Có nên ào ạt phát triển cây mắc ca?
Ông Nguyễn Văn Nên – bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – cho rằng cần phải cân nhắc thận trọng, bởi diện tích cây mắc ca trên thế giới sau nhiều năm phát triển chỉ mới có khoảng 80.000ha.
Có nên ào ạt phát triển cây mắc ca?
Ông Nguyễn Văn Nên – bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – cho rằng cần phải cân nhắc thận trọng, bởi diện tích cây mắc ca trên thế giới sau nhiều năm phát triển chỉ mới có khoảng 80.000ha.
Ngày 1-4, ông Nên đã nói như vậy khi trả lời câu hỏi về đề án phát triển cây mắc ca tại VN với quy mô trồng 200.000ha ở Tây nguyên trong năm năm tới.
Kỳ 1: Vừa trồng vừa… lo
Hạt mắc ca được bán tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Công, Q.Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: Quang Định |
Trong khi đầu ra của trái mắc ca, hiệu quả của việc trồng loại cây này vẫn đang là một dấu hỏi, thời gian qua nhiều người dân khu vực Tây nguyên vẫn đua nhau trồng loại cây này với diện tích ước tính đến nay đã lên tới hơn 2.000ha.
Dẫn chúng tôi lên ngọn đồi trồng hơn 400 cây mắc ca đã bốn năm tuổi, ông Mai Hoài Thương (thôn Hoà Phong, xã Đắk Sắc, Đắk Mil, Đắk Nông) cho biết đã đầu tư trồng cây mắc ca sau khi nghe thông tin đây là cây “tỉ đô” chứ chưa có kinh nghiệm cũng như chưa biết tiêu thụ thế nào.
“Năm nay cây mắc ca ra hoa lần đầu tiên nhưng chúng tôi cũng chưa có bất cứ tác động gì, cứ để nó lên tự nhiên như… cây rừng” – ông Thương nói.
Trồng để bán lại cho công ty… làm giống?
Hơn 400 cây mắc ca của ông Thương đã cao khoảng 3m, chi chít cành từ cách gốc khoảng 30cm trở lên. Thân cây to nhất bằng bắp chân người lớn và vừa ra hoa mùa đầu tiên. Một số hoa nở muộn cũng đang trong quá trình héo úa. Hoa mắc ca có màu vàng nhạt, trải dài từ trên xuống như hoa lộc vừng, cây liễu.
Vườn mắc ca của ông Thương, theo quan sát của chúng tôi, có tỉ lệ hoa không cao và chùm hoa cũng không lớn. Theo ông Thương, từ khi trồng đến nay, ông chỉ biết làm cỏ, bỏ phân và tưới nước cho cây bằng kinh nghiệm trồng… cây cà phê chứ không có hiểu biết gì về giống cây này.
“Tôi đang liên hệ với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên và Công ty cổ phần Vina Macca ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để nhờ họ đến hướng dẫn cách tỉa cành, chăm sóc khi cây ra hoa, rồi thu hoạch” – ông Thương nói.
Theo ông Thương, năm 2011 nghe nhiều người đồn đại cây mắc ca rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tây nguyên, đặc biệt tại Đắk Nông nên ông ra vựa cây giống gần nhà mua 400 cây ghép (90.000 đồng/cây) về trồng thử. Việc trồng và chăm sóc cây cũng không vất vả gì vì đây là giống cây lâm nghiệp nên có sức chịu đựng khá tốt.
Ông Thương chưa từng tìm hiểu về thị trường tiêu thụ của loại quả này, chỉ biết mang máng là bán lại cho công ty để làm giống.
“Hiện vườn cây mắc ca của tôi đã lên cao, sắp có tán che, nếu như năng suất quả không tốt thì nó cũng có tác dụng giữ đất trên đồi và tạo cảnh quan đẹp để người dân tham quan. Tôi đang dự định mời các chuyên gia về hướng dẫn tại vườn để nhân dân cùng tìm hiểu thực tế” – ông Thương chia sẻ.
