11/01/2025

Nói không với ngôn tình, được không?

Trong buổi tọa đàm Văn học tuổi 20: tuổi 20 nghĩ và viết tại Hội sách TP.HCM 2014 do NXB Trẻ tổ chức, ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc NXB – đã khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết nói không với ngôn tình”.

 

Nói không với ngôn tình, được không?

 

Trong buổi tọa đàm Văn học tuổi 20: tuổi 20 nghĩ và viết tại Hội sách TP.HCM 2014 do NXB Trẻ tổ chức, ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc NXB – đã khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết nói không với ngôn tình”.



 

 

 

Đông đảo bạn trẻ đứng chật kín Nhà triển lãm TP (Q.1, TP.HCM) chờ xin chữ ký nữ tác giả truyện ngôn tình đến từ Trung Quốc ngày 5-4 - Ảnh: Tiến Long
Đông đảo bạn trẻ đứng chật kín Nhà triển lãm TP (Q.1, TP.HCM) chờ xin chữ ký nữ tác giả truyện ngôn tình đến từ Trung Quốc ngày 5-4 – Ảnh: Tiến Long

Chúng ta cần những tiếng nói mạnh mẽ như thế trong giới xuất bản để định hướng văn hoá đọc cho đối tượng độc giả trẻ.

Chúng tôi nói không với sách ngôn tình cho dù chúng tôi biết rằng loại sách này có thể đem lại doanh thu tốt. Nhưng theo chủ quan của chúng tôi, sách ngôn tình chưa thật sự phù hợp với tôn chỉ làm sách của NXB Trẻ: nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn tri thức.

Điều này cũng tương tự việc nói không của các anh chị đi trước thuộc NXB Trẻ với sách kiếm hiệp giả hiệu trước đây.

Chúng tôi không có ý kiến phê bình hay có ý kiến gì về dòng sách ngôn tình vì chúng tôi chưa đủ tư cách để bình phẩm. Chúng tôi chỉ không làm vì thấy nó không phù hợp với NXB chúng tôi.

Ông NGUYỄN MINH NHỰT (giám đốc NXB Trẻ)

“Nâng cấp” món ăn

Có lẽ đã đến lúc tổ chức một “cuộc vận động” trong cộng đồng các đơn vị xuất bản nhằm hạn chế cho in các đầu sách ngôn tình Trung Quốc “nhảm”, thay vào đó là các tác phẩm có nhiều giá trị văn học và tính nhân văn hơn?

Hoặc có thể đặt ra một “định mức” khống chế số lượng các cuốn ngôn tình được phát hành, khiến các đơn vị phải cân nhắc nhiều hơn đến chất lượng của cuốn sách mà họ chọn in?

Cấm đoán là chuyện dễ làm với nhà quản lý, nhưng với một món ăn hợp khẩu vị của số đông độc giả, phải chọn cách nào để “nâng cấp” món ăn giải trí đó, tránh các ca “ngộ độc thực phẩm” lại không phải là chuyện đơn giản.

Còn về vấn nạn “ngôn tình biến tướng”, cần phải có sự mạnh tay của các cơ quan chức năng nhằm rà soát các trang web, diễn đàn đăng truyện có nội dung phản cảm. Rất dễ để đóng cửa một diễn đàn truyện ngôn tình, nhưng diễn đàn này biến mất thì sẽ có diễn đàn khác mọc lên.

Điều quan trọng là làm thế nào để nâng cao ý thức của chính ban quản trị diễn đàn, để đội ngũ quản trị trực tiếp quản lý nội dung mà các thành viên đăng tải lên.

Trao đổi về câu chuyện này, ông Chu Văn Hoà – cục trưởng Cục Xuất bản – cho rằng cục đã biết và đang quan tâm đến vấn đề này. Trước mắt, các việc sẽ làm là: tổ chức hội thảo về loại sách ngôn tình này lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, báo chí, các NXB… để xác định loại sách này có những vấn đề gì.

Thứ hai là dùng biện pháp khống chế từ xã hội, tức là dùng áp lực từ dư luận xã hội để tác động lại với các nhà sản xuất chứ không thả lỏng họ được.

Và từ cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu để có biện pháp chế tài, kể cả nghiên cứu các văn bản pháp luật bổ sung, trước hết là cấp bộ với việc ban hành các thông tư, chẳng hạn hướng dẫn cụ thể hơn về điều 10 Luật xuất bản: có thể xem nội dung truyện ngôn tình vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam thì phía các NXB phải kiểm tra, thẩm định nội dung và có thể xử lý.

