Hai nghi phạm kinh tế (thứ 2 và thứ 4 từ trái sang) bị đưa về Trung Quốc hồi tháng 8.2014 sau khi trốn sang Campuchia cùng tài sản phi pháp - Ảnh: China Daily
|
Thông tin chi tiết về hoạt động của biệt đội “Săn cáo” được Phó cục trưởng Cục Tội phạm kinh tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc Lưu Đông, chỉ huy biệt đội, hé lộ trong cuộc trả phỏng vấn với báo chí mới đây. Theo tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) ngày 18.4, biệt đội đã đưa 680 quan chức tham nhũng, nghi phạm kinh tế trốn ở nước ngoài về nước chỉ trong vòng 6 tháng, kể từ khi Bộ Công an Trung Quốc phát động “Chiến dịch Săn cáo” hồi tháng 7.2014 để bắt những đối tượng này và tịch thu tài sản của họ.
Tiêu chuẩn gắt gao
|
|
Gần 1.600 quan chức chống tham nhũng sa lưới
Mới đây, tờ SCMP dẫn thông báo từ Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay chỉ trong năm ngoái đã có 1.575 quan chức phụ trách kỷ luật bị bắt trong cuộc chiến chống tham nhũng. SCMP lý giải rằng do độc lập khỏi hệ thống cảnh sát lẫn tư pháp, giới chức chống tham nhũng có trong tay quyền lực rất lớn.
Thậm chí, các uỷ ban Chính pháp ở các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn giám sát cảnh sát, an ninh nội địa và cơ quan công lực, cũng không có quyền ngăn chặn các hoạt động của những cơ quan kỷ luật. Nắm trong tay quyền lực lớn mà không bị giám sát nên giới chức phụ trách kỷ luật dễ trở thành mục tiêu hối lộ của các quan chức dính “chàm”.
|
|
|
Theo ông Lưu, biệt đội “Săn cáo” bao gồm 20 “thợ săn”, độ tuổi trung bình 30, trong đó có người mới bước qua 20. Quan chức này cho hay “Chiến dịch Săn cáo” đòi hỏi một biệt đội trẻ vì các thành viên cần có sự dẻo dai để chịu đựng các chuyến công tác kéo dài và xa nhà. Hầu hết thành viên trong đội có bằng thạc sĩ và phần lớn học về kinh tế, luật và điều tra. Nhiều người khác có chuyên môn về ngoại ngữ và quản lý doanh nghiệp.
Ông liệt kê 3 tiêu chuẩn chính để chọn người vào đội “Săn cáo”: kinh nghiệm điều tra, kiến thức pháp lý và kỹ năng ngoại ngữ. “Ngoài ra, các thành viên phải có trí tuệ cao để ứng phó những “con cáo” quỷ quyệt, chỉ số cảm xúc cao để hợp tác thuận lợi với các bộ phận công lực trong những quốc gia và khu vực liên quan và chỉ số vượt khó cao để đương đầu với những tình huống khẩn cấp, khó khăn và nguy hiểm”, ông Lưu cho biết thêm.
Phó cục trưởng Lưu khẳng định “Chiến dịch Săn cáo” không chỉ mất nhiều công sức, thời gian mà còn khiến các thành viên của đội gặp nhiều nguy cơ như bệnh truyền nhiễm, xung đột khu vực… Cụ thể là vào tháng 8.2014, khi Nigeria đang hứng chịu dịch Ebola, đội “Săn cáo” vẫn phải đến quốc gia châu Phi này để truy bắt một nghi phạm. “Khi đó, chúng tôi thật sự lưỡng lự, nhưng không thể dự đoán khi nào dịch Ebola được kiểm soát và chúng tôi sợ bỏ lỡ cơ hội tốt. Cuối cùng, chúng tôi quyết định đi”, ông Lưu kể lại với Đài truyền hình Bắc Kinh. Ông còn kể rằng một thành viên trong đội đã bị sốt cao khi vừa đến Nigeria, khiến các thành viên khác hoảng sợ vì lo rằng anh ta nhiễm Ebola. Thực ra, thành viên đó chỉ mắc bệnh sốt rét nhưng phải ở lại thủ đô Abuja của Nigeria, trong khi các thành viên còn lại tiếp tục sứ mệnh của họ.
