Ngôi mộ “babylift” trên đất Thái
Trong hồi ức của nhiều cựu binh Mỹ, thành phố biển Pattaya (Thái Lan) tồn tại một ngôi mộ đặc biệt của 76 trẻ em Việt Nam đã thiệt mạng tại Sài Gòn trong chiến dịch “Không vận trẻ em”.
Ngôi mộ “babylift” trên đất Thái
Trong hồi ức của nhiều cựu binh Mỹ, thành phố biển Pattaya (Thái Lan) tồn tại một ngôi mộ đặc biệt của 76 trẻ em Việt Nam đã thiệt mạng tại Sài Gòn trong chiến dịch “Không vận trẻ em”.
Nhân chứng Phil Wise – người tham gia chiến dịch “không vận trẻ em” – Ảnh: Đức Hoàng |
Từ các hồi ức ấy, chúng tôi quyết định lên đường tìm đến nơi những đứa trẻ đã nằm lại.
Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tổng thống Gerard Ford quyết định không quân sẽ tham gia việc đưa hàng nghìn đứa trẻ mồ côi rời khỏi Sài Gòn đến Mỹ làm con nuôi. Đầu tháng 4-1975, Nhà Trắng thực hiện một chiến dịch mang tên Operation Babylift – chiến dịch “không vận trẻ em”. Và đó là lúc một thảm họa diễn ra.
Thảm kịch vội vàng
C5A Galaxy, chiếc máy bay vận tải lớn nhất của quân đội Hoa Kỳ, thực hiện chuyến bay đầu tiên. 15 phút sau khi cất cánh, cửa khoang chứa hàng bung ra. Máy bay mất lái và rơi xuống một địa điểm tại Q.2 bây giờ.
Trong tháng 4 này, chúng tôi tìm gặp Phil Wise, một sĩ quan quân y có mặt trên chuyến bay ngày ấy, tại một khách sạn nhỏ trên đường Bùi Viện (Sài Gòn). Cứ năm năm một lần, ông quay về TP.HCM và thăm lại địa điểm nơi chiếc máy bay đã rơi. Ông vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc trong ngày định mệnh ấy.
Đó là sáng 4-4-1975, Phil Wise đang thiu ngủ sau gần một ngày liên tục làm việc thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Bộp. Bộp. Bộp. Mở cửa, Wise nhận lệnh của cấp trên rằng ông chuẩn bị bay sau năm phút nữa. Không thêm một lời giải thích. Ông không hề có khái niệm rằng mình chuẩn bị tham gia một chiến dịch đưa trẻ em rời khỏi Việt Nam.
Khi được nhờ đọc lại một đoạn trong hồi ký của mình, Phil Wise lần giở rất lâu rồi chọn đọc một đoạn, cũng về cái nóng. Đó là thời điểm máy bay cất cánh. “Cánh cửa khép lại. Không khí lạnh dần và tôi cảm thấy thoải mái hơn sau cái nóng tàn nhẫn. Mồ hôi ướt đầm quân phục của tôi. Lũ trẻ cũng bắt đầu trật tự hơn trong bầu không khí mát lạnh”.
Đó là khoảng 16g15 ngày 4-4-1975, một khoảng lặng ngắn ngủi trước khi thảm kịch diễn ra. Liền sau đó, Phil Wise nghe thấy một tiếng động từ phía đuôi máy bay. “Một vụ nổ chăng?” – “Không, chỉ là tiếng động nhỏ thôi” – Wise vội nói như sợ người khác hiểu nhầm rằng đó là một vụ tấn công.
Rất nhiều cuộc điều tra sau đó đã được thực hiện, và giả thiết được nhiều người chấp nhận là một trong số sáu chốt của cánh cửa không được khớp. Cửa khoang bung ra, áp suất giảm đột ngột. Những hộp đựng lũ trẻ sơ sinh bắt đầu trôi ra ngoài và rơi xuống dưới. Phil Wise chỉ nhớ đến đó. Hai ngày sau, ông tỉnh dậy ở Philippines.
Chiếc C5A Galaxy đó đã rơi xuống ngay trong địa phận Sài Gòn vào lúc 16g45 ngày 4-4-1975.
Cho đến tận hôm nay, con số trẻ thiệt mạng trên chuyến bay ấy vẫn chưa được thống nhất: nhiều tờ báo khẳng định rằng con số là 76, nhưng có nguồn khẳng định rằng 78, 79 hay thậm chí là 98. Tất cả những gì Phil Wise biết khi tỉnh dậy là những đứa trẻ thiệt mạng đã được đưa đến căn cứ không quân U-Tapao ở Pattaya (Thái Lan) theo lệnh của cấp trên.
