10/01/2025

“Cháu thích đánh lộn”

Học tập ở mức trung bình, thường tụ tập chơi bời với nhóm bạn bè đã bỏ học, chỉ cần bị người ta làm cho “quê” trước đám đông là tìm cách xử đẹp.

 

“Cháu thích đánh lộn”

Học tập ở mức trung bình, thường tụ tập chơi bời với nhóm bạn bè đã bỏ học, chỉ cần bị người ta làm cho “quê” trước đám đông là tìm cách xử đẹp. 




 

 

Cuốc đất trồng rau trong trường giáo dưỡng

Thậm chí đi ăn cắp rồi bị người dân bắt lại cũng rủ nhau mang dao đi “giải cứu anh em” là những gì mà một số đứa trẻ đã làm.

Xách dao đi “giải cứu” bạn

Tôi hỏi T. (17 tuổi, ngụ TP Bà Rịa) vì sao lại vào trường giáo dưỡng, em nói: do đánh lộn! T. bảo cháu thích đi đánh nhau với các bạn trong trường, rồi đánh nhau với cả các bạn trường khác.

Đánh lộn nhiều đến nỗi ba của T. phải chuyển con sang trường mới để cách ly với đám bạn nghịch ngợm, phá phách. Thế nhưng việc cách ly này cũng không giúp T. ngưng gây sự. Rồi cuối cùng nhà trường phải cho T. thôi học. Ba T. lại tìm trường mới cho T. học, nhưng học được vài bữa T. bị đưa đi trường giáo dưỡng.

– Dạ, cháu đánh cả bạn ở trong trường và cả ở ngoài đường. Có lần chúng cháu đang đi chơi, cháu và một bạn chọc qua chọc lại rồi cháu bị bạn ấy đánh trước mặt bạn bè khác. Cháu bị quê quá, vậy nên hôm sau cháu tìm bạn ấy để đánh.

– Có bao giờ T. đánh nhau với người khác nữa không?

– Có. Hôm ấy lần đầu tiên cháu uống rượu cùng với mấy anh lớn hơn, rồi cháu bị xỉn. Sau đó cả nhóm kéo nhau đi ăn trộm dưa thì bị người ta phát hiện. Họ bắt giữ được một đứa trong nhóm. Vậy là mấy đứa còn lại bàn nhau tìm cách giải cứu đứa bị bắt bởi họ nói họ sẽ giao cho công an. Chúng cháu đã đi tìm dao đến để định đánh nhau với người ta, nhưng cuối cùng cũng chỉ xô xát nhẹ chứ không có ai bị thương tích gì.

– Còn vụ gần nhất?

– Lần đó nhỏ em họ cháu mách là có bạn làm hỏng cái thước kẻ của nó. Hôm sau cháu chặn đường đánh bạn đó luôn, đánh rất đau. Chính vì lần đánh nhau cuối cùng này mà cháu bị đuổi học, đưa vào trường giáo dưỡng luôn. Hôm bị đưa đi, cháu không kịp chào bạn bè ở ngôi trường mà bố cháu vừa xin học.

Muối mặt vì con

T. cũng thành thật kể về kết quả học tập không cao, lại ham chơi nên bạn bè tốt xa lánh, bạn bè xấu thì dễ làm thân. Ba của T. biết chuyện cháu thường xuyên gây lộn nên khuyên bảo đừng đánh nhau nữa, nhưng T. không tiếp thu được lời ba nói.

Hồ sơ của T. cho thấy vào ngày 24-8-2013, một học sinh lớp 7 (T. cho biết đó là em kết nghĩa của T.) Trường THCS Tân Hưng nói với T. là nữ sinh này vừa bị H.T.V. xé miếng dán trên thước kẻ. T. đã rủ thêm L.T.P. là học sinh lớp 9 Trường Tân Hưng tìm V. để đánh.

Bị đánh nên V. báo lại cho giáo viên chủ nhiệm của V.. Khi biết V. báo cho giáo viên chủ nhiệm, ngày 26-8 P. đã dùng dao thủ công khống chế V. đi ra chỗ vắng để T. tiếp tục đánh.

Ngày 27-5-2013, Công an xã Tân Hưng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với T. về hành vi trực tiếp xâm hại sức khỏe người khác.

Ngày 9-12-2013, tại căngtin của Trường Tân Hưng, T. đã dùng dây thắt lưng có đầu bằng kim loại đánh vào đầu em N.C.L. khiến đầu L. bị chảy máu. Bị đánh đau, L. bỏ chạy thì T. lấy trong cặp ra một chiếc kéo thủ công chạy theo đòi đâm L. nhưng được các bạn học can ngăn nên  L. được đưa vào bệnh viện băng bó vết thương.

