27/11/2024

Sóng gió trước cửa ‘thiên đường’

Nạn nhập cư lậu vào châu Âu đã trở thành thảm hoạ nhân đạo sau khi hơn 1.000 người thiệt mạng do 2 tai nạn nghiêm trọng cách nhau chỉ 1 tuần lễ ở Địa Trung Hải vào giữa tháng 4.

 

Sóng gió trước cửa ‘thiên đường’

 

 

Nạn nhập cư lậu vào châu Âu đã trở thành thảm hoạ nhân đạo sau khi hơn 1.000 người thiệt mạng do 2 tai nạn nghiêm trọng cách nhau chỉ 1 tuần lễ ở Địa Trung Hải vào giữa tháng 4.

 

 

Những người di cư may mắn gặp được lực lượng cứu hộ trên Địa Trung Hải - Ảnh: Reuters

Những người di cư may mắn gặp được lực lượng cứu hộ trên Địa Trung Hải – Ảnh: Reuters

Từ một trung tâm tiếp nhận người nhập cư lậu vào châu Âu ở TP. Misrata (Libya), Mohammed Abdi quả quyết với nhà báo Frédéric Bobin của tờ Le Monde: “Tôi thà chết chứ không quay về”.

Với anh thanh niên người Somalia này, châu Âu là thiên đường, còn quay về là sẽ lại phải đương đầu với đói nghèo, loạn lạc. Năm 2013, đất nước của anh từng có 258.000 người chết đói. Vậy nên Abdi cùng 109 người bất chấp nguy cơ xảy ra tai nạn chết người cực cao đã trả 600 USD để cùng chen chúc nhau trên một chiếc thuyền máy mỏng manh, có sức chứa chỉ bằng 1/4 số người có mặt, nuôi hy vọng vượt Địa Trung Hải để cập bến “thiên đường”, tức các quốc gia ở bờ bên kia như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Malta.
Từ những nước này, họ sẽ lợi dụng Hiệp ước Schengen (cho phép qua lại không phải xin giấy thông hành giữa một số nước có ký kết) để đến các nước châu Âu khác. Chiếc thuyền đi được hơn nửa đường thì chết máy, lênh đênh trên biển và có thể chìm bất cứ lúc nào. May mắn là lực lượng tuần duyên Libya đã phát hiện và đưa họ vào bờ kịp thời.
Giấc mơ của Abdi tan vỡ sau 3 tháng vất vả để từ Somalia đến Libya và một chuyến vượt biển suýt chết. Anh cho biết khi được thả ra khỏi trại ở Misrata sẽ tiếp tục tìm mọi cách để đến “thiên đường”.
Bước đệm Libya
Libya là điểm xuất phát quan trọng nhất ở Bắc Phi của những người muốn nhập cư lậu vào EU. Năm 2014, khoảng 170.000 người đã vượt Địa Trung Hải để đến Ý mà không hề được cấp thị thực nhập cảnh trước đó. Le Monde dẫn lời một quan chức an ninh của Libya ước tính: “Với thời tiết đẹp của tháng 4, tháng 5, mỗi ngày có thể có từ 300 – 700 người nhập cư lậu rời khỏi Libya”.
Trong lúc áp lực do bọn tội phạm tổ chức nhập cư trái phép ngày càng lớn, tinh vi, hung hãn và số lượng người được bọn chúng đưa đi ngày càng đông thì nước này đang thiếu thốn nghiêm trọng cả về nhân lực lẫn trang thiết bị, phương tiện. Lực lượng tuần duyên Libya chỉ có 2 chiếc tàu nhỏ để kiểm soát 600 km bờ biển.
Do vị trí địa lý thuận lợi của mình, từ nhiều thế kỷ trước, Libya đã là điểm dừng chân của những người du mục đến từ vùng hạ Sahara. Vào thập niên 1990, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi thực hiện chính sách khuyến khích lao động nước ngoài đến nước này để làm việc cho ngành khai thác khoáng sản và dầu khí, theo Le Monde. Với chính sách đó, dân cư các nước châu Phi khác có thể dễ dàng đến Libya, kể cả những người muốn xem đây là trạm trung chuyển để nhập cư lậu vào châu Âu.
Tuy nhiên, các làn sóng di cư đã trở nên không thể kiểm soát được kể từ khi ông Gaddafi bị lật đổ vào tháng 10.2011. Libya chìm trong bất ổn với nhiều lực lượng vũ trang, chính trị không ngừng tìm cách nắm quyền kiểm soát đất nước. Tình hình lại càng hỗn loạn hơn với sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong bối cảnh đó, kiểm soát di cư lậu không hề được xem là ưu tiên và lực lượng tuần duyên Libya gần như bị “bỏ rơi”.
