Cổ phần hoá nhanh để “toàn dân làm kinh tế”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong năm 2015 dứt khoát phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá (CPH) đề ra cho hai năm 2014-2015, với 432 doanh nghiệp (DN).
Cổ phần hoá nhanh để “toàn dân làm kinh tế”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong năm 2015 dứt khoát phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá (CPH) đề ra cho hai năm 2014-2015, với 432 doanh nghiệp (DN).
VNA sẽ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1-4 |
Chiều 26-3, phát biểu tại buổi chủ trì hội nghị giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, đồng thời cho rằng “cơ chế cơ bản phù hợp rồi, vấn đề còn lại là trách nhiệm và quyết tâm”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong năm 2015 dứt khoát phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa (CPH) đề ra cho hai năm 2014-2015, với 432 doanh nghiệp (DN).
Trong năm 2014 chỉ mới CPH 143 DN, hiện còn 289 DN sẽ tiến hành CPH từ nay đến cuối năm.
“Chúng ta phải phấn đấu đạt mục tiêu nhưng không được sơ sót, không được tiêu cực, không được bán đổ bán tháo” – Thủ tướng nói.
Doanh nghiệp tư nhân là một động lực
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định việc tái cơ cấu DN nhà nước vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng, các DN đã CPH đều phát huy hiệu quả.
Nhìn tổng thể khu vực DN nhà nước tuy chưa đạt như mong muốn nhưng hiệu quả tốt hơn thấy rõ: doanh thu lợi nhuận, tổng tài sản tăng và thu nhập của người lao động đều tăng.
Mặc dù trong khoảng năm năm thực hiện CPH, thu về khoảng 70.000 tỉ đồng nhưng tổng tài sản của DN nhà nước vẫn tăng (đến nay đạt khoảng 3,2 triệu tỉ đồng), vốn nhà nước tiếp tục tăng (đạt khoảng 1,2 triệu tỉ đồng).
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ các hạn chế cần khắc phục, như hiệu quả DN nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn, chưa tương xứng với tổng tài sản, một số DN nhà nước thua lỗ, năng suất lao động trong DN nhà nước thấp…
Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc thực hiện chủ trương CPH thu vốn về để đầu tư lĩnh vực khác cũng như huy động vốn các thành phần khác vào còn chậm.
Trong nhiệm kỳ này, dự tính đến hết năm 2015, CPH thu về được 150.000 tỉ đồng, số vốn thu về so với tổng tài sản trên 3 triệu tỉ và tổng vốn chủ sở hữu trên 1 triệu tỉ đồng là quá ít.
Chính vì vậy cần mạnh dạn CPH, góp phần làm cho DN nhà nước hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn, Nhà nước thu vốn CPH về để đầu tư vào lĩnh vực khác cần thiết hơn.
Liên quan đến những ý kiến rằng Nhà nước vẫn còn nắm giữ nhiều ở những lĩnh vực và những DN mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối hoặc không cần nắm giữ bất cứ cổ phần nào, Thủ tướng cho rằng cần mạnh dạn khắc phục cản trở này.
Thủ tướng nêu ví dụ những DN làm ăn hiệu quả như MobiFone, bia Sài Gòn… bán ít (CPH) nhưng nhà đầu tư vẫn mua. Còn DN không hiệu quả mà chỉ bán 10-20% thì không ai dám mua, bởi vì bỏ tiền vô đó mà không được nắm giữ quyền chi phối lỡ thua lỗ sẽ mất vốn.
“Chúng ta phải mạnh dạn khắc phục. Vừa rồi Bộ GTVT bán Cienco 4, sau đó DN này bùng lên. Ta lấy được tiền về, tư nhân thay thế vô đó. Mất đi đâu các đồng chí? Đều là DN VN. Tôi vẫn thường nói trước đây chúng ta toàn dân đánh giặc mới giành được thắng lợi, bây giờ không có toàn dân làm kinh tế thì không có thắng lợi được đâu. Phải coi DN tư nhân là một động lực, đây là của nhân dân chúng ta, không ai thay nhân dân được hết. Về phần Nhà nước là tạo điều kiện, hạ tầng, ban hành luật lệ” – Thủ tướng nói.
Đẩy mạnh cổ phần hoá để “toàn dân làm kinh tế”. Dự kiến tháng 4-2015, MobiFone mới làm việc với các nhà tư vấn về việc cổ phần hoá doanh nghiệp này, nhưng đến nay đã có hơn 10 nhà đầu tư đến tìm hiểu – Ảnh: T.T.D. |
Không có toàn dân làm kinh tế thì không có thắng lợi được đâu. Phải coi doanh nghiệp tư nhân là một động lực. Đây là của nhân dân chúng ta, không ai thay nhân dân được hết. Về phần Nhà nước là tạo điều kiện, hạ tầng, ban hành luật lệ |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Sợ mất chức khi CPH
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết có những DN thuộc ngành giao thông trước đây thường xảy ra kiện cáo nhưng sau khi CPH, hoạt động hiệu quả thấy rõ, lương thưởng đều tăng lên.
Đề cập đến vấn đề CPH bệnh viện, ông Thăng nói mới đầu khi CPH một bệnh viện trong ngành, cả giám đốc và phó giám đốc đều sợ mất chức, nhưng sau CPH đã cho kết quả tốt. “Anh có tài thì khẳng định được, không có gì sợ” – ông Thăng nói.
Liên quan đến cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng, ông Thăng cho biết cũng có ý kiến phản đối việc CPH vì đây là những cảng có truyền thống lâu năm.
Chẳng hạn, có ý kiến băn khoăn CPH cảng Hải Phòng thành cảng tư nhân. Tuy nhiên, ông Thăng khẳng định quan điểm đất nước và Hải Phòng cần cảng lớn, cảng mạnh chứ không phải cảng nhà nước hay cảng tư nhân.
Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định việc CPH các DN trong ngành sẽ giúp hình thành thị trường viễn thông với 3-4 nhà mạng cạnh tranh lành mạnh. Về CPH MobiFone, bộ báo cáo và được đồng ý về việc giao Bộ Thông tin – truyền thông chủ trì xem xét nhà tư vấn, qua đó sẽ đẩy nhanh tiến độ khoảng 4-5 tháng, dự kiến trong tháng 4 sẽ làm việc với nhà tư vấn, trong quý 3 xác định giá trị DN…
“MobiFone mới rục rịch CPH đã có gần 10 nhà đầu tư nước ngoài đến thăm hỏi, tìm hiểu”- ông Son cho biết.
Theo kế hoạch, năm 2015 cả nước cần hoàn thành CPH 289 DN (chưa kể số sẽ bổ sung theo tiêu chí, danh mục cần phân loại DN nhà nước mới). Tính đến ngày 24-3-2015, 289 DN nói trên đều đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó 207 DN đang tiến hành xác định giá trị DN, 81 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 29 DN (3 tổng công ty nhà nước và 26 DN) đã CPH.
Về thoái vốn nhà nước, tính đến ngày 24-3-2015 cả nước đã thoái được 4.937 tỉ đồng, thu về 6.987 tỉ đồng, bằng 1,42 lần giá trị sổ sách. Theo báo cáo của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, trong quý 1 năm 2015 có 18 DN nhà nước bán đấu giá cổ phần với khối lượng chào bán là 100 triệu cổ phiếu, tỉ lệ cổ phiếu bán được đạt 40%, với tổng số tiền thu được là 805 tỉ đồng. |