28/11/2024

Có nên tồn tại mô hình chuyên THCS?

Những ồn ào, lo lắng xung quanh việc Bộ GD-ĐT siết chặt quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 thời gian này lại một lần nữa đặt lại vấn đề có nên tồn tại mô hình chuyên ở bậc THCS và các học sinh giỏi cần môi trường nào để phát huy?

 

Có nên tồn tại mô hình chuyên THCS?

 

 

Những ồn ào, lo lắng xung quanh việc Bộ GD-ĐT siết chặt quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 thời gian này lại một lần nữa đặt lại vấn đề có nên tồn tại mô hình chuyên ở bậc THCS và các học sinh giỏi cần môi trường nào để phát huy?

 

 

Có nên tồn tại mô hình chuyên THCS?Học sinh thi vào lớp 6 Trường THTP chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM  - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24.12.1996 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 8 yêu cầu: “Không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS”. Thế nhưng, từ đó đến nay vẫn có một số trường THCS nằm trong trường THPT chuyên và tồn tại không khác gì một trường THCS chuyên.
1 “chọi” hơn 20 học sinh
Bị cấm nên loại hình trường THCS chuyên không tồn tại ở tất cả các quận huyện như trước đây nhưng một số thành phố lớn điển hình như Hà Nội và TP.HCM lại có hệ THCS chuyên tồn tại trong trường THPT chuyên. Ở Hà Nội là THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam; TP.HCM là THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Mô hình trường chuyên THCS này tồn tại trong các trường chuyên THPT dưới danh nghĩa “tạo nguồn cho THPT chuyên”. Vì cả thành phố chỉ có một trường bậc THCS như vậy nên rất dễ hiểu vì sao sức hút của các trường này rất lớn. Hàng chục nghìn phụ huynh có con sắp tốt nghiệp tiểu học ở Hà Nội và TP.HCM đều thích được gửi con vào nơi này.
Không phân tuyến tuyển sinh, chỉ cần học sinh (HS) có hộ khẩu thường trú ở thành phố, tốt nghiệp tiểu học đều có quyền tham gia xét tuyển. Sau này, do số lượng đăng ký vào lớp 6 của hai trường quá lớn nên phải đưa ra những điều kiện như có ít nhất 4 – 5 năm liền là HS giỏi; điểm trung bình môn toán, tiếng Việt từ 19 trở lên…
Mặc dù vậy nhưng nhiều năm nay, thường chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 Trường Hà Nội – Amsterdam là 200 HS nhưng số lượng đủ điều kiện tham gia thi tuyển vẫn thường ở mức hơn 4.000 em. Nghĩa là 1 HS tốt nghiệp tiểu học sẽ phải “chọi” với ít nhất 20 HS khác để mong có một suất vào trường này. Tình hình cũng căng thẳng không kém ở khối lớp 6 Trường THTP chuyên Trần Đại Nghĩa.
Nhu cầu rất lớn, vì thế nhiều năm nay cả hai trường này phải tổ chức các kỳ thi tuyển chọn hết sức căng thẳng nhằm sàng lọc bớt HS.
Bởi vậy, những HS dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 hai trường này đều gánh trên vai trách nhiệm khá nặng nề. Đó là sự kỳ vọng và đầu tư của bố mẹ suốt bao nhiêu tháng ngày cả về vật chất lẫn công sức, thời gian cho con đi học thêm ở “lò luyện” danh tiếng này hay “trung tâm uy tín” kia… Có thể khẳng định rất hiếm HS chỉ học chương trình tiểu học theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT mà đủ tự tin để bước vào kỳ thi này.
Khóc… với đề thi
Nhiều phụ huynh cho con thi vào những trường này đã tìm hiểu rất kỹ và họ hiểu mức độ căng thẳng, khó khăn của kỳ thi ấy. Do vậy, việc chuẩn bị phải là một quá trình dài, ít nhất là vài năm học chứ không phải cứ học đúng, học đủ trong sách giáo khoa mà đi thi được.
Chị Chu Hà Linh, khu đô thị Đại Từ, Hà Nội chia sẻ: cách đây 4 – 5 năm, con chị tốt nghiệp tiểu học ở một trường được xem là tốt nhất của Hà Nội, là HS giỏi, luôn được cô giáo xếp vào “tốp” đầu của lớp. Gia đình cũng không cho đi học thêm vì nghĩ kiến thức tiểu học nắm chắc thế là đủ. Cũng vì “thành tích” ở tiểu học của cháu tốt như vậy nên chị Hà Linh cho con thi vào lớp 6 Trường Hà Nội – Amsterdam với rất nhiều hy vọng… Chị Hà Linh kể ra khỏi phòng thi môn toán và tiếng Việt, cháu gần như đã bật khóc với mẹ vì cô HS giỏi luôn dẫn đầu lớp ấy, hầu như không làm được bài. Những câu hỏi xa lạ và quá khó so với những gì cháu được học ở trường. Kết quả là cháu còn thiếu tới… 3/4 số điểm chuẩn. “Câu chuyện thực tế mà mẹ con tôi đã trải nghiệm để thấy rằng không luyện thi, không học thêm từ rất sớm ở tiểu học thì không thể thi được vào Trường Amsterdam, trừ những cháu có khả năng rất đặc biệt”, chị Hà Linh nói.
Một phụ huynh có con học lớp 7 Trường Hà Nội – Amsterdam chia sẻ kinh nghiệm: vì thấy cháu học được và đã xác định mục tiêu số một là vào trường nên từ lớp 1 cháu luôn học thêm, học nâng cao. Đến lớp 4, lớp 5 thì việc ôn thi thực sự căng không kém gì ôn thi ĐH.
Chi phí cho việc học thêm như vậy lên tới hàng trăm triệu đồng vì phụ huynh phải tìm đến những giáo viên nổi tiếng của thành phố. Vừa học giáo viên giỏi tiểu học, vừa phải tìm đến cả những giáo viên giỏi ở ngay chính trường THCS con mình định thi vào để họ có kinh nghiệm luyện thi theo dạng đề.
Đề thi toán vào lớp 6 của trường này luôn là nỗi hốt hoảng của không ít… người lớn khi nhìn vào. Một phụ huynh có con đang học lớp 6 ở trường kể lại: “Năm 2014 thử xem đề thi toán vào “Ams” 6 mà thấy hoảng vì mình làm được đề phải mất 3 tiếng. Vậy mà HS phải làm trong vòng 45 phút”.
Bà Nguyễn Thị Ly, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung, Q.Đống Đa, Hà Nội nói: “Nội dung câu hỏi trong đề toàn là kiến thức nâng cao nhưng lại yêu cầu HS phải hoàn thành với cấp độ cực kỳ nhanh. Tôi tính toán là 30 giây các em phải làm xong 1 câu hỏi khó. Không luyện theo dạng đề trong một thời gian dài thì không thể đáp ứng yêu cầu về cấp độ như vậy”.

Tuệ Nguyễn