27/11/2024

​5 nhiệm vụ của Hải quân trong tình hình biển Đông phức tạp

“Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trên biển Đông vẫn diễn ra gay gắt, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức to lớn và nghiêm trọng”.

 

​5 nhiệm vụ của Hải quân trong tình hình biển Đông phức tạp

 

 “Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trên biển Đông vẫn diễn ra gay gắt, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức to lớn và nghiêm trọng”.

 

 

 

Tàu ngầm Kilo 182 – Hà Nội phối hợp với chiến hạm Đinh Tiên Hoàng duyệt đội hình trên biển tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam vào sáng 2-5 ở Cam Ranh – Ảnh: Tiến Thành
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng và gắn danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lên quân kỳ Quyết thắng của Quân chủng Hải quân – Ảnh: Tiến Thành

Đó là một phần trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại Cam Ranh ngày 2-5-2015. Tuổi Trẻ xin trích đăng bài phát biểu này.

…Nhân ngày kỷ niệm vẻ vang này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích, chiến công xuất sắc của Hải quân nhân dân Việt Nam trong 60 năm qua.

Những thành tích và chiến công đó đã góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay; góp phần tô thắm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, xứng đáng với các phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng, xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới được Đảng và Nhà nước trao tặng tại buổi lễ trọng thể hôm nay.

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo trên biển Đông vẫn diễn ra gay gắt, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức to lớn và nghiêm trọng.

Đồng thời, các thế lực thù địch luôn đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” gây mất ổn định chính trị xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước ta với những thủ đoạn hết sức tinh vi và xảo quyệt.

…Trước yêu cầu nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang đó, yêu cầu Quân chủng Hải quân cần phát huy cao độ truyền thống 60 năm qua, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Một là: Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo và giải quyết các tranh chấp trên biển Đông.

Tập trung xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam vững vàng về chính trị, làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân chủng; quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần ý nghĩa thiêng liêng và cao cả của nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ mỗi hòn đảo, mỗi sải biển của Tổ quốc; đồng thời nhận thức đầy đủ ý nghĩa lớn lao của gìn giữ hoà bình, ổn định đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, làm hết sức mình, dù phải hi sinh tính mạng, để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ hai: Phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Xây dựng các lực lượng trong quân chủng có khả năng tác chiến độc lập, liên tục, dài ngày ở vùng biển gần cũng như vùng biển xa thắng lợi. Bảo dưỡng tốt và sử dụng đạt hiệu quả cao vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và các loại vũ khí mới sẽ được trang bị. Chủ động nắm bắt các thành tựu khoa học công nghệ mới để nghiên cứu, cải tiến, sáng chế…

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự với các nước, nhất là với hải quân các nước có quan hệ truyền thống, các nước láng giềng; chủ động tuần tra chung với các nước trong khu vực để xây dựng vùng biển hòa bình, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hóa đất nước.

Thứ ba: Đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng cơ động, nâng cao khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Quân chủng phải chủ động nắm chắc diễn biến tình hình trên biển, nâng cao khả năng dự báo, kịp thời tham mưu với Đảng và Nhà nước về các chủ trương, đối sách chiến lược; chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn trong lực lượng vũ trang và các địa phương để xử lý kịp thời, chính xác mọi tình huống theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, luật pháp của Nhà nước và phù hợp với luật pháp quốc tế, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thứ tư: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt.

Tiếp tục tham gia đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo trong các tầng lớp nhân dân; không ngừng nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong phát triển kinh tế biển, khai thác tài nguyên biển.

Xây dựng và nâng cao chất lượng huấn luyện, quản lý lực lượng tự vệ biển, lực lượng dự bị động viên có cơ cấu và số lượng hợp lý. Chủ động hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên trên biển.

Tham gia tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội trên biển, đảo; hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân làm ăn, sinh sống trên các vùng biển xa; tổ chức có hiệu quả việc bảo vệ và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai trên biển.

Thứ năm: Tiếp tục xây dựng Đảng bộ Quân chủng Hải quân trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong Đảng bộ.

Thực hiện có hiệu quả nghị quyết trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với việc thực hiện chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trước mắt, cần tiếp tục quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện tốt đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ quân chủng, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ quân đội lần thứ X và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng…

Duyệt đội hình tên lửa của Hải quân – Ảnh: Tiến Thành
Máy bay săn ngầm, chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và tàu ngầm Kilo 183 – TP.HCM phối hợp duyệt đội hình trên biển tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam – Ảnh: Tiến Thành
Các chiến sĩ thông tin liên lạc của Hải quân nhân dân Việt Nam tại buổi lễ – Ảnh: T.Thành

Hai lần nhận danh hiệu Anh hùng

Sáng 2-5, tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam được tổ chức ở quân cảng Cam Ranh (Khánh Hoà), Quân chủng Hải quân đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ hai. 

