27/11/2024

Lá chắn yên bình cho biển Đông

Chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa kết thúc ghi dấu chuyển biến lịch sử của nước Nhật.

  

Lá chắn yên bình cho biển Đông

 

Chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa kết thúc ghi dấu chuyển biến lịch sử của nước Nhật.



 

 

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại Quốc hội Mỹ ngày 29-4, phía sau là Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện John Boehner (phải) – Ảnh: Reuters

 Trước hai viện của Quốc hội Mỹ, chiều tối 29-4 Thủ tướng Abe cam kết “quyết tâm nhận lãnh trách nhiệm hơn nữa vì hòa bình và ổn định trên thế giới”. 

“Trách nhiệm hơn nữa” được Thủ tướng Abe giải thích rõ ràng như sau: “Chúng tôi phải đảm bảo cho an ninh nhân loại sẽ được gìn giữ cùng với an ninh quốc gia. Chúng tôi xác tín mạnh mẽ và chắc chắn như thế… Đó là lý do tại sao giờ đây chúng tôi giương cao biểu ngữ mới là: chủ động đóng góp cho hòa bình trên cơ sở hợp tác quốc tế”.

Nhật sẽ “chủ động đóng góp cho hòa bình” ở đâu? Câu trả lời được nêu trong đoạn tiếp theo của bài diễn văn: “Liên quan đến tình trạng của các vùng biển châu Á, hãy để tôi nhấn mạnh ở đây ba nguyên tắc của tôi. (1) Các quốc gia sẽ chỉ đưa ra những yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế; (2) Các nước ấy sẽ không sử dụng vũ lực hoặc sự cưỡng ép để thúc đẩy các yêu sách của mình; (3) Để giải quyết tranh chấp, bất kỳ là tranh chấp gì, các nước đó sẽ chỉ dùng các biện pháp hoà bình”. 

Liệu đây chỉ là “nói và nói”? Thông điệp của ông Abe rất rõ: nói là làm. Và ông nêu rõ luôn “địa giới” của cam kết đó: “Chúng ta phải làm cho các vùng biển rộng lớn trải dài từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương thành những vùng biển của hoà bình và tự do, nơi mà tất cả các bên phải tuân thủ pháp luật”.

Liệu nước Nhật của năm 2015 có còn bị trói tay bởi bản hiến pháp phi quân sự của nước Nhật bại trận 70 năm trước nữa hay không?

Thủ tướng Abe loan báo: “Chúng tôi đang nỗ lực để tăng cường cơ sở pháp luật cho an ninh của chúng tôi. Một khi đưa vào hoạt động, Nhật Bản sẽ có nhiều khả năng hơn để có thể đáp ứng liên tục cho mọi khủng hoảng ở mọi cấp độ… Chúng tôi sẽ hoàn thành cải cách này vào mùa hè này”.

Bằng cách nào Nhật sẽ đảm bảo được hòa bình và tự do trên biển? Câu trả lời chi tiết hoá trong một bản kế hoạch gọi là “Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật 2015” mới vừa được Ngoại trưởng  Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cùng những người đồng cấp Nhật là Ngoại trưởng Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani thông qua hôm 25-4.

Theo hướng dẫn mới này, sẽ không chỉ bảo vệ hòa bình, an ninh cho Nhật Bản cùng các vùng xung quanh mà còn cho cả các nước khác. 

Đoạn D của hướng dẫn nêu rõ: “Những hành động nhằm đáp ứng lại một cuộc tấn công vũ trang chống lại một nước khác không phải là Nhật Bản” sẽ như thế nào.

Nhật và Mỹ mỗi nước sẽ quyết định đưa ra các hoạt động sử dụng vũ lực đúng với luật pháp quốc tế cũng như hiến pháp và luật pháp mỗi nước, kể cả việc tôn trọng toàn diện chủ quyền… của nước thứ ba trong trường hợp nước này bị tấn công hoặc để ngăn chặn những cuộc tấn công.

“Tôn trọng toàn diện chủ quyền… của một nước thứ ba” có nghĩa là chỉ khi nào được nước “nạn nhân” đó yêu cầu, chứ Nhật và Mỹ sẽ không tự ý can thiệp bảo vệ hay ngăn chặn tấn công nước đó khi nước đó thoái thác không nhờ cậy. 

Bản hướng dẫn còn dự trù rằng “Nhật và Mỹ sẽ hợp tác một cách thích hợp với các nước khác nhằm đưa ra những hành động đáp trả cuộc tấn công vũ trang”.

Điều này có nghĩa khi một nước thứ ba bị tấn công hay sắp bị tấn công nữa, có yêu cầu bảo vệ, sẽ không chỉ Nhật và Mỹ mà còn những nước khác sẽ tham gia bảo vệ. 

“Nước thứ ba” sẽ được bảo vệ là nước nào? Bản hướng dẫn ghi rõ  đó là “một nước ngoài có quan hệ mật thiết với Nhật, và hậu quả là cũng đe dọa đến sự sống còn của Nhật, đồng thời tạo thành một mối nguy hiểm rõ rệt là sẽ lật đổ quyền cơ bản của người dân được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

“Nước ngoài có quan hệ mật thiết với Nhật” có thể là  nước đã và đang tỏ rõ lập trường, quan điểm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của mình, tỏ rõ ý muốn được bảo vệ.

Tất nhiên, chẳng nước nào muốn có chiến tranh để bị đánh rồi yêu cầu bảo vệ. Song, rõ ràng là bước dấn thân mới của Nhật cũng sẽ giúp biển Đông bớt bị đe doạ. 

DANH ĐỨC