Xơ Joan trước ngôi mộ tập thể – Ảnh: Đức Hoàng |
Ngôi mộ bị lãng quên
Nói đến Pattaya, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh của một trong những địa danh du lịch nổi tiếng đất Thái Lan: biển xanh, cát trắng, những chuỗi khách sạn, nhà hàng bất tận và ngành công nghiệp tình dục. Ít người biết rằng lý do hình thành của thành phố du lịch quy mô này chính là cuộc chiến tại Việt Nam.
Trước năm 1969, nó chỉ là một ngôi làng vô danh trên bản đồ. Nhưng nhu cầu R&R (rest and relax – nghỉ ngơi và thư giãn, một phần bắt buộc trong thời gian biểu của quân Mỹ) đã tạo ra những nhà hàng và quán bar đầu tiên trên vùng bờ biển này, để rồi Pattaya trở thành… Pattaya.
Và cũng rất ít người biết rằng ở đó, nằm lại một phần của Việt Nam: ngôi mộ tập thể của những em bé đã thiệt mạng trong chuyến bay định mệnh ngày 4-4-1975.
Vụ rơi máy bay được nhắc đến trên các mặt báo khắp thế giới, nhưng tài liệu về ngôi mộ thì gần như không tồn tại. Chỉ có một vài dòng ghi chép ngắn của những cựu binh Mỹ từng làm việc tại U-Tapao dẫn chúng tôi đến địa điểm của ngôi mộ hiện nay: nghĩa trang nhà thờ Thánh Nikolaus, Pattaya.
Nhà thờ Thánh Nikolaus nằm ngay mặt đường Sukhumvit, trục đường trung tâm của thành phố Pattaya, ồn ào và náo nhiệt. Rất dễ bỏ qua ngôi giáo đường nhỏ bé giữa dòng người cuồn cuộn ấy nếu không chủ định tìm từ trước. Nhưng chỉ cần bước qua cánh cổng và bức tường thấp, mọi âm thanh bỗng nhiên bị bỏ lại phía sau – nhà thờ giống như một khu vườn, với gian thánh đường nhỏ và một khuôn viên rộng đầy cây cối.
Ngôi mộ tập thể của những em bé Việt Nam nằm trong một góc nghĩa trang, sát hàng rào. Trên mộ có hai tấm bia đá, một tấm đứng thẳng và một tấm nằm ngang. Tấm bia đứng trích một vài dòng trong Kinh thánh, “Come suffer unto me” – hãy đến bên Chúa và trút nỗi đau lên Người. Còn tấm bia nằm ngang lại là một câu nói ký tên “Nhat Hanh”, nói về việc các em sẽ đi qua “mười nghìn thế giới của sự sinh sôi và cái chết”.
Cha Francis, người quản lý nhà thờ Thánh Nikolaus, kể rằng từ khi ông đến nhậm chức ở nhà thờ này, đây là lần đầu tiên có người Việt Nam đến hỏi về ngôi mộ. Ngay cả những lao động người Việt ở Pattaya, vẫn đi lễ nhà thờ tại đây mỗi tuần, cũng không hề để ý đến sự tồn tại của nó.
Ông cũng không hiểu rõ về hai tấm bia, nhưng giới thiệu một người mà cha nói rằng hiểu rõ nhất về ngôi mộ ấy. Người đó cũng đang sống tại Pattaya, cách nhà thờ chỉ vài cây số. Đó là xơ Joan, người đã coi sóc ngôi mộ trong suốt 19 năm qua.
Xơ Joan
Xơ Joan vẫn nhớ ngày đầu tiên bà nhìn thấy ngôi mộ này vào năm 1996. Trên tấm bia mộ bằng đá cẩm thạch giản đơn mà quân đội Mỹ dựng lên trong khuôn viên nhà thờ Thánh Nikolaus, chỉ ghi ngày tháng qua đời của 76 đứa trẻ. Không có một dòng nào về “máy bay rơi”, nhưng xơ Joan biết ngôi mộ ấy thuộc về ai. Chính bà, 40 năm trước, đã đến nhận diện xác và tự tay mai táng một người bạn cùng dòng tu, xơ Ursula, người cũng có mặt trên chuyến bay C5 ấy.
Xơ Joan đã ngoài 80 tuổi. Người phụ nữ sinh ra tại Ireland này đã coi Đông Nam Á là nhà từ nửa thế kỷ qua, đi khắp nơi với những hoạt động thiện nguyện, trong đó có cả công việc dạy nghề cho những cô gái mại dâm hoàn lương ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bây giờ xơ sống ở một trung tâm từ thiện cho trẻ em nghèo Thái Lan mà bà đã lập nên tại Pattaya.
Bà không còn tham gia việc điều hành trung tâm, cũng như rất ít khi đi ra ngoài vì sức khoẻ đã yếu. Nhưng khi chúng tôi đến, câu đầu tiên mà bà hỏi là mộ có sạch không? Mấy tháng bà mới qua thăm mộ được một lần, nhưng lúc nào cũng lo vì bên cạnh mộ có một cây xoài, lá rụng nhiều.
