Quân đội Pháp xấu mặt vì lạm dụng trẻ em
Đây là một vụ việc được cho là bôi nhọ thanh danh quân đội Pháp. Phần lớn nạn nhân là trẻ bụi đời đói khát.
Quân đội Pháp xấu mặt vì lạm dụng trẻ em
Đây là một vụ việc được cho là bôi nhọ thanh danh quân đội Pháp. Phần lớn nạn nhân là trẻ bụi đời đói khát.
Binh sĩ Liên Hiệp Quốc ở Trung Phi – Ảnh: AFP |
14 binh sĩ Pháp đang bị đặt vào diện nghi can và một số trong nhóm này đã bị nhận diện trong cuộc điều tra do Viện Công tố Paris thực hiện trước đây.
Mục tiêu điều tra là phát hiện những trường hợp lạm dụng tình dục liên quan đến binh sĩ gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với trẻ em ở Trung Phi.
Vụ việc được cho là có khả năng huỷ hoại uy tín của binh sĩ Pháp vốn thường hoạt động quốc tế ở khu vực châu Phi. Các lãnh đạo Pháp đã lên tiếng nhanh chóng với cam kết sẽ trừng phạt thẳng tay.
Ngày 30-4, Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định: “Nếu có những binh sĩ Pháp hành xử sai quấy thì tôi sẽ trừng phạt nghiêm khắc”.
Phần lớn nạn nhân là trẻ bụi đời đói khát. Khi trông thấy các binh sĩ Pháp, chúng đã tiến đến xin đồ ăn, thức uống. Các binh sĩ đó đã nói với chúng: “Nếu mày chịu phục vụ tình dục thì sẽ có cái ăn” |
Bà PAULA DONOVAN (giám đốc tổ chức phi chính phủ AIDS-Free World, người đã tiếp cận được hồ sơ của LHQ và cung cấp cho báo The Guardian) |
Vụ việc có bị che giấu?
Các nguồn tin từ giới tư pháp cho AFP biết vào thời điểm các nhà điều tra của Paris tiến hành công việc, họ đã gặp được sáu trẻ vị thành niên là nạn nhân của các binh sĩ Pháp trú đóng tại Trung Phi. Những trẻ này ở độ tuổi 9-13 và có bốn trong số đó khẳng định mình là nạn nhân trực tiếp và hai là nhân chứng của các vụ lạm dụng tình dục.
Trong khuôn khổ cuộc điều tra được mở vào tháng 7-2014, Ban vụ việc quân sự của Viện Công tố Paris đã nhận được các văn bản trả lời viết tay của một nữ nhân viên LHQ là người đã “tiếp nhận và phản ảnh” những lời chứng của các nạn nhân trẻ em.
Vào thời điểm đó, các binh sĩ (đã bị nhận diện phạm tội) vẫn chưa được gọi đến thẩm vấn. Cho đến khi vụ việc chính thức được điều tra thì lực lượng hiến binh chuyên trách điều tra đã được cử sang Trung Phi.
Cuộc điều tra sơ bộ, được mở sau báo cáo đầu tiên gửi lên Bộ Quốc phòng Pháp, nhằm kiểm chứng các chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ ghi âm. Toà án sau đó đã yêu cầu phía chỉ huy quân sự tháo gỡ quyết định chỉ cho điều tra nội bộ đối với vụ việc.
Sau khi nhật báo Anh The Guardian tung ra vụ việc này, Bộ Quốc phòng Pháp hôm 29-4 giải thích đã nắm trong tay “các lời chứng của những trẻ em Trung Phi tố cáo bị binh sĩ Pháp tấn công tình dục và đây là những binh sĩ tham gia trong chiến dịch Sangaris”.
Những lời chứng mà Bộ Quốc phòng Pháp có trong tay là của nhân viên LHQ làm việc tại Trung Phi. Phía Bộ Quốc phòng Pháp nói rõ hơn như sau: “Các lời chứng thuật lại những vụ việc xảy ra với khoảng một chục trẻ em ở khu vực sân bay M’Poko (tại Bangui) trong khoảng thời gian từ tháng 12-2013 đến tháng 6-2014” và Bộ Quốc phòng Pháp cho biết “đã và sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để làm rõ sự thật”.
