Sở hữu trí tuệ bị xâm phạm thô bạo
32.474 vi phạm về sở hữu trí tuệ mà Thanh tra Bộ KH-CN vừa công bố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng vẫn đủ cho thấy tình trạng ăn cắp bản quyền nhãn hiệu, kiểu dáng, công nghệ đang không từ một mặt hàng nào, kể cả thuốc chữa bệnh.
Sở hữu trí tuệ bị xâm phạm thô bạo
32.474 vi phạm về sở hữu trí tuệ mà Thanh tra Bộ KH-CN vừa công bố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng vẫn đủ cho thấy tình trạng ăn cắp bản quyền nhãn hiệu, kiểu dáng, công nghệ đang không từ một mặt hàng nào, kể cả thuốc chữa bệnh.
Túi xách thời trang nhái bày bán tràn lan – Ảnh: Thu Hằng
|
Dạo quanh thị trường Hà Nội, không khó để bắt gặp những tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) liên quan đến hàng giả, nhái nhiều thương hiệu nổi tiếng, bán tràn lan với mức giá rẻ từ vài trăm nghìn, đến hàng triệu đồng. Thậm chí, có những người bỏ ra hàng chục triệu đồng vẫn mua phải hàng nhái. Chỉ riêng với sản phẩm liên quan đến nhãn hiệu L., trong 5 năm qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra, xử lý đối với 697 vụ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu này với tổng số tiền phạt hành chính gần 5 tỉ đồng, tổng số hàng hóa tịch thu tiêu huỷ là gần 120.000 sản phẩm. Tuy nhiên, số hàng hoá tịch thu, tiêu hủy chỉ là phần rất nhỏ so với hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
|
Hình thành cả làng chuyên làm hàng giả
Theo bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó chánh thanh tra Bộ KH-CN, hàng giả đang ngày càng được làm tinh vi. Thậm chí, hiện nay VN còn hình thành một số làng nghề chuyên làm hàng giả, có cả ngành công nghiệp làm hàng giả. “Hàng giả mạo nhìn bên ngoài không phân biệt được với hàng thật. Như L. chúng tôi xử lý thậm chí chúng tôi rất khó khăn xác định túi thật hay túi giả. Thường trường hợp như vậy phải mời chuyên gia, đại diện của hãng sang nhận dạng”, bà Quỳnh cho biết. Bà Quỳnh thừa nhận tình trạng xâm phạm, vi phạm SHTT đang thực đáng báo động. Đặc biệt, nó càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh VN đang ngày càng hội nhập sâu vào quốc tế với một loạt hiệp định thương mại được ký kết trong năm nay.
Mức phạt còn nhẹ
Trong năm 2013 và 2014, lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các bộ, ngành và địa phương đã xử lý 32.474 vụ liên quan đến SHTT với tổng tiền phạt lên tới 139 tỉ đồng; buộc loại bỏ, tiêu hủy đối với hàng trăm nghìn sản phẩm xâm phạm quyền SHTT. Ở lĩnh vực thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính, ông Trần Văn Minh, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết, trong năm 2014, Thanh tra bộ đã tiến hành thanh tra đột xuất 82 DN về việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả với tổng tiền xử phạt lên tới gần 1,6 tỉ đồng.
Về chế tài xử phạt, bà Quỳnh thừa nhận hiện nay mức xử phạt đối với các hành vi này còn quá nhẹ, chủ yếu tập trung vào xử phạt hành chính. “Quy định hiện hành, mức phạt cao nhất đối với DN là 500 triệu đồng, cá nhân 250 triệu đồng. Nhưng rất nhiều trường hợp phạt xong lại vi phạm tiếp nên không thể xử lý triệt để”, bà Quỳnh cho hay.
Một khó khăn, bất lợi khác được ông Phạm Phi Anh, Phó cục trưởng Cục SHTT chỉ ra, đó là VN nằm ở cạnh “hàng xóm” chuyên làm hàng giả, hàng nhái. “Người Nhật họ nói rằng, 1 xe máy vừa công bố quyền sở hữu, 3 tháng sau Trung Quốc đã có sản phẩm rồi”, ông Phi Anh nói.
Thu Hằng – Anh Vũ