Trung Quốc công khai kế hoạch phi pháp ở Trường Sa
Ngay sau khi Trung Quốc công khai chi tiết hoạt động xây đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa, Tổng thống Mỹ lập tức lên tiếng quan ngại.
Trung Quốc công khai kế hoạch phi pháp ở Trường Sa
Ngay sau khi Trung Quốc công khai chi tiết hoạt động xây đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa, Tổng thống Mỹ lập tức lên tiếng quan ngại.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 1.2.2015 cho thấy các tàu Trung Quốc bồi cát phi pháp
tại đá Vành Khăn – Ảnh: Reuters |
Ngày 9.4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngang nhiên công bố chi tiết kế hoạch và mục đích của các công trình xây đắp phi pháp nước này đang thực hiện tại ít nhất 6 bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Giới quan sát đánh giá đây là lần tiết lộ chi tiết hiếm thấy của Trung Quốc về những công trình bồi đắp gây nhiều quan ngại và vi phạm chủ quyền VN ở biển Đông.
Mối lo ngại chung
Cụ thể, Tân Hoa xã dẫn lời bà Hoa trắng trợn tuyên bố mục đích của các công trình nói trên là hoàn thiện các chức năng của bãi đá, cải thiện điều kiện sống, làm việc cho nhân lực trú đóng, và “giúp Trung Quốc có khả năng bảo vệ tốt hơn chủ quyền lãnh thổ cũng như các lợi ích cũng như quyền lợi biển”. Bà Hoa nguỵ biện rằng các công trình xây đắp giúp Trung Quốc đảm nhiệm vai trò quốc tế trong các lĩnh vực tìm kiếm, cứu hộ trên biển, ứng phó thiên tai, quan sát khí tượng thuỷ văn, bảo vệ môi trường và nguồn thuỷ sản… Nguy hiểm hơn, phát ngôn viên này còn khẳng định các công trình phi pháp nói trên sẽ đáp ứng nhu cầu về quốc phòng, nhưng không công bố chi tiết.
Cùng ngày, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) công bố một số hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tăng tốc bồi đắp phi pháp tại bãi đá Vành Khăn. Theo Reuters, khi xem những hình ảnh được chụp vào ngày 1.2.2015, giới chuyên gia phát hiện nhiều tàu Trung Quốc đang tiến hành bồi cát tại Vành Khăn và một tàu vận tải đổ bộ có thể chở 800 binh sĩ cùng 20 xe bọc thép, neo đậu cách lối vào bãi đá chỉ vài trăm mét. Hình ảnh chụp ngày 16.3 cho thấy tại Vành Khăn đã hình thành đảo nhân tạo, một số công trình mới và đê chắn biển được gia cố cùng thiết bị xây dựng…
Trước đó, chuyên san quốc phòng Kanwa Defense Review dẫn nhiều nguồn tin cho rằng ý đồ của Trung Quốc là biến bãi đá Gạc Ma thuộc Trường Sa thành một hòn đảo nhân tạo dài 5.000 m, rộng 400 m để phục vụ mục tiêu cài cắm thêm tiền đồn không quân trên biển Đông. Truyền thông Trung Quốc cũng từng loan tin nước này có kế hoạch biến đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn hơn cả Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa hiện bị Đài Loan chiếm đóng phi pháp, đồng thời xây dựng một sân bay tại đây. Theo giới quan sát, tất cả các hành động kể trên có thể nhằm phục vụ cho ý đồ đơn phương lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc ở biển Đông.
Hôm qua, chuyên gia Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận định với Reuters rằng một khi được hoàn thành, các công trình phi pháp ở Trường Sa sẽ giúp Trung Quốc tăng cường không chỉ sức mạnh quân sự mà còn cả thăm dò dầu khí lẫn đánh bắt ở khu vực. “Đây sẽ là quan ngại đối với tất cả các nước ven biển ở biển Đông, bất kể có phải là bên tranh chấp hay không”, ông Storey khẳng định.
Mỹ, Philippines phản ứng mạnh
Vài giờ sau các tuyên bố của bà Hoa Xuân Doanh, Tổng thống Mỹ Barack Obama lập tức bày tỏ quan ngại về tình trạng Trung Quốc không tuân thủ các quy định và chuẩn mực quốc tế mà chỉ dùng “tầm vóc và cơ bắp” để chèn ép các nước khác vấn đề tranh chấp ở biển Đông. “Tôi nghĩ vấn đề này (tranh chấp ở biển Đông – NV) có thể được giải quyết bằng ngoại giao”, Reuters dẫn lời ông Obama nhận định, đồng thời nhấn mạnh: “Không thể có chuyện những nước như VN và Philippines không lớn bằng Trung Quốc thì bị đẩy qua một bên”.
Bên cạnh đó, khi được yêu cầu bình luận về các tuyên bố của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho hay nước này xem việc xây đắp phi pháp ở Trường Sa là hành động “gây bất ổn” và “làm tăng thêm sự lo lắng ở khu vực về ý đồ của Trung Quốc trong lúc có nhiều quan ngại rằng họ có thể quân sự hóa các tiền đồn ở một số thực thể trên biển Đông”, theo Reuters.
Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 10.4 cảnh báo việc quân sự hoá ở các vùng tranh chấp trên biển Đông có thể dẫn tới những “sự cố nguy hiểm” và “đó là mối quan ngại không chỉ của Mỹ mà của hầu hết các quốc gia trong toàn khu vực”. Cũng trong ngày 10.4, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế phải cho Trung Quốc thấy những gì họ đang làm là sai trái và cần chấm dứt ngay các hoạt động xây đắp”. Ông này nhận định thêm rằng có thể Trung Quốc đang cố hoàn tất “tạo sự đã rồi” trước khi Toà án LHQ ra phán quyết, dự kiến vào năm sau, trong vụ Philippines kiện nước này về tuyên bố chủ quyền phi pháp ở biển Đông.
Mỹ, Philippines, Úc tập trận chung ở biển Đông
Từ ngày 20 – 30.4, gần 12.000 binh sĩ Mỹ và Philippines sẽ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Balikatan gần một số khu vực tranh chấp ở biển Đông, theo tờThe Philippine Star.
Cụ thể, Mỹ có 6.656 binh sĩ, hơn gấp đôi năm ngoái, cùng 76 thiết bị không quân và 3 tàu hải quân. Còn phía Philippines có 5.023 binh sĩ cùng 15 máy bay và 1 tàu hải quân. Ngoài ra, Úc cũng sẽ gửi 61 quân nhân và 1 máy bay để tham gia Balikatan 2015.
|
Văn Khoa