Doanh nghiệp “chết” dễ nhưng không dễ “khai tử”
Doanh nghiệp “chết” muốn xin “giấy chứng tử” chờ từ năm này sang năm khác vẫn chưa được giải quyết…
Doanh nghiệp “chết” dễ nhưng không dễ “khai tử”
Doanh nghiệp “chết” muốn xin “giấy chứng tử” chờ từ năm này sang năm khác vẫn chưa được giải quyết…
Việc đăng ký kinh doanh – “khai sinh” doanh nghiệp hiện nay khá đơn giản nhưng không dễ “khai tử” khi gặp khó khăn. Trong ảnh: người dân chờ kết quả đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TP.HCM – Ảnh: Q.Định |
Sau gần sáu tháng kể từ khi có cơ chế cho phép cơ quan thuế sử dụng kết quả của các công ty kiểm toán độc lập, đại lý thuế để thực hiện kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp (DN) giải thể, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào được áp dụng cơ chế này.
DN “chết” muốn xin “giấy chứng tử” chờ từ năm này sang năm khác vẫn chưa được giải quyết.
Quy định 15 ngày, chờ 15 tháng
Có quyết định và nộp hồ sơ giải thể từ ngày 31-12-2013, nhưng đã 15 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ, đến nay Công ty TNHH Trương Trí Nguyễn (Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn chưa được kiểm tra quyết toán thuế.
Công ty đã phát hành hoá đơn và có số thuế thu nhập DN tạm nộp thấp hơn số thuế tạm tính nên thuộc diện phải kiểm tra quyết toán thuế trước khi giải thể.
DN đã hai lần gửi văn bản đề nghị cơ quan thuế xem xét hồ sơ và tiến hành kiểm tra để DN sớm hoàn tất thủ tục giải thể, một lần vào tháng 5-2014 và một lần vào tháng 10-2014 nhưng đến nay Chi cục Thuế Q.Tân Phú vẫn chưa đến kiểm tra, trong khi thời gian giải quyết cho DN theo quy định là 15 ngày làm việc.
Đó không phải là trường hợp cá biệt. Chi nhánh Công ty xây dựng vận tải Thành Đông đặt tại Q.Tân Phú cũng xin chấm dứt hoạt động từ ngày 15-12-2014 với lý do không có kế hoạch kinh doanh khả thi.
Tuy nhiên đến cuối tuần qua, tức sau gần bốn tháng chi nhánh này mới được giải quyết cho giải thể.
Ông Nguyễn Văn Được – giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, đơn vị thay mặt chi nhánh để làm thủ tục với cơ quan thuế – nói trường hợp này rất dễ do chi nhánh chưa phát hành hoá đơn, tại thời điểm giải thể DN không còn nợ thuế. Trước đó, nhiều lần DN liên hệ nhưng đều được trả lời là “vẫn phải chờ”.
Một trường hợp khác là Công ty đầu tư SGBA (Q.3) xin giải thể từ cuối tháng 12-2014 nhưng đến nay vẫn đang phải chờ. Anh C., chủ DN này, cho biết do kinh tế khó khăn, kinh doanh không hiệu quả nên xin giải thể.
Từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến thời điểm xin giải thể, DN chưa phát hành, sử dụng hoá đơn, chưa phát sinh doanh thu và đã có văn bản cam kết gửi đến cơ quan thuế.
“Việc ngâm hồ sơ không chỉ khiến DN tốn thời gian chờ đợi mà dẫn đến nhiều phiền phức khác, khổ nhất là hoạt động kinh doanh đã ngưng một thời gian dài nhưng con dấu chưa trả được, chứng từ vẫn phải lưu. Chưa kể, nếu vài năm sau cơ quan thuế kiểm tra và phát hiện DN nộp thiếu thuế, khi đó DN không chỉ bị truy thu mà còn bị phạt. Cơ quan thuế nên có cơ chế nhanh chóng giải quyết cho DN muốn giải thể hoàn thành sớm thủ tục” – anh C. nói.
