Trung Quốc tăng tốc xây dựng ở Trường Sa
Chỉ trong vòng 5 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng quy mô bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa lên gấp 4 lần so với trước.
Trung Quốc tăng tốc xây dựng ở Trường Sa
Chỉ trong vòng 5 tháng qua, Trung Quốc đã mở rộng quy mô bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa lên gấp 4 lần so với trước.
The Wall Street Journal ngày 9.5 dẫn lời giới chức Mỹ cảnh báo từ đầu năm tới nay, Trung Quốc mở rộng diện tích bồi đắp, xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa lên tới khoảng 800 ha, tăng gấp 4 lần so với năm 2014.
Mở rộng gấp 400 lần
Theo ước tính của giới chức Mỹ, trước năm 2015, Trung Quốc bồi đắp khoảng 200 ha bằng cách “cải tạo” các nguyên liệu tự nhiên như cát và bùn thông qua nạo vét để tạo ra các đảo tại những nơi mà chúng chưa bao giờ tồn tại. Tính từ lúc bắt đầu cải tạo, diện tích được Trung Quốc mở rộng đã tăng gấp 400 lần.
“Chúng tôi không ủng hộ nỗ lực bồi đắp đất của bất kỳ bên nào ở Biển Đông, nhưng tốc độ và mức độ bồi đắp của Trung Quốc trong nhiều năm gần đây hơn hẳn phần tương tự của các bên tranh chấp còn lại. Trung Quốc đã mở rộng diện tích trên các tiền đồn nước này chiếm đóng thêm khoảng 400 lần”, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ đánh giá.
Ước tính mới cho thấy Mỹ ngày càng lo ngại Trung Quốc dùng các đảo nhân tạo để xây các đường băng quân sự và các cơ sở khác để sử dụng cho mưu đồ bành trướng tuyên bố chủ quyền sau này, theo The Wall Street Journal. Mối quan ngại của Washington càng có cơ sở khi một báo cáo do Lầu Năm Góc công bố hôm qua 9.5 cho thấy Trung Quốc đang ráo riết xây mạng lưới đảo cũng như cải tạo cơ sở hạ tầng trên nhiều đảo trong mạng lưới đó.
The Wall Street Journal trích nội dung báo cáo cho hay Trung Quốc đã dùng thiết bị hạng nặng để xây các cơ sở cho việc mở rộng ít nhất 5 tiền đồn. Những tiền đồn này có thể bao gồm các cảng, hệ thống giám sát, trung tâm hỗ trợ hậu cần và ít nhất một sân bay. Tài liệu còn cảnh báo việc Trung Quốc thực hiện bồi đắp phi pháp ở Trường Sa sẽ giúp nước này “có các cơ sở hoạt động dân – quân sự lâu dài để tăng cường sự hiện diện đáng kể của nước này ở các vùng tranh chấp”.
Báo cáo do Lầu Năm Góc công bố hôm 9.5 còn chỉ ra Trung Quốc hiện nay đang ưu tiên hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm, theo Reuters. Lực lượng này hiện có 62 tàu ngầm, trong đó có 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, 4 tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo và 53 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel. Trong báo cáo, Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán lực lượng tàu ngầm Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 69 – 78 chiếc trước năm 2020.
Tài liệu còn nhận định Trung Quốc có chương trình không gian phát triển nhanh nhất thế giới và đang tiếp tục phát triển vũ khí laser, thiết bị gây nhiễu vệ tinh và nhiều vũ khí khác nhắm vào thiết bị trong không gian của các đối thủ. Cũng theo báo cáo, quá trình hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc “có khả năng làm suy giảm những lợi thế công nghệ cốt lõi của Mỹ, và đang gây lo ngại vì sự thiếu minh bạch trong các ý định và chính sách” của nước này.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh hôm qua 9.5 chỉ trích báo cáo mới của Lầu Năm Góc là “bóp méo sự thật” và tiếp tục thổi phồng “mối đe dọa quân sự Trung Quốc”, theo Tân Hoa xã.
Thách thức máy bay Mỹ
Những cảnh báo trên được đưa ra không lâu sau khi Philippines tố một tàu hải quân Trung Quốc ngày 19.4 phát tín hiệu radio yêu cầu máy bay không quân Philippines rời khỏi không phận đá Xu Bi, vốn thuộc Trường Sa và cũng là nơi Bắc Kinh đang thực hiện hoạt động bồi đắp phi pháp. Vụ việc xảy ra vào lúc hàng trăm binh sĩ Mỹ đang có mặt tại tỉnh Palawan để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung thường niên Balikatan (Vai kề vai), kéo dài từ ngày 20 – 30.4, theo trang tin Rappler.
