Có hiểu biết, kỹ năng về cảm xúc và được chia sẻ, yêu thương trong cộng đồng là một giải pháp quan trọng giúp ngăn ngừa bạo lực học đường – Ảnh: Như Lịch
|
Dạy những hiểu biết, kỹ năng cảm xúc
Trang web của tờ New York Times vào tháng 11.2013 đăng một bài viết đặt vấn đề có thể dạy học sinh (HS) khả năng hiểu biết để chế ngự, điều chỉnh cảm xúc. Quan trọng không kém như các môn văn hoá, HS cũng cần học những kỹ năng biết làm gì trong trường hợp bị la mắng, bắt nạt, bạo lực hoặc khi giận dữ.
Trường tiểu học Leataata Floyd (Sacramento, California, Mỹ) là một ngôi trường mà HS phần lớn xuất thân từ gia đình thu nhập thấp, có nhiều vấn đề xã hội. HS của trường thường có điểm học lực thấp so với các nơi khác. Trước khi có hiệu trưởng mới vào năm 2010, trong vòng 5 năm, đã có 6 đời hiệu trưởng. Ngay sau khi về trường, vị hiệu trưởng mới tuyển dụng những giáo viên được đánh giá cao, thiết lập một chương trình dạy học rất ưu việt. Nhưng chẳng bao lâu sau những kế hoạch tốt đẹp này hoàn toàn bị phá sản. Cuối cùng ông nhận ra rằng những HS ở ngôi trường này không thể đạt kết quả cao trong học tập nếu không nhận được sự hỗ trợ, giải quyết những vấn đề về xã hội và tình cảm. Và trường này đã tổ chức những buổi học về kỹ năng để HS hiểu biết, điều chỉnh và chế ngự cảm xúc.
Một nghiên cứu vào năm 2011 thu thập dữ liệu 17.000 trẻ sơ sinh của Anh trong hơn 50 năm qua đã đưa ra kết luận những đứa trẻ có thần kinh tốt thường thành công trong tương lai. Một nghiên cứu tương tự cũng có kết luận những trẻ phát triển sự hiểu biết, kỹ năng về cảm xúc không chỉ học giỏi mà sau này còn có đời sống gia đình hạnh phúc và ít gặp trầm cảm.
Marc Brackett, nhà khoa học hàng đầu về tâm lý học của ĐH Yale, trong bài báo trên New York Times cho rằng nếu ngay từ nhà trẻ, trẻ con được hướng dẫn những điều này thì 20 năm nữa thế giới sẽ là một nơi rất khác.
Lớn lên trong tình yêu thương
|
|
|
Những rung động của những ngôn từ tích cực có tác động tốt với thế giới quanh ta, trong khi những rung động của những ngôn từ tiêu cực có sức phá huỷ chúng
|
|
|
Masaru Emoto
|
|
|
Có một câu chuyện đã trở nên phổ biến. Một sáng nọ, cô giáo hướng dẫn HS bài học về 2 cây con trồng trong 2 chậu giống nhau. Cô trò bắt đầu một thí nghiệm nhỏ: Cây sẽ được cung cấp lượng nước và ánh sáng như nhau nhưng đặt chúng ở 2 vị trí khác nhau. Một cây đặt trên bệ cửa của phòng học cụ, cách xa mọi người; cây còn lại đặt ngay cửa phòng học cùng các HS. Mỗi ngày HS ca hát, ngợi khen vẻ đẹp của cây trong phòng học. Bốn tuần trôi qua. Cây ở cửa sổ phòng học cụ héo úa, teo tóp, không phát triển, trong khi cây ở cửa sổ phòng học lại tươi xanh và lớn rất nhanh. Cây dường như cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của mọi người dành cho nó nên phát triển tốt và tràn đầy sinh lực. Cô trò đưa cây trong phòng học cụ vào phòng học để tiếp xúc và nhận được tình yêu thương của mọi người. Bốn tuần sau, hai cây đều phát triển như nhau. Thông điệp mà cô giáo muốn gửi đến HS trong cuộc thí nghiệm là mọi thứ sẽ lớn lên trong yêu thương.
Trong cuốn sách Thông điệp của nước, tác giả Masaru Emoto đã gửi gắm đến độc giả sự hữu ích của cái đẹp, tình yêu thương, lòng biết ơn. Trong 10 năm nghiên cứu những tinh thể nước đóng băng, tác giả nhận ra rằng nước sẽ đóng thành những tinh thể đẹp, có cấu trúc đặc biệt nếu nghe được những bản nhạc cổ điển có sắc thái tươi sáng, nhẹ nhàng; tiếp xúc với những ngôn từ tích cực. Ngược lại, chúng sẽ cho ra đời những tinh thể có cấu trúc xấu. Tác giả kết luận rằng: “Những rung động của những ngôn từ tích cực có tác động tốt với thế giới quanh ta, trong khi những rung động của những ngôn từ tiêu cực có sức phá huỷ chúng”.
Cây phát triển ngoài tưới nước, bón phân, đất tốt còn cần phải có sự chăm sóc với tình yêu thương. Tình yêu thương cũng giúp tạo ra các tinh thể nước đẹp hơn.
Con người cũng vậy. Giáo dục bằng tình yêu thương sẽ là một phương cách để giảm bạo lực. Trở lại với câu chuyện HS đánh bạn ở Trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh). Những HS đánh bạn bị xử lý kỷ luật là đúng, nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc cho nghỉ học một tuần với hy vọng những HS này từ bỏ thói quen bạo hành thì chưa phải là giải pháp bền vững, thậm chí nhiều khi sẽ dẫn đến những tiêu cực khác như mặc cảm tự ti, bất mãn… và trở nên hung hãn hơn.
Trong đời ai cũng có lỗi, các em bị xử lý kỷ luật cũng thật đáng thương, chỉ vì nông nổi, thiếu suy nghĩ đã làm việc dại dột. Tuy nhiên, cái hình phạt “tách” hẳn và để các em bơ vơ trong 7 ngày lại là việc làm chưa thật sự nhân văn. Lẽ ra trong 7 ngày này, các tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường phải tổ chức cho các em gặp bạn để xin lỗi, để thấy việc làm của mình là sai trái. Các em cũng cần phải được nghe sự động viên, an ủi và chia sẻ qua các buổi nói chuyện của đoàn thể. Thậm chí, còn phải được tổ chức vui chơi, xua tan nỗi buồn, xoá đi sự bất mãn, trống vắng… để các em không làm điều dại dột tiếp theo. Và nhanh chóng trở lại trường bằng sự vững vàng hơn, sáng suốt hơn sau những sai lầm xảy ra.
Ông bà ta có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”, người lớn hãy dang rộng cánh tay đón các em bằng tình thương và sự vỗ về yêu quý, để các em nên người trong tương lai. Tin các em sẽ rất ăn năn, hối lỗi khi người lớn, bạn bè các em quan tâm chia sẻ.
Dạy HS những hiểu biết và kỹ năng chế ngự cảm xúc đồng thời để các em sống trong tình yêu thương của mọi người có thể về lâu dài sẽ giúp các em hướng thiện hơn.