Chúng tôi theo chân xơ Joan ra mộ. Bà đứng chắp tay nguyện cầu và run rẩy nói về những cảm xúc quá khứ. Tới năm 1996, bà mới đến Thái Lan và tình cờ tìm thấy ngôi mộ. Kể từ đó, bà đã coi việc chăm sóc ngôi mộ này là một phần nhiệm vụ của mình, bởi Việt Nam cũng là một phần của cuộc đời bà.
Xơ Joan kể rằng lúc đầu trên mộ chỉ có một tấm đá cẩm thạch của những người lính Mỹ đã chôn lũ trẻ dựng lên. Trên tấm bia trích một câu trong kinh thánh: “Known but to God”, xơ giải thích là họ hàm ý rằng lũ trẻ này chỉ có Chúa mới biết đến.
Nhưng khi xơ Rosemary Taylor tìm đến nơi, bà rất đau lòng. Xơ Rosemary nói rằng đâu chỉ có Chúa mới biết đến những đứa trẻ này. Rất nhiều người thương yêu chúng. Chúng cũng có cha mẹ, những người đã sinh ra, và cả những người đã nhận nuôi, nhưng chưa hề được gặp mặt đứa con nuôi của mình. Rồi xơ đặt một phiến đá mới nằm dưới tấm bia mộ cũ.
Trên phiến đá này, xơ khắc một câu của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Từ những nụ cười của các em, sẽ nở ra một đóa hoa. Những người yêu các em, sẽ dõi theo các em vượt qua vạn kiếp luân hồi”.
Còn về những con số, xơ Joan cho rằng số 76 trên bia của lính Mỹ là chính xác, và không hiểu tại sao bia của xơ Rosemary lại có con số 79.
Trước khi ra về, chúng tôi bỏ một buổi chiều lang thang trong thành phố Pattaya để tìm mua bằng được những đóa sen hồng. Chúng tôi muốn đặt lên ngôi mộ ấy một loài hoa đại diện cho quê hương. Ở đây, người Thái Lan hay đặt hoa phong lan lên mộ.
Có lẽ đó là lần đầu tiên những người đồng hương của chúng tôi nhìn thấy sen hồng. Xơ Joan và cha Francis cũng hứa với chúng tôi rằng từ giờ họ sẽ để ý tìm sen hồng để đặt lên ngôi mộ ấy.
Bỏ quá khứ phía sau Phải vài tuần sau khi tỉnh lại, Phil Wise mới được đồng đội kể cho nghe về chiến dịch Babylift. Nhưng phải vài năm sau, ông mới thật sự biết rằng mình đã tham gia điều gì. “Cuộc sống cứ cuốn tôi đi, và ba năm sau tôi mới có thời gian dừng lại để tìm hiểu”. Phil Wise đã đi khắp nơi để gặp những đứa trẻ được đưa đi và cho làm con nuôi trong chiến dịch ấy. Ông cảm thấy vui vì phần nhiều trong số những đứa con nuôi đều ổn với cuộc sống mới của mình. Ông ghi chép lại tất cả trong một cuốn hồi ký, đặt tên là Cuộc vận chuyển mong manh. Ngày 4-4-2015, Phil Wise mặc một bộ quần áo theo kiểu truyền thống Việt Nam, đến dự một bữa tiệc nhỏ của những “đứa trẻ” Babylift tại Sài Gòn. Cứ năm năm một lần, cộng đồng nhỏ này lại quay về, gặp gỡ nhau, đến tưởng niệm ở địa điểm chiếc C5 đã rơi. Họ không nói nhiều về lịch sử. Có người đã tìm lại được cha mẹ ruột tại Việt Nam, có người không. Nhưng họ đều thừa nhận một mối gắn kết vô hình và quay trở lại, chỉ để ôm nhau, trò chuyện vài điều. Xơ Joan cũng không muốn nói nhiều về những ngày tháng đã qua. Bà đã ở đó và chứng kiến tất cả. Bây giờ xơ Joan chỉ còn mong ước là mình có đủ tiền để xây một phiến đá cẩm thạch lớn, đẹp đẽ để đặt lên mộ của những đứa trẻ Việt Nam. Bà bảo sẽ chôn hai phiến đá cũ xuống dưới cùng với những đứa trẻ, vì chúng là một phần của lịch sử. |
“Đó là ngôi mộ thật”
Chúng tôi đặt nghi vấn về việc phía dưới ngôi mộ này thật sự có hài cốt hay không – hay đó chỉ là một ngôi mộ gió mà những lính Mỹ dựng lên để tưởng niệm các em. Tuy nhiên, xơ Joan khẳng định rằng bà cũng từng đặt ra câu hỏi đó, và theo tìm hiểu của bà thì đây là một ngôi mộ thật. “Những đứa trẻ thật sự nằm phía dưới” – bà nói. |