Trang Facebook “phản đối xuất bản truyện sex trá hình” đã nhận được sự ủng hộ của hơn 1.800 thành viên
Trang Facebook “phản đối xuất bản truyện sex trá hình” đã nhận được sự ủng hộ của hơn 1.800 thành viên

Chung tay loại bỏ “rác phẩm”

Mới đây, một quyển sách ngôn tình được cộng đồng mạng xếp vào dạng “rác” đang gây đình đám bởi “mức độ H (cảnh nóng) dày đặc”.

Một thành viên tại diễn đàn G – nơi tập hợp những người yêu sách – đã thú thật mình bị sốc khi nghe tin quyển này được xuất bản.

Thành viên này viết: “Mật độ H trong truyện có thể nói dày đặc và biến thái. Có khi nào sắp tới Cô giáo Thảo cũng được lên kệ? Mình cảm thấy quan ngại sâu sắc với tình trạng xuất bản hiện nay bởi sách này phần lớn đều do giới trẻ (các em độ tuổi còn đi học) mua về đọc là nhiều”.

Các thành viên của hội “Phản đối xuất bản truyện sex trá hình” (vừa ra đời tháng 3-2015) trên Facebook đang nêu khẩu hiệu “Hãy chung tay loại bỏ rác phẩm ngôn tình”.

Một thành viên của trang này cũng lên tiếng phản đối quyển sách nói trên: “Cuốn tiểu thuyết này mặc dù được gắn mác ngôn tình Trung Quốc nhưng lại có khá nhiều nội dung H khá “nặng đô”, lại được xuất bản mà không hề gắn mác 18+ hoặc 21+.

Nghĩa là cuốn tiểu thuyết này được xuất bản chẳng khác gì một cuốn tiểu thuyết ngôn tình thông thường, mặc dù nội dung của nó có những cảnh đến người trưởng thành đọc cũng phải đỏ mặt…”.

Đây quả thật là điều đáng lo ngại bởi đối tượng đọc ngôn tình chủ yếu thuộc lứa tuổi 12-18 (tức học sinh cấp II, cấp III). Đây là độ tuổi mà thanh thiếu niên đang ở giai đoạn phát triển nhân cách, tức là giai đoạn con người có biến động tâm lý nhiều nhất, đang học hỏi và tìm tòi về sự phát triển, thay đổi tâm sinh lý, thể chất của bản thân. Đây đồng thời cũng là giai đoạn phát triển có tính chất chuyển tiếp giữa trẻ em và người lớn về mọi khía cạnh, đặc biệt là tâm lý.

Vì rất dễ chịu ảnh hưởng của các nhân tố từ bên ngoài như bạn bè, gia đình, nhà trường… nên ngoài sức khỏe thể chất, các em còn cần được chăm sóc về sức khỏe tinh thần.

Với nhận thức chưa đầy đủ, tâm lý non nớt chưa vững vàng, những cuốn tiểu thuyết mang nhiều nội dung có tính chất không lành mạnh như vậy liệu có bổ ích cho việc bồi dưỡng tinh thần, giáo dục của con trẻ? Hay chỉ là liều thuốc độc hại dẫn đến sự lệch lạc về nhận thức và tư duy của các mầm non tương lai?

Truyện rẻ tiền nhưng kiếm tiền không rẻ!

Có thành viên trên Facebook cho biết hôm trước vừa thấy một em cấp II rao bán quyển Dụ tình giá 600.000 đồng, vậy mà vẫn có em khác mua. Điều này cho thấy sức hút của loại truyện rác này không hề thấp.

Lượng người hâm mộ của Diệp Lạc Vô Tâm tại TP.HCM trong hôm gặp gỡ 5-4 đã chứng minh một điều: truyện có thể rẻ tiền, nhưng tiền mang lại từ bán truyện ấy không hề rẻ.

Cộng đồng mạng dường như đang nỗ lực phản đối truyện sex gắn mác ngôn tình. Tuy nhiên, tiếng nói của cộng đồng chỉ dừng ở phản đối và kêu gọi không ủng hộ.

Giới phụ huynh và giáo dục như cô giáo Hoàng Kim Oanh – nguyên cán bộ khoa giáo dục tiểu học Đại học Sài Gòn – cho rằng phụ huynh chỉ có cách quan tâm nhiều hơn đến con cái, nhất là quan tâm đến việc đọc của con.

