Nam Phi, Mỹ và Việt Nam đọ pháo trên sông Hàn
Tối 28.4, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC) lần 7 năm 2015 khai màn tại TP.Đà Nẵng. Nam Phi được kỳ vọng là chú ‘ngựa ô’ sẽ làm nên bất ngờ, đội Mỹ không dễ gì buông chức vô địch DIFC lần 6 cách đây 2 năm và đội Việt Nam quyết cải thiện vị trí thứ 3 sau 6 kỳ làm chủ nhà.
Nam Phi, Mỹ và Việt Nam đọ pháo trên sông Hàn
Tối 28.4, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (DIFC) lần 7 năm 2015 khai màn tại TP.Đà Nẵng. Nam Phi được kỳ vọng là chú ‘ngựa ô’ sẽ làm nên bất ngờ, đội Mỹ không dễ gì buông chức vô địch DIFC lần 6 cách đây 2 năm và đội Việt Nam quyết cải thiện vị trí thứ 3 sau 6 kỳ làm chủ nhà.
Năm nay khu vực cảng Đà Nẵng đã được phá dỡ các dãy nhà xưởng, tường rào nên các đội pháo hoa có được mặt bằng rộng rãi hơn, góc bắn rộng hơn thỏa sức sáng tạo, lắp đặt các giàn pháo phục vụ màn trình diễn.
Đội Nam Phi: Bầu trời cầu vồng
Đội Nam Phi đại diện cho lục địa đen đến với DIFC lần này là Công ty Fireworks for Africa, thành lập năm 1996, được ví như chàng trai trẻ so với các các công ty ra đời lâu hơn góp mặt tại DIFC lần này.
Tuy nhiên Fireworks for Africa từng khiến cả thế giới kính nể khi thực hiện màn pháo hoa ngoạn mục tại FIFA World Cup 2010.
Tối 28.4, 6 thành viên trong đội mang đến màn trình diễn có chủ đề Bầu trời xanh châu Phi với cầu vồng đa sắc do đội trưởng Nick Mitri thiết kế.
Về âm nhạc, khác với các đội phối hợp đa dạng các dòng nhạc trong và ngoài nước, Travis Yeatman đội Nam Phi sử dụng các nhạc phẩm được sáng tác từ những nghệ sĩ nước nhà.
Đội Mỹ: Thác nước tình yêu
Đương kim vô địch đến với DIFC 2015 không phải là công ty từng đăng quang cách đây 2 năm, mà là Pyrotecnico của dòng họ nhà Vitale từng góp mặt tại DIFC 2010.
5 năm trước, màn trình diễn của Pyrotecnico chìm trong khói do trời mưa lớn nên vuột mất chức vô địch vào tay người Pháp.
Năm nay dù không có đội trưởng Rocco Vitale, truyền nhân đời thứ 5 của dòng họ pháo hoa có lịch sử hơn 80 năm dẫn đầu nhưng họ vẫn quyết đòi lại ‘món nợ’ này. Đích thân Giám đốc sáng tạo của Pyrotecnico là Rocco Vitale thiết kế phần trình diễn và soạn nhạc nền cho đội Mỹ.
Chủ đề màn trình diễn đội Mỹ năm nay có tên Trọn vẹn tình yêu, được thể hiện dưới hiệu ứng thác nước.
Trong màn trình diễn này, âm nhạc vốn là thế mạnh của đội Mỹ được khai thác tối đa các bản tình ca, kết hợp hiệu ứng lazer đã khiến cho các khán giả ồ lên kinh ngạc đúng như tuyên bố của đội Mỹ trước đó.
Đội Việt Nam: Bản giao hưởng sắc màu
Đội Đà Nẵng đại diện cho Việt Nam tranh tài năm thứ 7 DIFC đã dạn dày thêm kinh nghiệm, nhất là sau khi du đấu trở về từ Canada năm 2014.
Vũ khí bí mật của các pháo thủ nước nhà là tạo hình pháo hoa bằng chữ “Việt Nam” khiến các khán giả bất ngờ và hò reo thích thú.
Năm nay, đội chủ nhà đã khắc phục một số lỗi nhạc không ăn khớp với pháo hoa như các năm trước bởi có sự phối hợp chặt chẽ giữa thành viên đội bắn và đội ngũ nhạc sĩ tham mưu.
Màn trình diễn của đội Việt Nam gồm 4 phần, phần 1 âm nhạc mang giai điệu hào hùng trở về lịch sử dựng nước và giữ nước với đoạn nhạc Dòng máu lạc hồng của nhạc sĩ Lê Quang.
Vẻ đẹp của đất nước hiện lên qua tạo hình pháo hoa trên nền trời và nền nhạc ca khúc Mùa thu quê hương (sáng tác: Phạm Thuý Hoan), đồng thời gửi gắm tình yêu, khẳng định chủ quyền biển đảo qua ca khúc Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà) và Nơi đảo xa (Thế Song).
Phần ba của màn trình diễn đưa khán giả đến với Đà Nẵng cùng nhịp sống phát triển sôi động, đổi thay hằng ngày (ca khúc Nhịp điệu thành phố - Trần Ái Nghĩa) và We are the world (Michael Jackson – Lionel Richie).
Phần bốn khép lại đêm thi đấu đầu tiên của các đội trên nền nhạc bản Sonate số 8 của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức Beethoven, đồng thời thể hiện chủ đề DIFC năm nay – Bản giao hưởng sắc màu.
Nguyễn Tú
(thực hiện)