Vẫn phải… chờ hướng dẫn
Từng thay DN giải quyết nhiều hồ sơ xin giải thể, ông Được cho biết việc chậm giải quyết cho các DN xin giải thể tạo áp lực tâm lý rất lớn cho DN, sợ trách nhiệm do chưa trả được con dấu. “DN còn nằm đó, các thủ tục vẫn phải thực hiện vì về nguyên tắc, DN mới giải thể về thuế chứ chưa có giấy khai tử nên chưa dứt được trách nhiệm” – ông Được nói.
Theo ông Được, ngay cả công ty dịch vụ tư vấn thuế cũng rất khó giải thích với khách hàng vì sao việc giải quyết thủ tục giải thể lại lâu như vậy, dù có những trường hợp hoàn toàn có thể giải quyết dễ dàng, chẳng hạn các DN chưa phát hành hoá đơn.
Do đó trước khi nhận hồ sơ, các đại lý khai thuế cũng phải cảnh báo với khách hàng rằng việc giải quyết hồ sơ rất lâu.
Chưa hết, nếu chưa khai tử được DN, ông chủ DN này muốn mở công ty cổ phần khác cũng không thể đứng tên làm giám đốc được do Luật DN quy định giám đốc công ty cổ phần không được làm giám đốc công ty khác.
Theo các chuyên gia, việc cho phép cơ quan thuế đặt hàng và sử dụng kết quả của các công ty kiểm toán độc lập, đại lý thuế để thực hiện kiểm tra quyết toán thuế của DN giải thể, chấm dứt hoạt động là một bước tiến rất lớn giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, tránh tình trạng ùn ứ như hiện nay.
Biện pháp này cũng làm giảm gánh nặng xử phạt với người nộp thuế, đồng thời đẩy mạnh huy động ngân sách cho Nhà nước.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Tâm, phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết đến nay chưa có trường hợp nào được sử dụng kết quả của cơ quan kiểm toán, đại lý thuế để giải quyết hồ sơ xin giải thể do Tổng cục Thuế chưa có hướng dẫn.
“Thông tư giao cho cơ quan thuế tìm đơn vị kiểm toán và tổ chức đi kiểm toán DN. Nhưng vấn đề này liên quan đến tính pháp lý vì nếu cơ quan thuế chọn kiểm toán sẽ phải chịu trách nhiệm. Còn DN tự chọn đơn vị kiểm toán, DN chịu trách nhiệm. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Chưa kể nếu cơ quan thuế chọn, DN có chịu không?” – ông Tâm đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Tâm, do chưa có hướng dẫn nên hiện cơ quan thuế vẫn thực hiện theo phương án cũ là cơ quan thuế tự thanh tra, kiểm tra.
Tuy nhiên, với khoảng 14.000 DN xin giải thể hằng năm như hiện nay, cơ quan thuế không đủ lực lượng thanh tra, kiểm tra vì với mỗi hồ sơ cần ít nhất hai cán bộ thuế làm việc trong vòng năm ngày. Do vậy mỗi năm Cục Thuế chỉ kiểm tra 7-8% DN trên địa bàn nhằm chống thất thu thuế.
Hồ sơ xin giải thể tồn rất nhiều. “Vấn đề này Tổng cục Thuế cũng biết nhưng giải pháp mới nhất nhằm tháo gỡ là sử dụng kết quả của các công ty kiểm toán độc lập, đại lý thuế để thực hiện kiểm tra quyết toán thuế cho DN giải thể thì đến nay chưa thấy hướng dẫn” – ông Tâm nói.
Khổ sở với việc xin giải thể Theo quy trình, sau khi được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn tất nghĩa vụ thuế, DN mới có “giấy thông hành” đến gặp sở kế hoạch và đầu tư để làm thủ tục trả giấy phép và con dấu, hoàn thành nghĩa vụ. Việc chậm trễ giải quyết hồ sơ xin giải thể khiến DN khổ sở vì phải đi lại liên hệ nhiều lần, làm công văn gửi, lưu giữ hồ sơ… Ngoài ra, dù trên dữ liệu của ngành thuế là DN đã ngưng hoạt động nhưng dữ liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn còn. DN đã “chết” nhưng trên lý thuyết vẫn còn “sống” do chưa giải thể, trả con dấu. |