Tuy nhiên, với sự phát triển của các thiết bị cầm tay và khả năng online ngày càng tiện ích, người này khó có thể “theo dõi việc đọc” của người kia dù là cha mẹ với con cái.

Có lẽ lời tự nhận của M. – một chuyên viên trẻ của ngành xuất bản – là rất đáng chia sẻ: “Thật ra, hồi nhỏ em đọc những gì thì bố mẹ em đâu có biết. Quan trọng là biết cái nào thuộc về truyện, cái nào là cuộc sống ngoài đời, và biết lớn lên bằng những cách đúng đắn như thế nào”.

Chiến dịch quét “lá vàng”

Cách đây một năm, ngày 31-3-2014, hội nghị “Tảo hoàng tả phi” với mục tiêu quét sạch văn hóa phẩm đồi trụy, đánh vào hàng phi pháp như băng đĩa lậu, sách lậu… đã được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với những giải pháp: ra đòn mạnh, hiệu quả; không cho phép văn hóa phẩm đồi trụy lan truyền trên mạng; nâng cao yếu tố văn minh trên mạng; biến các website trường trung học thành trận địa chính để quét “lá vàng”; gia đình, nhà trường và xã hội bắt tay nhau lọc sạch mạng Internet. 

Lần này Trung Quốc đã có đợt “đánh nghiêm” vào các tác phẩm văn học mạng kéo dài từ tháng 4 đến giữa tháng 11-2014. Không ít tác giả viết truyện không hợp “thuần phong mỹ tục” đã bị mời đi giải trình.

Đợt “đánh nghiêm” này ảnh hưởng cả ngôn tình, đam mỹ (truyện viết về tình yêu đồng tính nam), và bách hợp (truyện về tình yêu đồng tính nữ).

Trong chiến dịch truy quét lớn lần này, trang Tấn Giang (trang văn học mạng lớn nhất Trung Quốc) đã gửi thông báo đến các tác giả: “Các cơ quan ban ngành hữu quan đã triển khai hành động “tảo hoàng tả phi” mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Các tác giả hãy chú ý: chuyên mục, tiêu đề, nội dung tóm tắt, hình ảnh, giới thiệu của các tác phẩm nếu dính dáng đến sex, xã hội đen, chính trị hoặc nội dung có cảnh nóng, tình tiết đi ngược lại “tam quan” như loạn luân, ngược đãi trẻ em… xin hãy chỉnh sửa trong ngày 13-4, nếu không sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Hàng loạt tên truyện bị đổi để tạm lánh “nạn kiểm tra”, các tác giả bị khóa văn cũng nhiều không đếm xuể. Một loạt trang web đăng tải văn học cũng bị kiểm tra như: trang tiểu thuyết ngôn tình, trang kiếm hiệp Trung Văn, trang đam mỹ Tấn Giang, trang Đọc sách… 

Phản ứng trước đợt truy quét này, độc giả ngôn tình Trung Quốc chia làm hai bộ phận: một số phản đối kịch liệt, cho rằng không cần thiết phải làm nghiêm vì trên các phương tiện truyền thông cũng trình chiếu những bộ phim mang tính nhạy cảm như tâm linh, ma quái, sex…

Số còn lại ủng hộ nhiệt tình, lên án những dòng tác phẩm “đi chệch với thuần phong mỹ tục, làm bại hoại đạo đức con người” như đam mỹ, bách hợp, ngôn tình sex trá hình. Tuy nhiên, họ cũng cùng chung một lo lắng nếu các cơ quan, đơn vị truyền thông đánh mạnh vào ngôn tình, liệu mọi người có hiểu lầm và cấm đoán hẳn dòng văn học này?

Ở Việt Nam, từ vài năm nay, ngôn tình Trung Quốc đang làm mưa làm gió trên thị trường sách dành cho giới trẻ.

Khoảng hai năm trước từng có dự báo trào lưu này sẽ thoái trào, nhưng đến nay ngôn tình Trung Quốc vẫn chứng tỏ “sức sống” bằng số lượng đầu sách được xuất bản ở Việt Nam, mặc dù chất lượng của nhiều cuốn sách có thể được xếp vào thể loại “lá vàng” đang bị chính nơi sản sinh ra nó ra sức quét dọn.

ĐỖ MAI QUYÊN (tổng hợp từ các trang mạng Trung Quốc)

LAM ĐIỀN – MINH MOON