Bất ổn chính trị đã làm đại sứ quán các nước tại Tripoli phải tạm đưa hết nhân viên sang Tunisia vào năm 2014, làm gián đoạn tất cả các chương trình hợp tác quốc tế về đối phó di cư bất hợp pháp. Mạng lưới ngoại giao giúp đưa những người di cư lậu hồi hương chỉ hoạt động cầm chừng và tốn rất nhiều thời gian do phải đợi giới chức Libya chuyển hồ sơ sang đại sứ quán các nước châu Phi ở Tunisia để giải quyết. Hồ sơ bị “ùn tắc”, những người nhập cư lậu không thành công, vốn ngày càng đông, phải chen chúc nhau ở những trại tiếp nhận luôn trong tình trạng quá tải ở Libya: nam nữ phải ở cùng một khu tập thể, thiếu thốn nước sạch, thực phẩm…
Thiên đường mong manh
Với những người may mắn sang đến bờ bên kia, đa phần do lực lượng tuần duyên Ý cứu, tương lai cũng không hề xán lạn như họ mơ tưởng.
TP.Catania thuộc vùng Sicily, miền nam nước này là một trong những điểm đến chính của những người vượt Địa Trung Hải để nhập cư trái phép vào EU, theo tờ Le Monde. Họ được các tổ chức nhân đạo địa phương cung cấp quần áo, thực phẩm hằng ngày nhưng vẫn phải sống trong điều kiện rất bấp bênh trong thời gian hy vọng được công nhận là người tị nạn. Trại đón tiếp người nhập cư Mineo có quy mô lớn nhất châu Âu nhưng nay cũng đã “hết chỗ nhét” do phải chứa khoảng 3.200 người thuộc 35 quốc tịch. Các khu trại liên tiếp mọc lên ở Catania nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của lượng người nhập cư ngày càng nhiều, với những ngày cao điểm có thể lên đến hàng ngàn người.
Le Monde dẫn lời một người dân địa phương cho biết: “Chính phủ chi hằng ngày 30 euro/người nhập cư để đảm bảo việc ăn ở cho họ. Với số lượng tăng đột biến như hiện nay, liệu nền kinh tế vẫn còn chưa thật sự phục hồi sau khủng hoảng của Ý có thể chịu đựng áp lực này được bao lâu. Đó là chưa kể khoản chi 30 euro/người sẽ dễ làm nảy sinh tiêu cực do quy trình kiểm soát còn lỏng lẻo”.
Do không bị bắt buộc phải ở trong trại nên phần lớn thời gian trong ngày, những người nhập cư lậu thường tụ tập thành nhóm hoặc đi lang thang khắp Catania, chờ cơ hội để đón tàu xe đến các nước EU khác. Độ tuổi của họ ngày càng trẻ, số lượng trẻ vị thành niên cũng không ngừng tăng lên. Rất nhiều người nhập cư không có giấy tờ tùy thân hoặc không muốn tiết lộ nhân thân vì sợ bị trả về nước, cứ thế vất vưởng qua ngày ở các khu trại trong tình trạng “tị nạn treo”.
Ngay cả trong trường hợp có thể trốn khỏi trại để đến các quốc gia khác của EU thì tương lai cũng sẽ rất bấp bênh. Không được chính quyền sở tại cấp giấy cư trú chính thức, họ sẽ không có chỗ ở, không xin được việc làm đàng hoàng, chỉ có thể làm chui và bị trả công rẻ mạt. Bên cạnh đó, do nhiều nước EU vẫn chưa hết lao đao vì khủng hoảng kinh tế, người dân các nước này sẽ xem nhập cư lậu là gánh nặng, dễ nảy sinh tình trạng phân biệt chủng tộc và nhiều hệ lụy xã hội khác.
Ngay sau khi một tàu chở người nhập cư lậu đi từ Libya bị lật ở Địa Trung Hải làm hơn 800 người thiệt mạng, Giám đốc Tổ chức Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ Ý, Francesco Rocco nhận định các quốc gia có liên quan cần phải đưa ra giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề.
Theo ông Rocco, ngoài việc tăng cường nhân sự và trang thiết bị cho cứu hộ, cộng đồng quốc tế cần gấp rút hỗ trợ Libya ổn định chính trị và tái thiết đất nước, đồng thời củng cố hành lang nhân đạo ở châu Phi.
Trả lời tờ La Stampa mới đây, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhận định các biện pháp quân sự không phải là giải pháp để giải quyết nạn nhập cư lậu vào EU qua Địa Trung Hải.
Thay vào đó, ông Ban cho rằng việc các nước EU nới rộng quy định cấp thị thực nhập cảnh cho người dân các quốc gia gặp bất ổn sẽ hạn chế được việc họ phải tìm đến các đường dây tội phạm để được tổ chức vượt biển trái phép.

Nguyễn Ngọc Lan Chi