Trong khi đó, tại vườn cây mắc ca của ông Đinh Tất Thắng (thôn Giang Minh, xã Ea Puk, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) đang mùa đậu quả, nhiều cây đã lấp lửng từng chùm trái xanh đung đưa dưới tán lá. Gia đình ông Thắng trồng xen mắc ca trong vườn cà phê với tỉ lệ hai cây cà phê một cây mắc ca.
Ngoài 7ha mắc ca đang cho thu hoạch bói năm đầu tiên, gia đình ông Thắng còn có một diện tích khá lớn cây mắc ca mới được một năm tuổi. Tại vườn cây này, gia đình ông Thắng mới tưới nước nên hoa mắc ca từng chùm dày đặc, mùi hương toả ra thơm khắp khu vườn.
Ông Thắng cho biết thêm năm 2010, theo dõi thông tin về loại cây “tỉ đô” này, ông quyết định trồng xen trong 7ha đã trồng cà phê, sầu riêng của gia đình. “Sau khi trồng khoảng hai năm, cây đã cho thu hoạch bói. Bước sang năm thứ ba thì mỗi cây cho thu hoạch khoảng 1,5kg và hiện khoảng 7kg/cây.
Sắp tới chúng tôi sẽ đầu tư thêm 2-3ha trồng chuyên canh mắc ca nữa. Hiện tại huyện Krông Năng có khoảng 200 hộ gia đình đã và đang trồng xen cây mắc ca trong rẫy cà phê” – ông Thắng khoe.
Ca cao một thời kỳ vọng Trên 10 năm trước đây, đứng trước khả năng thiếu hụt sản lượng ca cao toàn cầu, nhiều tập đoàn lớn và các tổ chức phi chính phủ đã tập trung phát triển diện tích ca cao nhằm đưa VN thành một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Rất nhiều chương trình dự án đã được triển khai tại Tây nguyên và các tỉnh phía Nam, trong đó miễn phí tập huấn, cung cấp miễn phí cây giống, hỗ trợ kỹ thuật, thu mua… để khuyến khích người dân trồng loại cây này. Diện tích ca cao tăng đột biến sau khi Bộ NN&PTNT đưa ra kế hoạch phát triển diện tích ca cao lên 60.000ha vào năm 2015 và 80.000ha vào năm 2020. Tuy nhiên, bây giờ thì cây ca cao đã hết thời. Nguyên nhân chủ yếu là ca cao được trồng tại nhiều khu vực có điều kiện thổ nhưỡng không thích hợp, thu hoạch ca cao rải rác quanh năm và quá trình bảo quản, lên men phức tạp hơn nhiều so với cà phê và điều. Tại nhiều nơi, trong đó có Đắk Lắk, người dân đã phải chặt bỏ cây ca cao sau nhiều năm trồng để quay lại với cây cà phê, hồ tiêu… |
Lo với đầu ra của trái mắc ca
Bà Phạm Thị Phương – phó trưởng Phòng nông nghiệp huyện Tuy Đức, Đắk Nông – cho hay hiện phòng đang xây dựng kế hoạch, lấy ý kiến các đơn vị liên quan để thực hiện đề án xây dựng Tuy Đức thành vùng trồng cây mắc ca tập trung của tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, đến năm 2020 diện tích cây mắc ca của địa bàn này sẽ gần 12.500ha, tập trung tại năm xã Quảng Tân, Quảng Tâm, Đắk Búk So, Đắk R’tíh, Quảng Trực với các hình thức trồng xen, trồng thuần loài, trồng phân tán, trồng tập trung.
Theo đề án, địa phương sẽ xây dựng hai vườn ươm để đảm bảo giống cho người dân, xây dựng một nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây mắc ca tại cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện Tuy Đức.
