Vẫn trồng dưa kiểu “may, rủi”
Nhiều người dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục xuống giống vụ dưa mới với hi vọng một mùa dưa sẽ lãi to, dù mới trải qua cảnh mùa vụ bị ứ đọng dưa.
Vẫn trồng dưa kiểu “may, rủi”
Nhiều người dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục xuống giống vụ dưa mới với hi vọng một mùa dưa sẽ lãi to, dù mới trải qua cảnh mùa vụ bị ứ đọng dưa.
Nông dân đã từng phải đem dưa hấu cho bò ăn vì không có người mua – Ảnh: Lê Trung |
Trong lúc các hội, đoàn thể đang tổ chức “giải cứu” dưa hấu ứ đọng tại ruộng ở Quảng Ngãi, nhiều người dân nơi đây vẫn tiếp tục xuống giống vụ mới với hi vọng một mùa dưa sẽ lãi to.
Tại bãi bồi sông Trà Khúc (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi), sau đợt thất bại do cơn lũ lịch sử giữa tháng 3 và ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khiến giá dưa xuống thấp kỷ lục, nhiều người dân lại đang tất bật xuống giống với hi vọng “lấy lại những gì đã mất” nếu trúng mùa, được giá.
Trúng sẽ lãi to?
Ông Huỳnh Danh (thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn) – một trong những hộ thiệt hại nặng nề nhất trong số người trồng dưa ở bãi bồi sông Trà Khúc – cho biết đang thuê người làm đất, tiếp tục trồng 7.000m2 dưa.
“Trồng dưa chỉ mất hai tháng là cho thu hoạch. 1ha dưa cho sản lượng trung bình 50 tấn, nếu trúng giá 4.000 đồng/kg sẽ thu về 200 triệu đồng. Trừ tiền thuê đất, giống, phân bón, thuốc, nhân công… lợi nhuận ít nhất cũng 120 triệu đồng. Trong hai tháng không có cây nào thu lợi cao như thế. Làm dưa phải chấp nhận vụ lỗ vụ lời. Khi mất thì cả làng trắng tay, khi trúng thì thắng rất lớn” – ông Danh nói.
Thế nhưng theo ông Danh, đã hai năm liên tiếp ông bán dưa cho thương lái với giá dưới 1.000 đồng/kg. Với diện tích trên, ông nhẩm tính thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Bao quanh ruộng của ông Danh là diện tích dưa của ông Tấn, Liêm, anh Thái… – những người cũng vừa trải qua một vụ dưa mất trắng nhưng vẫn tiếp tục xuống giống.
Họ đang chờ giá dưa vụ tới sẽ tăng trở lại, giúp họ gỡ gạc vụ thua lỗ năm nay. “Vụ này tôi trồng 10.000m2 lỗ chừng 30 triệu đồng. Nếu vụ tới trúng thì lấy lại vốn. Chẳng có cây nào gỡ nổi vốn đổ xuống cho cây dưa ngoài chính cây dưa” – anh Thái (26 tuổi) nói.
Trong khi đó tại các xã Tịnh Trà, Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh), hiện giá dưa thương lái mua chỉ ở mức 1.500-2.200 đồng/kg. Tuy nhiên vẫn không thấy người đến mua hoặc mua rất nhỏ giọt. Các tổ chức từ thiện, đoàn thể vẫn đang cố sức tìm cách tiêu thụ dưa cho người dân.
Chỉ tính riêng xã Tịnh Hiệp, số lượng đăng ký bán dưa lên đến hơn 800 tấn. Tại các cánh đồng dưa Xuân Hòa, Xuân Mỹ, Vĩnh Tường, Mỹ Danh (xã Tịnh Hiệp), một số hộ sau khi may mắn bán dưa với giá 3.000 đồng/kg cho Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã trồng mới lại ruộng dưa.
Ông Nguyễn Văn Thái (60 tuổi, thôn Xuân Hoà) cho biết hơn 10 năm trước người dân chủ yếu trồng lúa, rau đậu, cuộc sống rất khó khăn, nhiều gia đình phải vào Nam làm thuê. Từ khi một số người học kinh nghiệm trồng dưa đem lại lợi nhuận gấp 10 lần cây trồng khác, thế là người dân đổ xô trồng.
Theo quan sát của chúng tôi, các cánh đồng dưa ở xã Tịnh Hiệp nằm chen trong ruộng lúa và một số diện tích hoa màu. Ông Thái khẳng định: “Với diện tích lúa tôi đang trồng dưa, chỉ cần giá 3.000 đồng/kg là lợi nhuận sẽ gấp 20 lần trồng lúa”.
Hướng nào cho người trồng dưa?
