Sự nguỵ biện của Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc không thể so sánh chuỗi hoạt động mở rộng, bồi đắp phi pháp của mình với các hoạt động của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Sự nguỵ biện của Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc không thể so sánh chuỗi hoạt động mở rộng, bồi đắp phi pháp của mình với các hoạt động của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Trong 2 tuần gần đây, để biện minh cho hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp ở Trường Sa, Trung Quốc đã quay ngược lại tố cáo Việt Nam và các nước trong khu vực với lý lẽ: Vì các nước khác đã làm vậy nên chúng tôi cũng có quyền như thế. Gần đây nhất, ngày 4.5 Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục phát ra thông cáo cho rằng Philippines đã vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) thông qua hoạt động xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự quy mô lớn, bao gồm sân bay, cảng và doanh trại.
Những luận điểm nói trên của Bắc Kinh đã bị giới quan sát kịch liệt bác bỏ. Trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia cho rằng chính hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc mới là vi phạm DOC. Quan trọng hơn, Trung Quốc không có cơ sở nào để so sánh các hành vi thay đổi hiện trạng của mình với hoạt động xây dựng của các nước láng giềng.
Biến không thành có
Ông Gregory Poling, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), chỉ rõ: “Tại Trường Sa, Trung Quốc là nước duy nhất xây đảo từ các thực thể trước đây chìm dưới biển và trong quá trình xây dựng gây ra những thiệt hại sinh thái vô cùng lớn. Các nước khác trong khu vực cũng có những hoạt động cải tạo đảo một cách giới hạn, nhưng về bản chất hoàn toàn khác với những gì Bắc Kinh đang làm: biến không thành có”.
Nhấn mạnh yếu tố “biến không thành có”, tiến sĩ Zachary Abuza (chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á, Mỹ) bổ sung: “Trung Quốc cũng đang có mưu đồ dùng những đảo này để biện minh cho vùng đặc quyền kinh tế của mình. Và quan trọng hơn, việc xây những đảo này là hoàn toàn cho mục đích quân sự và là cơ sở để tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Đây là điểm khác biệt mấu chốt”.
Vì những khác nhau về bản chất đó, Trung Quốc không thể nào đánh đồng các hoạt động của mình tại Trường Sa với những gì VN đang làm. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nhận định: “Việt Nam là chủ nhân của quần đảo Trường Sa. Người Việt Nam đã từng sinh sống, xây dựng, cai quản, bảo vệ quần đảo này từ mấy trăm năm nay, ít nhất là từ thế kỷ 17 và việc Việt Nam xây dựng, nâng cấp các công trình phục vụ dân sinh, kinh tế, an ninh, quốc phòng… trên đất của mình hoàn toàn là chuyện bình thường, không phải là những hoạt động làm thay đổi hiện trạng, làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng”.
Ông Trục kết luận: “Còn Trung Quốc thì sao? Họ mới đánh chiếm một số thực thể phía tây bắc quần đảo này từ năm 1988; việc tiếp tục xây dựng, tăng cường điều động binh lính xuống đóng giữ… biến bãi cạn thành đảo nổi phục vụ mục đích tấn công quân sự, tìm cách khống chế biển Đông, không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam như đã phân tích ở trên mà còn phá vỡ cam kết được ghi nhận tại điều 4 và điều 5 của DOC, cố tình phá vỡ hiện trạng đúng theo tinh thần của tuyên bố chính trị này. Vì vậy không thể đánh đồng với các hoạt động chính đáng của Việt Nam”.
Trung Quốc “thử nghiệm ADIZ ở Trường Sa”
Phó đô đốc Alexander Lopez, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Tây của quân đội Philippines, ngày 7.5 cho biết bên cạnh hoạt động bồi đắp phi pháp ở biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với không phận trên các đảo mà nước này chiếm đóng tại đây.
Theo Đài GMA News, phát biểu tại một cuộc điều trần trước quốc hội, ông Lopez nói các máy bay tuần tra của Philippines đã nhận được cảnh báo của Trung Quốc rời khu vực tranh chấp trên Biển Đông ít nhất 6 lần, tuy nhiên cảnh báo này đã bị phớt lờ. Ông Lopez không nêu thời gian cụ thể, nhưng một quan chức cấp cao của không quân Philippines nói với Reuters rằng những cảnh báo trên được Bắc Kinh đưa ra trong vòng 3 tháng qua.
Theo ông này, Trung Quốc có thể “đang thử nghiệm” xem liệu họ có thể thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bên trên quần đảo Trường Sa hay không. Tháng trước, một tàu chiến Trung Quốc đã yêu cầu một máy bay tuần tra của Philippines rời “lãnh thổ Trung Quốc” gần bãi đá Subi.
Trùng Quang
|
“Hai cái sai không làm nên một cái đúng”
Ngoài việc bị lên án là “vừa ăn cướp vừa la làng”, Trung Quốc còn vấp phải chỉ trích vì hay biện minh cho cái sai của mình theo kiểu: Vì các người cũng sai nên các người không có tư cách nói là tôi sai.
Các chuyên gia chỉ ra trường hợp cụ thể việc Trung Quốc hay lên án Mỹ không chịu tham ký Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) nên Washington không có tư cách lên án các hành vi Bắc Kinh trên Biển Đông. Ông Gregory Poling đã bác bỏ kiểu lập luận này: “Việc một nhóm nhỏ các nghị sĩ Mỹ, vì quan điểm thiển cận của mình, phản đối việc tham ký UNCLOS là một điều cần phải thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, việc đó không có nghĩa là Trung Quốc muốn làm gì thì làm trên Biển Đông. Không phải vì một ai đó chưa tham ký một hiệp ước mà anh có quyền vi phạm nó. Anh lại không có cơ sở pháp lý hay tư cách gì vi phạm chủ quyền của các nước khác dựa trên cơ sở đó. Người khác sai, nhưng không có nghĩa vì vậy anh cũng có quyền sai. Như một câu thành ngữ tiếng Anh: “Hai cái sai không làm nên một cái đúng”.
|
An Điền