27/11/2024

Mỹ nhìn về châu Á: Cam kết gắn bó chặt chẽ

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nhấn mạnh không ai có lợi từ việc TQ quân sự hoá ở biển Đông khi phát biểu tại Đại học Washington sáng 2-4 (giờ Việt Nam).

 

Mỹ nhìn về châu Á: Cam kết gắn bó chặt chẽ 

 

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nhấn mạnh không ai có lợi từ việc TQ quân sự hoá ở biển Đông khi phát biểu tại Đại học Washington sáng 2-4 (giờ Việt Nam).

 

 

 

Ông Daniel Russel trả lời báo chí sau bài phát biểu tại ĐH Washington – Ảnh: Q.Trung

Mở đầu bài phát biểu về chủ đề “Nước Mỹ nhìn về phía tây: Tương lai với châu Á”, ông Daniel Russel, trợ lý phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương, cho biết ít nhất sẽ có bốn lãnh đạo châu Á đến thăm Washington trong năm nay gồm Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ trở thành nguyên thủ đầu tiên của Nhật phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Ông Daniel Russel nhấn mạnh điểm mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Á chính là tất cả các nước phải có sự cam kết gắn bó liên tục với nhau. Ông đánh giá cao khu vực Đông Nam Á và gọi đây là khu vực phát triển năng động.

Ông cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ quay lại thăm Malaysia vì hai nước đang có mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp trong dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tổ chức ở Malaysia vào tháng 11.

“Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là một diễn đàn tranh luận thẳng thắn về các vấn đề. Do vậy diễn đàn này rất quan trọng để đưa ra các biện pháp dài hạn” – ông Daniel chia sẻ.

Những tiến bộ thật sự trong bầu cử và dân chủ hoá ở các nước trong khu vực cũng đã được đề cập trong phát biểu. Trong đó, Philippines là một ví dụ của một nền dân chủ gây ấn tượng sâu sắc, theo ông Russel.

“Chúng tôi nghĩ rằng các giá trị của tự do chính là tính phổ quát và chúng tôi ủng hộ các chính sách của những quốc gia giúp giải phóng tiềm năng con người và nâng cao năng lực con người” – ông Daniel Russel phát biểu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bắc Kinh đang xây đảo nhân tạo ở biển Đông, ông Daniel Russel nhận định hành động của Bắc Kinh là trái với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (trong đó Trung Quốc là một bên ký kết) vì: “Họ không thể xây dựng một đảo và nói đây là lãnh thổ của tôi. Điều này là phi pháp”.

Ông Daniel Russel khẳng định phía Mỹ biết Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo đã 18 tháng qua. Cho đến nay, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 500-600ha đất và biện minh họ đang xây những công trình cho ngư dân trú ẩn.

“Tôi nghĩ không ai hưởng lợi từ hành động quân sự hoá ở một khu vực rất nhạy cảm như biển Đông. Chúng tôi mong muốn Trung Quốc có quan hệ tốt và ổn định với các nước láng giềng. Không ai hưởng lợi từ tình trạng căng thẳng như việc Trung Quốc đột ngột hung hăng đưa giàn khoan đến sát bờ biển của Việt Nam. Đó không phải là cách làm của một người hàng xóm” – ông Daniel Russel nói.

Cũng theo ông Daniel Russel, ưu tiên của Mỹ chính là bảo đảm mọi bên phải tuân theo luật pháp quốc tế, nghĩa là bảo đảm tự do hàng hải, tự do hàng không qua vùng biển này, giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình và tôn trọng các phán quyết của toà án ở The Hague.

“Thật không thể chấp nhận khi nói rằng “chúng tôi không nghĩ toà án sẽ đứng về phía tôi, do vậy chúng tôi không muốn tham gia” dù Trung Quốc đã ký kết công ước luật biển. Chúng tôi sẽ mong chờ câu trả lời và sự kiềm chế” – ông Daniel Russel kết luận.

QUỲNH TRUNG (từ Mỹ)