Ngoài ra, người dân sẽ được hỗ trợ vay vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc, tư vấn vùng phát triển về giống, địa bàn trồng… Và từ năm 2010, địa phương này bắt đầu triển khai thí điểm trồng cây mắc ca, đến nay đã có khoảng 381ha được trồng tập trung tại các xã này.
Tuy nhiên, không ít người dân vẫn đang rất băn khoăn với cây trồng này. Chị Thị Sứ (Bu Prăng 1, xã Quảng Trực) cho biết bắt đầu trồng hơn 0,8ha cây mắc ca từ năm 2012, thay thế diện tích trồng khoai mì, hiện cây mắc ca đã cao hơn 2m đang ra hoa, một số cây đã đậu quả.
“Cây mắc ca chịu hạn tốt, không cần chăm sóc nhiều, phù hợp với tập quán canh tác của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa biết đầu ra như thế nào” – chị Sứ nói.
Ông Trương Đình Hưởng (thôn 4, xã Đắk Búk So) cũng cho biết bắt đầu trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê từ năm 2011.
Vườn mắc ca của ông Hưởng có khoảng 120 cây cao khoảng 4m và đang ra hoa kết trái. Nhiều chùm trái đã già, bên cạnh là những chuỗi hoa buông xuống.
Ngoài số cây này, đầu năm 2014 gia đình ông trồng thêm, nâng tổng số mắc ca trong vườn lên 600 cây.
“Năm ngoái có khoảng 10 cây cho trái bói. Năm nay hầu hết số cây trồng năm 2011 đã cho hoa, cho trái hai đợt. Việc chăm sóc cây mắc ca không khó, từ khi trồng chưa phải phun thuốc trừ sâu lần nào, mỗi khi bỏ phân cho cà phê tôi thường bỏ luôn cho mắc ca.
Tuy nhiên, đến nay gia đình tôi chưa được hưởng lợi gì từ cây mắc ca, cũng chưa biết phải tiêu thụ số sản phẩm này như thế nào” – ông Hưởng cho biết.
Theo ông Hưởng, thời gian gần đây có nhiều luồng thông tin trái chiều về cây mắc ca khiến gia đình ông và nhiều người dân trong xã phải hoãn kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây mắc ca do lo ngại đầu ra gặp khó khăn.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hậu (xã Đắk Búk So) – người trồng 1ha cây mắc ca – cho biết với nhiều ý kiến trái chiều, “người bảo cây “tỉ đô” có thể mở rộng, người bảo cẩn thận”, chưa kể đầu ra của sản phẩm này vẫn chưa rõ ràng nên nhiều người dân trên địa bàn cũng đang hoang mang, không dám mở rộng diện tích cây mắc ca.
Vườn cây mắc ca của hộ gia đình ông Trương Đình Hưởng, thôn 4, xã Đắk Búk So, Tuy Đức, Đắk Nông đã bắt đầu cho quả – Ảnh: Đức Lập |
Nguy cơ chạy theo phong trào
Người bán giống hưởng lợi Bà Hà Thị Thanh – chủ cửa hàng bán cây giống Thanh Hùng (thôn Đức Vinh, Đức Minh, Đắk Mil, Đắk Nông) – cho biết đã bán giống cây mắc ca thực sinh (ươm hạt) được hơn năm năm nay và năm nào cũng bán 4.000-5.000 cây giống. Do tình trạng thiếu cây giống vào mỗi đầu mùa mưa nên giá rất cao, trong đó giống mắc ca cây ghép (90.000 đồng/cây) hàng về đến đâu hết đến đó. “Người dân ở đây chủ yếu là trồng xen trong vườn cà phê tại các vùng sâu của huyện, nơi các đồi cao để tăng thu nhập cho vườn cây. Hiện hạt mắc ca bán lại cho Công ty Vina Macca khoảng 220.000-250.000 đồng/kg để công ty tiếp tục nhân giống. Tuy nhiên, giá hạt mắc ca rao mua trên mạng lên đến 380.000 đồng/kg từ vụ thu hoạch năm rồi. Vì vậy nên cây giống mắc ca vùng này càng trở nên dễ bán” – bà Thanh nói. |
Cho đến nay, diện tích trồng cây mắc ca tại huyện Krông Năng – địa phương trồng khảo nghiệm cây mắc ca sớm và nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk – đã lên tới hơn 61ha, trong đó diện tích được Bộ NN&PTNT cho khảo nghiệm chỉ khoảng 3ha tại xã Phú Lộc.
