28/11/2024

Tham nhũng đe doạ hội nhập kinh tế ASEAN

Vấn nạn tham nhũng tại Đông Nam Á đe dọa sẽ làm suy yếu các kế hoạch thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực.

 

Tham nhũng đe doạ hội nhập kinh tế ASEAN

 

Vấn nạn tham nhũng tại Đông Nam Á đe doạ sẽ làm suy yếu các kế hoạch thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực.

 


 

 

Cuộc tuần hành của Tổ chức chống tham nhũng tại Thái Lan – Ảnh: AFP

Trong báo cáo mới nhất được công bố sáng 24-4, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) cảnh báo nếu muốn đạt được các kỳ vọng về khối thịnh vượng chung, chu chuyển tự do hơn nữa về hàng hoá, dịch vụ, lao động có tay nghề…, các nhà lãnh đạo ASEAN cần nhanh chóng lập một thể chế cấp khu vực để lồng ghép các nguyên tắc phòng chống tham nhũng vào khuôn khổ của cộng đồng kinh tế cấp khu vực mà ASEAN đang hướng tới.

Vấn đề giải quyết tham nhũng ở Đông Nam Á không còn là chuyện hỗ trợ cơ chế kỹ thuật để thực hiện mà là vấn đề ý chí lãnh đạo
Tiến sĩ SRIRAK PLIPAT

Mối lo kèm lợi ích

Giám đốc khu vực của TI tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiến sĩ Srirak Plipat, cho rằng hội nhập kinh tế hứa hẹn đem lại lợi ích tài chính cho khu vực, nhưng cũng mang theo mối đe dọa trừ phi giải quyết triệt để được nạn tham nhũng.

“Tham nhũng là cái bóng của hoạt động hội nhập kinh tế nên nó cũng sẽ to lên khi hoạt động kinh tế phát triển” – tiến sĩ Plipat ví von.

Báo cáo của TI – được công bố vào thời điểm các lãnh đạo ASEAN sắp nhóm họp tại Kuala Lumpur, Malaysia – cho thấy các dự án hạ tầng khổng lồ đang hoặc sắp triển khai trong khu vực sẽ dẫn đến dòng tiền lớn chảy ở khu vực này.

Điều đó cũng có nghĩa cơ hội thất thoát do tham nhũng càng cao. Và nếu không kiểm soát được điều đó thì sẽ gặp phản ứng không thuận lợi từ công chúng.

“Nếu tình trạng tham nhũng dai dẳng và chủ nghĩa thân hữu khiến lợi ích của việc hội nhập kinh tế của khu vực chui hết vào tay giới tinh hoa lãnh đạo (vốn liên kết với nhau) và khiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập tệ hại hơn, thì sự ủng hộ chính trị cho hội nhập kinh tế khu vực cũng sẽ giảm đi” – báo cáo của TI nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy tham nhũng tiếp tục là vấn nạn đối với hầu hết các quốc gia ASEAN. Theo chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2014, chín quốc gia trong khu vực chỉ đạt điểm số trung bình là 38/100 (trong đó 100 là rất trong sạch và 0 đồng nghĩa với tham nhũng nghiêm trọng).

Chỉ Singapore và Malaysia có số điểm CPI 2014 trên 50, xếp hạng lần lượt là 84 và 52. Trong khi Việt Nam đạt điểm số 31, xếp trên Lào (25), Campuchia và Myanmar (cùng 21 điểm, xếp hạng 154/174).

“Nếu hội nhập kinh tế không được xây dựng trên một nền tảng vững chắc về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính toàn vẹn thì tầm nhìn của cộng đồng ASEAN sẽ bị huỷ hoại” – báo cáo của TI nhấn mạnh.

Cần một cơ chế giám sát mạnh

Theo TI, việc thành lập Cộng đồng liêm chính ASEAN như một cơ chế điều phối ở cấp khu vực là rất cần thiết để có thể nhanh chóng xác định và lồng ghép các giải pháp chính sách quan trọng về phòng chống tham nhũng vào khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN và tầm nhìn chiến lược của ASEAN sau năm 2020. Nếu không, các hoạt động kinh tế xuyên biên giới có thể sẽ làm tham nhũng tăng nhanh.

TI cho biết trong bối cảnh tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng tại khu vực, Cộng đồng liêm chính ASEAN là một cơ chế thiết thực.

Thông qua cộng đồng này, ASEAN có thể thiết lập các chính sách phòng chống tham nhũng hiệu quả, ban hành các đạo luật và chiến lược, đạt được các định chế phòng chống tham nhũng mạnh mẽ và hiệu quả, tăng cường hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng và tạo cơ hội để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội nhân dân và doanh nghiệp trong khu vực.

Để đạt được các kết quả trên, báo cáo đưa ra các khuyến nghị đối với chính phủ các nước ASEAN và kêu gọi thiết lập một cơ chế thực hiện và giám sát hiệu quả, cụ thể là nhóm công tác ASEAN về quản trị và liêm chính.

Nhóm công tác này sẽ bao gồm một uỷ ban liên bộ, đại diện của tổ chức xã hội nhân dân và khu vực doanh nghiệp.

Chính phủ Malaysia và Myanmar là những quốc gia đầu tiên thể hiện sự ủng hộ đối với việc thành lập Cộng đồng liêm chính ASEAN.

TI cho biết ở nhiều quốc gia, các cơ quan công quyền chưa thực hiện tốt minh bạch và trách nhiệm giải trình, vẫn còn thiếu vắng các đạo luật phòng chống tham nhũng quan trọng và sự tham gia của các tổ chức xã hội vẫn bị giới hạn.

Chỉ có Indonesia và Thái Lan là hai quốc gia đã thông qua đạo luật về tự do thông tin, trong khi nhiều cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng trong khu vực chưa thể thực hiện tốt chức năng của mình do thiếu tính độc lập và năng lực hạn chế.

QUỲNH TRUNG