Tại xã Tịnh Trà, sau gần 10.000 tấn dưa đã được “giải cứu” xong, người dân đang khiến chính quyền xã đau đầu khi rủ nhau trồng dưa trở lại.
Ông Huỳnh Thuận, chủ tịch UBND xã Tịnh Trà, cho biết ngay sau khi tiêu thụ hết dưa, xã đã dùng loa phát thanh khuyến cáo người dân không nên tiếp tục trồng dưa bởi những người “ra tay nghĩa hiệp” thời gian qua không thể tiếp tục giải cứu nếu trồng quá nhiều mà không có đầu ra.
“Hiện đã có người dân trồng dưa trở lại, nhưng diện tích bao nhiêu thì xã chưa kịp nắm rõ. Người dân trồng tự phát, mình không thể cấm được. Khi mất trắng thì họ lên xã nhờ giúp. Nhưng khuyến cáo thì chẳng ai nghe” – ông Thuận nói.
Hiện ở Quảng Ngãi, người dân đang trồng hai loại dưa chính là Hắc Mỹ Nhân và Mai An Tiêm. Theo kinh nghiệm của những người trồng dưa, không có loại dưa nào ít tốn công chăm sóc mà lại cho năng suất cao hơn hai loại này.
Thị trường tiêu thụ chính cho hai loại dưa này vẫn là Trung Quốc. Chúng tôi hỏi vì sao không trồng dưa hấu bán ở thị trường nội địa, anh Nguyễn Văn Sơn (32 tuổi, thôn An Điềm), vừa chấp nhận bán 50 tấn dưa cho thương lái với giá 800 đồng/kg cách đây nửa tháng, thành thật: “Chúng tôi xưa nay chỉ bán dưa cho thương lái rồi họ chuyển sang Trung Quốc hay trong nước tiêu thụ gì thì tuỳ, họ có mối mang hết. Ai tụi tui cũng bán, miễn là giá cao, không phân biệt trong hay ngoài nước chi cho mệt”.
Ồ ạt trồng dưa trở lại, người dân đang đánh cược vào sự may rủi khi mà chẳng người trồng dưa nào biết đầu ra vụ tới là ở đâu ngoài hai từ Trung Quốc. Trong khi đó ông Đào Minh Hường, phó giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định dưa không nằm trong cơ cấu phát triển của ngành, không khuyến khích nông dân trồng.
Khi nghe dân trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” này lại tiếp tục xuống giống, ông Hường nói: “Năm nào ngành cũng khuyến cáo nhưng người dân không chịu nghe. Như hiện tại nếu không được các tổ chức mua, họ sẽ mất trắng nhưng có ai sợ đâu”.
Ông Nguyễn Tấn Công, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh, cho biết: “Hiện nay trong chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện xác định chăn nuôi và lâm nghiệp là thế mạnh.
Những vùng nào không trồng lúa hoặc trồng lúa không hiệu quả sẽ chuyển qua trồng cây bắp do Công ty Hoa Việt ở Quảng Nam ký hợp đồng khoảng 230ha. Những vùng nào có điều kiện nguồn nước nhưng trồng cây hoa màu không hiệu quả sẽ chuyển sang trồng cỏ để nuôi bò”.
Lý giải nguyên nhân vì sao người dân vẫn tiếp tục trồng dưa trong khi ngành đã có chủ trương tái cơ cấu với những cây trồng đã được định hướng, ông Công cho rằng cây dưa có thời gian sinh trưởng ngắn, lợi nhuận cao hơn lúa và các cây hoa màu truyền thống, chỉ cần một vụ trúng là có thể lấy lại số vốn ở những vụ thất bại và lãi lớn.
Chính điều này đã khiến người dân vẫn đổ xô trồng dưa.
Sẽ vận động nông dân chuyển sang trồng bắp Theo ông Nguyễn Tấn Công – trưởng Phòng nông nghiệp huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), cùng một diện tích giữa trồng bắp có đầu ra ổn định và trồng dưa thì hiệu quả của bắp thậm chí còn cao hơn bởi trái được bán theo hợp đồng, thân, lá làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên hiện nay người dân trồng bắp nhỏ lẻ, chủ yếu làm thức ăn cho gia súc, việc chuyển đổi đất lúa hay hoa màu sang cây bắp với diện tích nhỏ không hiệu quả bằng cây dưa. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cây bắp nằm trong định hướng không được đón nhận. “Thời gian tới sẽ vận động người dân trồng dưa chuyển sang trồng bắp theo chủ trương của ngành. Ngoài ra trồng bắp người dân sẽ không nơm nớp lo sợ sụt giảm giá như dưa bởi đầu ra ổn định và có thể trồng quanh năm. Đây là hướng phát triển tốt cho nông dân” – ông Công nói. |