉ đồng, chưa kể lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền bảo trì này chủ đầu tư chỉ đưa ra có 125 tỉ đồng đã bao gồm lãi suất ngân hàng tính đến thời điểm cuối năm 2014 và diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại”, bà Thúy Mai, đại diện cư dân cho hay.
“Quá quắt hơn, Công ty TNHH MTV Keangnam Việt Nam (Keangnam Vina) còn gửi công văn cho cư dân nêu rõ số tiền bảo trì đã sử dụng là hơn 1,7 tỉ đồng và đề nghị trả cho Ban quản trị của cư dân trong vòng 25 năm, mỗi năm 5 tỉ đồng. Cư dân chúng tôi không thể chấp nhận sự vô lý đó do tập đoàn Keangnam đang đứng trước nguy cơ phá sản, phải rao bán nhiều tài sản ở nước ta, kể cả toà Keangnam Landmark 72. Nếu bán xong nốt toà nhà này, họ rút khỏi Việt Nam thì ai sẽ trả tiền phí bảo trì cho cư dân ở đây”, bà Thúy Mai bức xúc.
Cũng theo bà Mai, sau khi báo chí Hàn Quốc rầm rộ đưa tin tập đoàn Keangnam rao bán tòa nhà Keangnam Landmark 72 với giá 830 tỉ Won, tương đương hơn 770 triệu USD thì người dân ở khu chung cư Keangnam này càng đứng ngồi không yên về khoản tiền phí bảo trì. Đây chính là lý do cư dân ở đây gửi đơn kêu cứu lên TP.Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ nhờ giải quyết.
Trong nội dung đơn kêu cứu, các cư dân ở đây dẫn Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28.5.2008 của Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, trong đó quy định rõ khoản phí bảo trì 2% của nhà chung cư sẽ phải chuyển lại cho Ban quản trị sau khi được thành lập để duy tu, bảo trì toà nhà. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với toà chung cư cao tầng như Keangnam.
Với 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2 nên khoản phí bảo trì được Ban quản trị toà nhà ước tính lên đến 160 tỉ đồng, chưa tính lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, khoản phí này chỉ có 125 tỉ đồng đã bao gồm lãi suất ngân hàng và chưa kể phần diện tích bán lẻ thuộc chủ đầu tư.
Theo đại diện Ban quản trị chung cư Keangnam, các cư dân và Keangnam Vina đã làm việc qua văn bản nhiều lần về vấn đề này, đồng thời đã gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị vào cuộc giải quyết giúp nhưng chưa có động thái nào từ các cơ quan này. Do vậy, cư dân chung cư gửi thư kêu cứu lên Thủ tướng với nguyện vọng giúp Ban quản trị toà nhà nhận lại số tiền phí bảo trì mà chủ đầu tư đang giữ.
“Trường hợp tập đoàn Keangnam bị phá sản, phải bán toà nhà 72 tầng, Chính phủ chỉ chấp thuận cho chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả cho cư dân Keangnam quỹ bảo trì này. Giao Bộ Xây dựng tính toán chính xác số tiền quỹ bảo trì để làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn trả lại quỹ cho cư dân”, Ban quản trị cư dân Keangnam viết trong thư kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ.

Lê Quân