“Cháu thấy rất thích nếu ăn hiếp được một bạn nào đó. Cháu cũng biết là phải chăm học và học tốt, nhưng tại vì cha mẹ nói quá nhiều nên cháu không thích. Ngày nào mẹ cũng bảo: phải học phải học phải học, rồi bắt cháu sang nhà thím để thím dạy. Cháu đã nói cháu biết rồi nhưng bất kể khi nào mẹ nhìn thấy cháu cũng nói chuyện đó. Cháu rất bực bội, chỉ muốn làm ngược lại những gì mà ba mẹ muốn thôi” – T. than.

Ba của T. công tác tại địa phương, dường như cảm thấy rất bất lực vì con: “Ở địa phương dù gì người ta cũng biết đến tôi, khi con không ngoan, tôi đã khuyên bảo đủ cả nhưng cháu cứ lầm lì, không nói, không tiếp thu” – ông T., ba của T., kể.

Đó là buổi ông đang dự họp tại cơ sở thì nghe tiếng người ta làm ồn ào ngoài trụ sở, hóa ra mẹ đứa bé bị T. đánh tìm đến ba mẹ T. để bắt đền. Lúc ấy ông T. đang họp, nghe tiếng người ta la lối, réo tên mắng chửi ầm ĩ mà muối mặt. Để giải quyết êm thấm, bữa đó mẹ T. phải sang nhà người ta bồi thường tiền, rồi lực lượng an ninh địa phương góp ý người ta mới thôi không làm ầm ĩ lên nữa.

Lần khác, T. dùng dây nịt đánh vào đầu bạn làm chảy máu, gia đình nạn nhân mang con đến nhà ông T. yêu cầu được bồi thường: “Chuyện thằng con hàng xóm ai cũng biết, tôi khuyên con rằng phải biết thương ba mẹ, tôi cũng phân tích chuyện học hành của con mới là quan trọng, nó cứ ậm ừ vậy rồi đâu lại vào đấy”.

Trong câu chuyện của mình, ông T. cũng thừa nhận có khi ông đã đánh con vì nói không được. Nhưng càng đánh đứa trẻ càng trở nên lầm lì và xa lánh cha mẹ.

“Tổ dân phố đã phải họp để tìm biện pháp giáo dục tại địa phương. Khi họp người ta cũng nói nhiều, góp ý nhiều với cháu. Lúc ấy cháu cũng lắng nghe, cũng ngoan ngoãn được một tháng rồi lại tụ tập với bạn bè” – ông T. buồn rầu kể.

T.Q.T. chăm sóc chim nuôi trong trường giáo dưỡng – Ảnh: H.Điệp

Thay đổi trong trường giáo dưỡng

Hung hăng, hiếu động, ngang bướng, nghịch ngợm khi còn ở nhà bao nhiêu thì khi vào trường giáo dưỡng T. lại ngoan bấy nhiêu.

Là một trong năm học sinh của đội sao đỏ của trường, T. rất được các thầy cô trong trường giáo dưỡng quý mến. “Nếu nhìn vào lý lịch của T. thì nghĩ việc dạy dỗ cậu bé này sẽ rất khó khăn. Thế nhưng khi tiếp xúc với T. và bằng việc phân tích những đúng sai, T. nhận thức rất nhanh và chấp hành nội quy rất tốt, thậm chí em là một trong những học sinh tiến bộ nhất của nhà trường. Do vậy mà T. được lựa chọn trở thành thành viên của đội sao đỏ của trường” – thiếu tá Nguyễn Xuân Hùng, giáo viên chủ nhiệm của T. tại Trường giáo dưỡng số 4, cho biết.

T. cũng nói mình rất ân hận vì không biết nghe lời cha mẹ mà ngỗ nghịch phá phách đến nỗi tất cả bạn học giỏi và chăm ngoan trong lớp đều xa lánh: “Khi đó cháu đến lớp chỉ nhìn thấy các bạn chứ không nói chuyện với ai, cũng không ai nói chuyện với cháu. Vậy nên cháu chỉ tìm nhóm bạn của mình để đi phá phách, bắt nạt các bạn khác cho bõ ghét”.

T. cũng bảo có thể vì thế mà các bạn càng xa lánh, không dám đến gần, thầy cô ở trường cũng chỉ nhắc nhở nên Tr. càng bị bạn xấu cuốn ra xa, đến chừng không muốn đến trường, không muốn ở trong nhà mà chỉ thích ra đường gây sự.

T. rất trầm ngâm khi nói: “Khi ấy cháu cứ thấy các bạn có vẻ sợ mình nên cảm thấy thích thú, nhưng cháu đâu biết là bởi họ xa lánh cháu, không muốn chơi với một thằng lêu lổng, cá biệt và rất xấu”.

_______________

 

HOÀNG ĐIỆP