Rào cản pháp lý
Ngoài Bộ Công an, “Chiến dịch Săn cáo” còn có sự tham gia của Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các bộ Ngoại giao, An ninh quốc gia cùng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Một trong những vấn đề lớn nhất của chiến dịch này là truy lùng những nhân vật bỏ trốn sang Canada, Mỹ và Úc, 3 điểm đến hấp dẫn của đối tượng này vì cả 3 quốc gia đó chưa ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, theo SCMP.
Trong số 680 nghi phạm được đưa về nước theo “Chiến dịch Săn cáo”, chỉ có 290 người bị dẫn độ từ 69 quốc gia và số còn lại được cho là “tự nguyện” trở về. Phó cục trưởng Lưu cũng thừa nhận nỗ lực “Săn cáo” không phải lúc nào cũng được các nước sở tại ủng hộ. Theo tờ The Sydney Morning Herald, họ thường vấp phải phản ứng cảnh giác của giới chức các quốc gia phương Tây, trong đó có Úc. Mới đây, chính phủ Úc đã triệu tập quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc ở thủ đô Canberra để bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về chiến dịch ngầm “không thể chấp nhận” của Bắc Kinh. Canberra đưa ra phản ứng trên sau khi Hãng tin Fairfax loan tin hồi tháng 12.2014 cảnh sát Trung Quốc đã không thông báo cho đồng nghiệp Úc mà bí mật đến thành phố Melbourne để truy bắt một nghi phạm đã có quốc tịch Úc bị chính quyền Bắc Kinh cáo buộc nhận hối lộ. Đáp lại, chính quyền Trung Quốc cam kết sẽ không để vụ tương tự tái diễn, theo The Sydney Morning Herald.
Tuy gặp nhiều trở ngại, giới chức Trung Quốc vẫn có chiêu thức để đưa những “con cáo” về nước. Trong một bài viết đăng trên website hồi tháng trước, CCDI tiết lộ rằng trong vài trường hợp, Trung Quốc gửi đặc vụ ra nước ngoài để thuyết phục đối tượng bỏ trốn về nước, kết thúc cuộc sống lưu vong, theo SCMP. Trong vài trường hợp khác, Bắc Kinh cung cấp bằng chứng phạm tội cho nước sở tại để trục xuất nghi phạm về tội nhập cư bất hợp pháp.
Ngoài ra, CCDI cung cấp bằng chứng để nước sở tại có thể khởi tố nghi phạm bỏ trốn theo luật của nước đó. Còn tài sản phi pháp của đối tượng trên được đưa về Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau, từ thoả thuận hợp tác giữa cảnh sát của hai bên, đến kiện tụng dân sự hoặc dựa vào luật tịch thu tài sản phạm nhân ở nước ngoài hoặc ở Trung Quốc. Một giải pháp khác là giới chức CCDI dàn xếp với nghi phạm hoặc gia đình để họ giao nộp tài sản phi pháp.
Chiến dịch Lưới trời
Theo sau “Chiến dịch Săn cáo”, Trung Quốc còn phát động chiến dịch với quy mô lớn hơn mang tên “Lưới trời”. Khác với “Săn cáo”, “Lưới trời”, với sự tham gia của nhiều bộ ngành, sẽ nhắm vào mạng lưới giúp đỡ các quan chức tham nhũng bỏ trốn và tăng cường phối hợp với các quốc gia khác để xây dựng mạng lưới bao vây rộng hơn và chặt chẽ hơn, theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc.
Chiến dịch sẽ đánh mạnh vào kênh tài chính, bao gồm mạng lưới ngân hàng và các công ty nước ngoài thực hiện hoạt động chuyển tiền “bẩn” cũng như những người làm giấy tờ giả. “Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức lớn liên quan đến những quan chức bỏ trốn với số tiền khổng lồ nhưng không có cách nào ngăn chặn. Bằng cách xúc tiến chiến dịch này, Trung Quốc có thể tạo ra một cơ chế chặn các kênh chuyển tiền”, Giáo sư Trang Đức Thủy tại Đại học Bắc Kinh nhận định với Bloomberg.
|