Tình hình biển Đông làm cả khu vực lo ngại
Nhiều nước trong khu vực liên tục lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động xây dựng phi pháp cấp tập của Trung Quốc trên biển Đông.
Tình hình biển Đông làm cả khu vực lo ngại
Nhiều nước trong khu vực liên tục lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động xây dựng phi pháp cấp tập của Trung Quốc trên biển Đông.
Ảnh chụp từ vệ tinh ngày 2.4 cho thấy công trình đường băng phi pháp của Trung Quốc ở đá Chữ Thập – Ảnh: Reuters
|
Trong cuộc họp báo với 2 người đồng cấp Nhật Akitaka Saiki và Hàn Quốc Cho Tae-yong ở Washington D.C hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken cho biết vấn đề tranh chấp trên biển Đông và một số vùng biển khác là một trong những trọng tâm thảo luận của cuộc gặp 3 bên trước đó. Website Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời ông Blinken phát biểu: “Chúng tôi chắc chắn quan ngại về một số hành động mà Trung Quốc đang thực hiện ở biển Đông và biển Hoa Đông… Tôi nghĩ đây là những quan ngại không chỉ của Mỹ mà của cả nhiều nước trong khu vực”. Nhân vật số hai của Bộ Ngoại giao Mỹ còn kêu gọi mọi tranh chấp cần được giải quyết theo luật pháp và các bên liên quan không “hành động đơn phương”.
Về phần mình, Thứ trưởng Saiki khẳng định “nhiều nước ở khu vực đang quan ngại sâu sắc” về những gì Trung Quốc đang làm ở biển Đông và Trung Quốc “có trách nhiệm giải quyết hợp lý” mối quan ngại này”. Thứ trưởng Cho của Hàn Quốc nhấn mạnh các bên cần tuân thủ Tuyên bố về ứng xử ở biển Đông (DOC) để duy trì tự do đi lại và ổn định đồng thời Seoul hy vọng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông sẽ được ra đời càng sớm càng tốt. Cũng trong hôm qua, tờ The Manila Times dẫn lời Đại sứ Úc tại Philippines Bill Tweddell tuyên bố Canberra quan ngại về các hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông. Theo ông Tweddell, dù không tham gia tranh chấp nhưng Úc có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hoà hình, ổn định cũng như tự do đi lại ở biển Đông.
Những phát biểu trên phù hợp với tuyên bố của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III ngày 17.4 rằng tranh chấp ở biển Đông không còn là vấn đề của khu vực mà là của toàn thế giới vì 40% giá trị thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này, theo Reuters.
Đường băng phi pháp thứ 2 ?
Gần đây, giới chuyên gia và các chuyên san quân sự – an ninh quốc tế liên tục trưng ra bằng chứng cho thấy tốc độ xây đắp, cải tạo “gây sửng sốt” của Trung Quốc tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN. Ngày 15.4, chuyên san IHS Jane’s Defence Weekly đăng tải hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 6.2 và 5.3 về các công trình của Trung Quốc ở đá Xu Bi thuộc Trường Sa. Phân tích ảnh chụp ngày 6.2, các nhà quan sát chỉ ra 3 đảo nhân tạo được hình thành ở Xu Bi trong khi ảnh chụp ngày 5.3 cho thấy ít nhất 9 tàu nạo vét đang bồi đắp những bãi đất khổng lồ ở đá này. Nếu được kết nối với nhau, chúng có thể làm cơ sở cho một đường băng dài 3.000 m. Trước đó, theo chuyên san Foreign Policy, Trung Quốc tiến hành xây một đường băng khác cũng dài khoảng 3.000 m trên đá Chữ Thập và đã hoàn thành được hơn 900 m.
Trong các cuộc điều trần trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào 2 ngày 15 – 16.4, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Samuel Locklear chỉ trích Trung Quốc đang “hành động hung hăng”, có thể nhằm tiến tới đơn phương lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) cũng như tăng cường kiểm soát biển Đông, theo tờ The Philippine Star. Trước tình hình trên, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama cần tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch đưa thêm quân lực vào châu Á và tăng cường hợp tác với những quốc gia có quan ngại về Trung Quốc.
Hạm đội Nam Hải cải thiện khả năng nạp ngư lôi
Tờ PLA Daily của Trung Quốc vừa khoe rằng trong cuộc tập trận hồi tháng trước, tàu khu trục Type 052C Hải Khẩu thuộc Hạm đội Nam Hải đã sử dụng hệ thống nạp ngư lôi mới có thể giảm phân nửa thời gian và nhân lực. Theo phân tích của báo mạng WantChinaTimes, thông tin này là bằng chứng mới cho thấy Hạm đội Nam Hải, chịu trách nhiệm hoạt động trên biển Đông, đang không ngừng được đổ tiền đầu tư trang bị các khí tài tiên tiến.
|
Hàn, Nhật nhất trí nỗ lực cải thiện quan hệ
Sau cuộc họp giữa thứ trưởng ngoại giao 3 nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Tokyo và Seoul tiếp tục tỏ dấu hiệu cho thấy hai bên mong muốn giải quyết căng thẳng song phương lâu nay. Yonhap dẫn lời Thứ trưởng Nhật Akitaka Saiki nhấn mạnh 2 nước có trách nhiệm làm cho quan hệ song phương trở nên tốt đẹp hơn và Nhật sẽ nỗ lực làm điều này với hy vọng phía Hàn cũng sẽ có động thái tương tự. Yonhap nhận định cuộc gặp trên phản ánh Mỹ càng ngày càng tỏ ra sốt ruột trước tình trạng “cơm không lành canh không ngọt” giữa 2 đồng minh quan trọng nhất tại châu Á của mình trong khi bối cảnh an ninh khu vực đang có nhiều biến động.
|
Văn Khoa