Chính phủ Ấn Độ nhượng bộ nông dân
Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi buộc phải tạm hoãn đưa vào thực thi luật đất đai sửa đổi, do làn sóng phản ứng dữ dội của nông dân vùng nông thôn Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ nhượng bộ nông dân
Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi buộc phải tạm hoãn đưa vào thực thi luật đất đai sửa đổi, do làn sóng phản ứng dữ dội của nông dân vùng nông thôn Ấn Độ.
Người dân ở New Delhi đốt nến hôm 23-4 thể hiện sự ủng hộ với cuộc tuần hành của nông dân một ngày trước đó – Ảnh: Reuters |
“Thần mưa không nghe lời cầu khẩn của chúng tôi và ông Thủ tướng Modi cũng giả điếc trước lời cầu xin giúp đỡ của chúng tôi. Tôi đang nợ nần ngập đầu” – ông Tarachand Mathur nói trong nước mắt, tay chỉ ra cánh đồng trồng lúa mì thất bát của mình. Người nông dân 64 tuổi này sống tại Kanjhawala, cách thủ đô New Delhi chỉ 25km.
Theo AFP, ông Mathur thuộc trong số hàng triệu nông dân Ấn đã bỏ phiếu bầu cho ông Narendra Modi gần một năm trước.
Và nay ông thuộc trong số không ít nông dân đang oán giận chính quyền vì dự luật đất đai mới có thể cướp lấy nguồn sống của họ trong thời điểm họ quá khổ vì thời tiết thất thường khiến trắng tay mấy tháng qua.
Chính quyền Modi đã phản bội những người nông dân chúng tôi. Làm sao ông ấy có thể trưng thu đất canh tác – nguồn sống chính của chúng tôi? |
Ông KALU RAM HONJAR (nông dân Ấn 40 tuổi tham gia cuộc tuần hành) |
Không đúng thời điểm
Đã xảy ra hàng chục vụ nông dân Ấn Độ tự tử do nợ nần sau khi mất mùa trắng tay trong những tuần gần đây.
Nhiều nông dân từng bỏ phiếu ủng hộ đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi giờ đây đã quay sang chỉ trích chính quyền phản ứng quá chậm chạp khi mưa đá làm thiệt hại khoảng 9,4 triệu hecta lúa mì, trong khi giá cả hàng tiêu dùng ở nông thôn tăng cao.
Trong bối cảnh đó, nông dân Ấn Độ càng thêm giận dữ khi dự luật đất đai sửa đổi bắt đầu ra thảo luận tại Quốc hội từ hôm 20-4. Nhiều nông dân lo sợ luật mới sẽ buộc họ phải bán đất không theo ý muốn. Đây cũng chính là điều luật dẫn đến cuộc tuần hành quy tụ cả trăm ngàn nông dân ở thủ đô New Delhi hôm 19-4 do Đảng Quốc đại đối lập phát động.
Quả là tình thế nan giải. Khi lên nắm quyền, Thủ tướng Modi đã vạch ra con đường phát triển tốc độ với nền tảng từ công nghiệp và việc xây dựng nhiều thành phố thông minh, khu công nghiệp, đường cao tốc…
Theo AFP, người phát ngôn của đảng BJP là ông Narasimha Rao lý giải: “Để có thể hỗ trợ ngành công nghiệp thì phải có đất trống để xây dựng”.
Cho rằng luật đất đai năm 2013 do đảng Quốc đại ban hành có thể khiến chương trình phát triển công nghiệp của mình bị trì hoãn, Thủ tướng Modi đã dùng các sắc lệnh tháng 12-2014 và tháng 4-2015 để nới lỏng quy định thu hồi đất.
Ông cũng đã lên đài phát thanh kêu gọi người dân đừng chống đối luật vì việc thu hồi đất chỉ là “giải pháp sau cùng”.
Dự luật mới của ông Modi cho phép các dự án liên quan quốc phòng, nhà ở nông thôn, năng lượng và khu công nghiệp không cần phải có sự chấp thuận của 80% các chủ đất mới được thu hồi. Dự luật cũng cho phép bỏ qua luôn việc đánh giá tác động xã hội liên quan số người bị thiệt hại khi đất bị thu hồi.
Những giải pháp thoáng mở đó đã khiến người dân tức giận. Ông Sanjay Parikh, chuyên gia về luật đất đai và môi trường của Ấn Độ, nhấn mạnh với AFP: “Chính phủ nghĩ rằng mình có quyền quyết định tài nguyên đất đai là điều sai lầm. Tài nguyên đất đai thuộc về nhân dân. Đất canh tác phải thuộc về nông dân”.
Chính quyền khuất phục
Dự luật đất đai đã được bàn thảo dữ dội tại phiên họp Quốc hội Ấn Độ ngày 23-4. Reuters cho biết trước áp lực ngoài đường phố, dự luật đã bị đình lại.
Sự kiện khiến các nghị sĩ Ấn phải cân nhắc là vụ nông dân tên Gajendra Singh treo cổ tự tử trên cây trong cuộc tuần hành phản đối dự luật ở thủ đô New Delhi ngày 22-4 vừa qua.
“Luật đất đai sửa đổi là một thách thức đối với chúng tôi” – Reuters dẫn lời một bộ trưởng (giấu tên) cho biết. Theo Reuters, thậm chí đảng BJP của Thủ tướng Modi đang đứng trước nguy cơ phải đình hoãn nhiều dự luật khác ngoài luật đất đai.
Thủ tướng Modi cũng đã buộc phải cam kết các đảng chính trị sẽ chấm dứt việc can thiệp vào cuộc khủng hoảng nông thôn hiện nay ở Ấn Độ. Tiếp theo đó, các đảng phái này phải phối hợp nhau để cải thiện cuộc sống của người dân nông thôn.
“Chuyện nông dân tự tử là chuyện cả nước quan tâm. Tôi cũng chia sẻ nỗi đau này và chúng tôi sẽ giải quyết để tìm giải pháp với vấn đề này” – Thủ tướng Modi cam kết.
“Chính phủ này là vì người dân nghèo. Chúng ta đã cam kết hành động vì người nghèo”, Thủ tướng Modi nhắc lại trước Quốc hội. “Phe đối lập đã bóp méo những phát ngôn của chúng tôi”, Thủ tướng Modi tố cáo.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng việc chính quyền Modi nôn nóng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế đã dẫn đến những giải pháp không hợp lòng nông dân – vốn là lực lượng từng đưa ông Modi lên vị trí lãnh đạo. Và Đảng Quốc đại đã nhân cơ hội này để trở lại vũ đài chính trị với sự dẫn đầu của Rahul Gandhi, phó chủ tịch đảng.