Một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Krông Năng cho biết dù nhiều người dân tại địa phương quan tâm và trồng thử nghiệm cây mắc ca, nhưng thông tin chính thống về hiệu quả của loại cây trồng này vẫn chưa được rõ ràng.
Theo vị này, các cơ quan chức năng địa phương chưa có quy hoạch cụ thể khu vực được trồng cây mắc ca, phần lớn diện tích là do người dân trồng tự phát.
“Hơn nữa, giống cây mắc ca chưa được phép sản xuất, kinh doanh trên thị trường, chưa có nhà máy chế biến hạt sau khi thu hoạch nên mắc ca chỉ chủ yếu kinh doanh… cây giống” – vị này nói.
TS Lê Ngọc Báu – viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên – cho biết cây mắc ca chỉ thích nghi tại những vùng sinh thái ở độ cao từ 500m trở lên so với mực nước biển, có nhiệt độ ổn định từ 12-320C và ra hoa nhiều nhất ở 180C.
“Cây mắc ca đặc biệt phù hợp khi trồng tại Tây nguyên và đến nay Bộ NN&PTNT cũng mới chỉ cho trồng khảo nghiệm, nhân giống chứ chưa cho trồng đại trà. Tuy nhiên, trên thực tế toàn vùng Tây nguyên diện tích cây mắc ca đã lên đến hơn 2.000ha. Điều đó đem lại nhiều lo ngại vì người dân không biết có trồng đúng giống được khuyến cáo và vùng quy hoạch hay không” – ông Báu lo lắng.
Theo ông Báu, qua khảo nghiệm tại huyện Krông Năng, Bộ NN&PTNT đã công nhận bốn dòng mắc ca (gồm: 246, 816, OC, 849) có thể nhân rộng. Tuy nhiên, đến thời điểm này bộ vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các bước cuối cùng để xây dựng vùng quy hoạch, dòng giống mắc ca để phổ biến.
Theo định hướng quy hoạch phát triển cây mắc ca của bộ, Tây nguyên là vùng quy hoạch chính để phát triển cây mắc ca với diện tích ước tính có thể lên đến 200.000ha và kỳ vọng đạt được 200.000 tấn hạt thô vào năm 2025. Tuy nhiên, đến nay bộ vẫn chưa có quyết định về quy hoạch giống cây trồng này.
Cũng theo ông Báu, đến nay mới duy nhất tỉnh Đắk Nông có quy hoạch trồng cây mắc ca với tổng diện tích khoảng 15.000ha, trong đó chủ yếu tại huyện Tuy Đức với hơn 14.000ha, các vùng khác đều không phù hợp.
Đắk Nông cũng đã trồng được khoảng 450ha mắc ca với nhiều dòng giống khác nhau. Các tỉnh khác như Lâm Đồng (hơn 600ha), Đắk Lắk (150ha) chưa xây dựng quy hoạch nhưng người dân đã tự ý mua giống cây trồng. “Điều đó rất đáng lo ngại vì đây là giống cây đắt, chỉ thích nghi với những vùng đất cao.
Hơn nữa, phải sau năm năm cây mắc ca mới cho biết hiệu quả kinh tế nên nếu không thận trọng cân nhắc, người dân sẽ dễ đầu tư sai lầm. Người dân nên tìm hiểu tại những nơi có cán bộ chuyên môn tốt, cây giống có uy tín để tìm mua, tránh mua cây trôi nổi” – ông Báu khuyến cáo.
(còn tiếp)