Ngày và đêm ở trường giáo dưỡng
Một ngày của những đứa trẻ trong trường được bắt đầu từ 5g30 sáng bằng tiếng kẻng báo thức và chia ra nhiều khoảng thời gian …
Ngày và đêm ở trường giáo dưỡng
Một ngày của những đứa trẻ trong trường được bắt đầu từ 5g30 sáng bằng tiếng kẻng báo thức và chia ra nhiều khoảng thời gian: làm vệ sinh, ăn sáng, đi học (hoặc đi lao động), ăn trưa, ngủ trưa, học nghề (hoặc lao động chiều), vệ sinh, ăn tối, sinh hoạt chung và 21g30 đi ngủ.
Học nghề cắt tóc – Ảnh: Việt Hùng |
Để theo cùng các học sinh của mình, thầy cô cũng phải thực hiện lịch như vậy dù các thầy cô đều có gia đình riêng, có con cái cần chăm sóc. Thời gian của các thầy cô ở trường là chính, và chỉ được về nhà với gia đình nhỏ của mình nếu không phải là giáo viên chủ nhiệm.
Ăn cùng ngủ cùng
Là đứa trẻ ngỗ ngược, ham chơi và không nghe lời cha mẹ, H.H.H., (18 tuổi, đến từ Lâm Đồng) nhiều lần ăn trộm đồ của gia đình để đi chơi điện tử. H. có gương mặt sáng, nói chuyện lễ phép khi kể về chuỗi ngày tháng rong chơi nghịch ngợm của mình.
H. kể rằng khi còn ở ngoài, H. trên không sợ trời, dưới không sợ đất, mẹ đưa tiền đóng học phí thì lấy tiền chơi điện tử, hết tiền về nhà xúc trộm tiêu, cà phê mang đi bán. Mẹ H. khuyên bảo nhiều lần không được đã nhờ công an xã chỉ bảo, doạ nạt nhưng H. cũng chẳng sợ.
Thậm chí có lần ăn trộm nhiều đồ, mẹ đã kêu công an giữ ở trụ sở, H. cùng các bạn phá cửa phòng rồi bỏ trốn. Cực chẳng đã mẹ H. làm đơn đề nghị đưa H. đi trường giáo dưỡng.
Nếu còn ở ngoài với mẹ, chuyện ăn ngủ, giờ giấc đi lại của H. hoàn toàn ngẫu hứng tùy thuộc việc còn hay hết tiền, chủ tiệm kinh doanh điện tử cho chơi nợ tiếp hay cấm chơi.
Vì thế, ngày đầu tiên vào trường H. rất khó chịu khi phải thực hiện mọi việc theo tiếng kẻng của trường từ ăn, ngủ đến học tập, sinh hoạt.
“Lúc đầu cháu không thể nào thức dậy được đúng giờ cũng như buổi tối trong khi các bạn đã ngủ cháu vẫn không thể nào chợp mắt được, nhưng dần dần cũng quen thôi ạ” – H. nói như vậy về những ngày đầu tiên chịu sự quản lý kỷ luật trong trường giáo dưỡng.
Cũng giống H., học sinh N.D. (16 tuổi ở Đạ Tẻ, Lâm Đồng) mới được đưa vào trường giáo dưỡng cuối năm 2014. Khi ở nhà, D. cũng ham mê trò chơi điện tử đến mức “nghiện”. Theo D. kể thì do ba mẹ hay cãi nhau, thậm chí đánh nhau nên D. hay bỏ nhà đi.
“Ba mẹ cãi nhau riết mà cháu không biết đi đâu để chơi nên vào tiệm game, chơi hoài rồi nghiện, nghiện game rồi không có tiền cháu đi ăn trộm đồ của người ta.Trộm nhiều lần thì bị đưa vào trường này” – D. kể.
Ngày đầu vào trường giáo dưỡng D. được phát chăn, mùng và quần áo đồng phục của trường và được phổ biến nội quy.
“Lúc đầu cháu thấy rất khó khăn đối với việc học tập trong môi trường này khi đi nhận phòng ở. Đó là một dãy phòng với những chiếc chăn được gấp ngay ngắn, gọn gàng. Mỗi bạn được phát thêm một chiếc rương để chứa đồ dùng cá nhân.
Cháu thấy lạ lẫm, buồn và ân hận vì đã không biết nghe lời mẹ, để phải sống xa gia đình trong môi trường hoàn toàn mới. Nhưng bây giờ cháu thấy rằng mọi việc cũng đã nhẹ nhàng hơn với sự giúp đỡ của các thầy cô” – D. tâm sự.
Ở ngoài quậy phá bao nhiêu thì khi vào trường cả D. và H. đều tiến bộ bấy nhiêu và trở thành đội trưởng của các đội. Bởi đã tự thôi học từ trước khi vào trường nên cả D. và H. đều chọn học nghề. “Cháu muốn tranh thủ học nghề từ trường để khi ra trường có thể đi làm luôn” – D. nói về ước mong của mình như thế.
Học sinh trong trường có thể chọn những nghề nghiệp phù hợp với bản thân để học: sửa xe, cắt tóc, thợ điện, may công nghiệp. Bởi là người chưa thành niên, nhiều em dang dở việc học hành từ trường phổ thông nên trường giáo dưỡng là nơi các em có thể tiếp tục hoàn thiện chương trình phổ thông nếu muốn tiếp tục đi học.