Phía LHQ đã mở một cuộc điều tra hồi mùa xuân năm 2014 và nhận được những lời chứng. Người phụ trách của LHQ về vụ việc này, vào tháng 7-2014, đã chuyển báo cáo điều tra cho chính quyền Pháp mà không tuân theo quy trình của LHQ nên đã bị đình chỉ công việc sau đó.
Hôm 30-4, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Pháp Pierre Bayle khẳng định phía quân đội Pháp không hề có ý định che giấu vụ việc.
Những vụ lạm dụng từng xảy ra
Vụ việc lính Pháp có hành vi không thể chấp nhận thật ra không phải là lần đầu trong kiểu phạm tội dạng này. Đã có ít nhất ba vụ lính gìn giữ hoà bình của LHQ đã phạm tội liên quan tình dục.
Ở CHDC Congo năm 2004. Vụ việc được điều tra và ghi nhận trong một báo cáo năm 2004. Một năm sau các phát hiện nêu trên, Tổ chức LHQ thông báo đã thực hiện các biện pháp chống lại những vụ phạm tội liên quan tình dục trong thành phần của lực lượng gìn giữ hòa bình.
Tổng thư ký LHQ lúc đó là ông Kofi Annan đã ra lệnh giới nghiêm từ chập tối đến sáng hôm sau đối với lực lượng trên trú đóng ở nước ngoài và nghiêm cấm mọi tiếp xúc không được phép với người dân địa phương.
Lần đó, ban chỉ huy lực lượng trú đóng đã thực thi kỷ luật với chín thành viên dân sự của phái đoàn LHQ tại Congo (MONUC) và với 65 binh sĩ, trong đó có 63 người bị đình chỉ hoạt động và đưa về nước.
LHQ phải công bố thông tin cho biết các nhà điều tra đã nhận được chứng cứ do cảnh sát Congo cung cấp bao gồm các đoạn video và hình ảnh một thành viên dân sự của MONUC với trẻ em và thiếu nữ Congo vây quanh.
Ở Bờ Biển Ngà năm 2010. Tháng 9-2010, lực lượng LHQ ở Bờ Biển Ngà đã buộc phải công khai “hối hận sâu sắc” về những vụ lạm dụng và khai thác tình dục của các binh sĩ mũ nồi xanh trú đóng tại đây. Vụ việc được đưa ra công luận từ thông tin mật tiết lộ trong vụ WikiLeaks.
Theo đó, các nhà ngoại giao Mỹ báo cáo về thông tin thu được từ một tổ chức phi chính phủ của Anh: tổ chức này đã thăm dò 10 thiếu nữ địa phương ở khu Toulepleu và nhận được thông tin khiến họ té ngửa vì có đến tám cô thú nhận đã quan hệ tình dục với binh sĩ Benin tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình để đổi lấy thực phẩm hoặc chỗ ở.
Lần đó AFP cho biết LHQ phải thừa nhận một số binh sĩ và cảnh sát trú đóng tại phía tây Bờ Biển Ngà có dính líu vào vụ việc và nếu xác nhận được đích xác thì họ sẽ bị gửi trả về nước, chấp nhận hình phạt phù hợp luật pháp của nước họ.
Ở Mali năm 2013. Tháng 9-2013, LHQ thông báo phái bộ Mali đã tiếp nhận những cáo buộc nhằm vào một số binh sĩ mũ nồi xanh ở đây, chủ yếu liên quan lạm dụng tình dục. LHQ cho biết vụ nổi cộm xảy ra ngày 19 và 20-9-2010 tại Gao, một thành phố phía đông bắc Mali.
Lần đó LHQ cũng công bố quyết định mở rộng điều tra và cam kết “không dung thứ bất kỳ hành vi sai trái nào” của lực lượng nằm dưới quyền điều động của mình.