Dự lễ có ông Trương Tấn Sang (ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), ông Nguyễn Thiện Nhân (uỷ viên Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam), ông Phùng Quang Thanh (uỷ viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Quốc phòng), ông Trần Đại Quang (uỷ viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an), anh Nguyễn Đắc Vinh (bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn), ông Tất Thành Cang (phó chủ tịch UBND TP.HCM)  cùng nhiều đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các bộ ngành trung ương và địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành tích to lớn mà Hải quân nhân dân Việt Nam đã đạt được, đồng thời nêu rõ trọng trách bảo vệ chủ quyền của đất nước trong tình hình mới.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai cho Quân chủng Hải quân.

Trong diễn văn trình bày tại buổi lễ, sau khi ôn lại truyền thống hào hùng của lực lượng hải quân trong 60 năm qua, đô đốc Nguyễn Văn Hiến – thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm tư lệnh Hải quân Việt Nam – khẳng định lực lượng Hải quân Việt Nam đã không ngừng vượt qua mọi thử thách, gánh vác sứ mệnh lịch sử to lớn – làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ (tháng 12-1989) và được tặng nhiều huân chương, huy chương cao quý.

“Thế hệ hôm nay hơn lúc nào hết phải tiếp tục nâng cao lòng yêu nước, hiểu rõ hơn giá trị của mỗi tấc đảo, từng sải biển, sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân” – ông Hiến nhấn mạnh.

Thay mặt các cựu chiến binh của Quân chủng Hải quân anh hùng, trung tá Hồ Đắc Thạnh – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên thuyền trưởng tàu không số – xúc động bày tỏ: “Từ trong sâu thẳm trái tim mình, chúng tôi ai ai cũng đọng lại ký ức không bao giờ phai mờ về những năm tháng sống, chiến đấu, học tập, công tác trong Quân chủng Hải quân, sẵn sàng chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách, tất cả vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên của biển đảo quê hương”.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh cũng khẳng định vẫn luôn tin tưởng thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết vượt mọi khó khăn, cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

HUỲNH HIẾU – DUY THANH

Những mốc son lịch sử của Hải quân Việt Nam

* Ngày 7-5-1955: Theo yêu cầu bức thiết của việc quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo miền Bắc, chấp hành nghị quyết của Tổng quân uỷ, Bộ Quốc phòng ra nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay.

Ngày 24-8-1955: Cục Phòng thủ bờ bể thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tư lệnh – huấn thị: “Đây là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tàu chiến đấu Hải quân nhân dân Việt Nam sau này”.

* Ngày 24-1-1959: Bộ Quốc phòng ra nghị định số 322/NĐ thành lập Cục Hải quân trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ bể.

Ngày 23-10-1961: Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 – vận tải đường biển. Ngày 19-10-1962, con tàu Phương Đông 1 thực hiện thắng lợi chuyến chở vũ khí đầu tiên cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), mở thông con đường Hồ Chí Minh trên biển. Tháng 10-1963, Đoàn 759 chuyển về trực thuộc hải quân và đổi tên thành Đoàn 125 hải quân.

Ngày 3-1-1964: Bộ Quốc phòng ra quyết định số 01/QP-QĐ nâng cấp Cục Hải quân thành Bộ tư lệnh Hải quân với nhiệm vụ “chỉ huy, lãnh đạo xây dựng Quân chủng Hải quân, đảm nhận nhiệm vụ hoạt động chiến đấu trên không phận, hải phận, bờ biển miền Bắc”.

* Ngày 2-8-1964: Phân đội 3 tiểu đoàn 135 tàu phóng lôi gồm ba tàu 333, 336, 339 xuất kích đánh tàu khu trục Maddox (Mỹ) xâm phạm vùng biển nước ta, buộc tàu Maddox phải tháo chạy, làm nên truyền thống “Đánh thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1965-1968: Lực lượng hải quân tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Ngày 27-3-1967, Bộ Quốc phòng ra quyết định hợp nhất Bộ tư lệnh Hải quân và Quân khu Đông Bắc thành Bộ tư lệnh Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc.

Tháng 4-1975: Lực lượng hải quân phối hợp với các đơn vị bạn tiến công giải phóng các tuyến đảo, hải cảng, đồng thời phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 5 thần tốc tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa.

* Từ năm 2010: Hải quân nhân dân Việt Nam được đầu tư hiện đại, đến nay đã có đủ năm thành phần: tàu mặt nước; tàu ngầm; pháo binh – tên lửa bờ; không quân hải quân; hải quân đánh bộ, đặc công hải quân và lực lượng phòng thủ đảo.

_________

(*) Tựa bài do Tuổi Trẻ đặt.