“Trường giáo dưỡng có đội ngũ giáo viên dạy văn hóa cho các cháu từ lớp 1-9. Ngoài nội dung các môn học như trong trường phổ thông thì trường giáo dưỡng còn dạy các cháu về giáo dục giới tính và giáo dục công dân rất kỹ.
Trường cũng dạy cho các cháu cách ứng xử trong từng tình huống cụ thể của cuộc sống. Tuy nhiên cũng có cháu vì thời gian vào trường ngắn, lỡ cỡ nên không hoàn thiện được chương trình học theo năm. Hoặc cũng có cháu bỏ học đã lâu, giờ không thể học tiếp nên lựa chọn học nghề” – thiếu tá Mai Thị Thu, giáo viên Trường giáo dưỡng số 4, nói.
Trong giờ lao động, dưới sự hướng dẫn của giáo viên – Ảnh: V.Hùng |
Vất vả gấp năm
Vì nhiều hoàn cảnh khác nhau nên tính nết những đứa trẻ ấy cũng khác, thậm chí nhiều đứa trẻ tính tình ngang ngược chỉ thích làm theo ý mình và rất ích kỷ khi sống trong môi trường tập thể cũng có thể rất dễ dẫn đến xung đột.
Thiếu tá Mai Thị Thu kể rằng nhiều cháu sống rất thiếu thốn tình cảm nên khi vào trường, nếu được thầy cô gần gũi an ủi thì tiến bộ rất nhanh.
Đó là lý do tại sao mà các thầy cô chủ nhiệm của các đội phải ngủ lại trường cùng học sinh của mình.
“Phần là để trông nom chăm sóc các em, phần khác nữa là để gần gũi những em học sinh mới vào để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và cả những khúc mắc của các em nữa.
Có những em quen với tính phản kháng, ưa cầm đầu nên khi vào trường không dễ gì từ bỏ những tính nết ấy. Bởi vậy các thầy cô thực hiện ba cùng với các em luôn: ăn cùng, làm cùng và ngủ cùng” – thầy Tạ Văn Lương, phó hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 5, chia sẻ.
Chứng kiến giờ lao động, học tập hay sinh hoạt chung của các em học sinh đang học tập trong trường, thấy rõ sự tuân thủ hết sức nghiêm túc về giờ giấc và nội quy. Nhưng không phải dễ dàng gì tất cả những đứa trẻ ấy đều tuân thủ kỷ luật, nhất là những đứa trẻ có sẵn “máu anh chị” trong người, vào đến trường giáo dưỡng rồi vẫn tìm cách “lấy số”.
Đó là việc bắt nạt bạn mới cùng đội, cùng phòng ở để yêu cầu sự phục tùng. Dù thầy cô giáo có ngủ cùng, ăn cùng, làm cùng nhưng cũng có những lúc thầy cô rời mắt khỏi những học trò.
“Hoặc có thể các em gây nhau chỉ vì một bạn nào đó chăm hơn, ngoan hơn, ý thức chấp hành kỷ luật tốt hơn bằng những câu hỏi kiểu như “lao động tích cực để được giảm hạn à?”, sau đó là cô lập những bạn tích cực mà không nghe theo ý kiến của mình” – thầy Tạ Văn Lương cho biết.
Là giáo viên trẻ mới về trường, đại uý Nguyễn Hữu Phú, giáo viên chủ nhiệm đội Nguyễn Văn Trỗi – Trường giáo dưỡng số 4, kể rằng học sinh cá biệt trong trường giáo dưỡng không chỉ bắt nạt các bạn cùng phòng mà còn thử phản ứng cả thầy giáo trẻ.
Thầy Phú kể hồi mới đến trường nhận công tác, các học sinh cá biệt luôn tìm cách “nắn gân” thầy bằng việc chống đối hoặc nói trổng khi thầy đi ngang.
Còn thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng, người có hàng chục năm gắn bó với học sinh trong trường giáo dưỡng, cho biết việc tìm ra em nào là “thủ lĩnh” trong đám học sinh không khó.
“Tự thân các em trong đội bị bắt nạt, bị ức hiếp cũng sẽ tìm cách thông báo với thầy dù bị các bạn đe dọa. Nhưng thường thì tình trạng này sẽ bị phát hiện từ rất sớm và các thầy phân tích cho các em hiểu.
Nếu em nào tiếp tục giữ tính tình ngang ngược sẽ bị kỷ luật và không được giảm hạn thời gian học tập tại trường” – thầy Hùng nói.
Trong số hàng trăm học sinh đang học tại trường giáo dưỡng hiện nay có một số học sinh nữ, theo cô Trần Thị Thu Hà, giáo viên Trường giáo dưỡng số 5 (Long An), quản lý đội nữ còn phức tạp hơn đội nam rất nhiều bởi các em học sinh nữ thường để ý nhau từ lời ăn tiếng nói, từng hành động rất nhỏ.
Làm cô giáo chủ nhiệm của đội nữ, cô Hà cũng giống như các đồng nghiệp nam của mình, 6g sáng phải có mặt ở trường và 21g30 sau khi điểm danh xong mới hoàn thành công việc trong ngày: “Dạy học sinh phổ thông ở trường ngoài vất vả một thì dạy các em trong trường giáo dưỡng vất vả gấp năm lần”.