Khi giới chức Philippines bàn về vụ việc ở Xu Bi thì một số sĩ quan Mỹ tiết lộ họ cũng đã gặp phải thái độ tương tự khi máy bay tuần tra của Mỹ bay qua một khu vực do Trung Quốc chiếm đóng.
Hai quan chức Philippines cho hay họ được kể rằng một chiếc máy bay săn ngầm, giám sát biển hiện đại P-8 của Mỹ đã nhận thông điệp cảnh báo qua radio từ tàu hải quân Trung Quốc, với nội dung như máy bay Philippines nhận được ngày 19.4: “Máy bay nước ngoài, các ông đang tiến vào khu an ninh quân sự của chúng tôi. Xin nhanh chóng rời khỏi để tránh phán đoán sai lầm”. Phi hành đoàn P-8 lập tức đáp rằng họ đang bay trong không phận quốc tế, theo một sĩ quan Philippines.
Chiếc P-8 này được cho là nằm trong số 16 máy bay thuộc đội tuần tra của hải quân Mỹ. Hồi đầu tuần, tờ USA Today đưa tin đội tuần tra này đang nhận nhiệm vụ cấp bách mới giữa lúc quân đội Mỹ đẩy mạnh hoạt động theo dõi những hành vi gây hấn của Trung Quốc, trong đó có chương trình xây đảo với quy mô “chưa từng thấy” của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Trong thời gian gần đây, máy bay tuần tra Philippines đã bị phía Trung Quốc cảnh báo phải rời khỏi khu vực ít nhất 6 lần, theo Bộ Tư lệnh miền tây của Philippines. Đây là dấu hiệu củng cố quan ngại Trung Quốc có thể lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, vì trước đây các sự cố giữa Trung Quốc và Philippines chỉ giới hạn giữa tàu bè, theo Rappler. Trước tình trạng này, một sĩ quan không quân Philippines nhận định với Reuters rằng Trung Quốc có thể “đang thử nghiệm” xem liệu họ có thể thiết lập ADIZ bên trên quần đảo Trường Sa hay không.
Còn chuyên gia Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nói với Bloomberg rằng nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, hành động này sẽ bị các nước trong khu vực xem là vi phạm nghiêm trọng tự do hàng không và làm tăng thêm quan ngại liên quan đến ý định và những cam kết của Bắc Kinh đối với các chuẩn mực và luật pháp quốc tế.
Cộng đồng quốc tế cần hành động để ngăn Trung Quốc
Chủ tịch Hạ viện Philippines, Feliciano Belmonte Jr. ngày 8.5 lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động vững chắc và mạnh mẽ để ngăn Trung Quốc xây đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự ở Biển Đông.
“Tình trạng xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông – NV) là vấn đề nghiêm trọng. Chúng ta chỉ là một nước nhỏ. Trung Quốc không muốn quốc tế hoá tranh chấp, nhưng không có hành động từ cộng đồng quốc tế, chúng ta sẽ không được bảo vệ”, tờ The Philippine Star dẫn lời ông Belmonte.
Cũng trong ngày 8.5, tại cuộc họp báo với Thủ tướng Canada Stephen Harper tại Ottawa, Tổng thống Philippines, Benigno Aquino III tiết lộ Manila có thể tìm một giải pháp khác cho tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng không tiết lộ chi tiết. Về phần mình, Thủ tướng Harper kêu gọi tất cả các bên liên quan tranh chấp ở Biển Đông kiềm chế, “không nên có những hành động khiêu khích hay đơn phương”.
|
Tàu khu trục Nhật Bản đến Philippines tập trận
Ngày 9.5, hai khu trục hạm Nhật Bản JS Harusame và JS Amigiri chở theo khoảng 600 binh sĩ đã cập cảng Manila, bắt đầu chuyến thăm Philippines 4 ngày. Đài GMA News dẫn lời sĩ quan truyền thông hải quân Philippines, Lued Lincuna cho hay vào ngày 12.5 hai tàu Nhật Bản sẽ tham gia tập trận chung với hải quân nước chủ nhà ở Biển Đông, với nhiều bài tập huấn luyện. Đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Nhật Bản và Philippines.
Cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển nằm giữa Manila và vịnh Subic sẽ có sự tham gia của tàu khu trục Ramon Alcaraz của Philippines và một trực thăng. Ông Lincuna khẳng định cuộc tập trận nhằm tăng cường sự tin tưởng, tình hữu nghị cũng như sự hợp tác và phối hợp giữa hai nước.
|
Văn Khoa