Thi THPT quốc gia: Môn ngoại ngữ có phần thi viết
Hôm qua 26.3, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia, trong đó giải đáp nhiều thắc mắc mà thí sinh quan tâm.
Thi THPT quốc gia: Môn ngoại ngữ có phần thi viết
Hôm qua 26.3, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành Hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia, trong đó giải đáp nhiều thắc mắc mà thí sinh quan tâm.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Hà Nội làm thủ tục dự thi năm 2014 – Ảnh: Ngọc Thắng
|
Chỉ chiếm 20%
Ngoài quy định 8 môn thi, về hình thức thi, hướng dẫn của Bộ quy định các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn vật lý, hoá học, sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm; đề thi môn ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: “Cơ cấu đề thi ngoại ngữ giống đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014, tỷ lệ phần đề trắc nghiệm chiếm 80%; 20% còn lại là phần thi viết”. Do có 2 phần nên với các môn ngoại ngữ, thí sinh sẽ được phát phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy thi để làm bài phần viết. Theo ông Nghĩa, năm nay Bộ không quy định thí sinh phải làm trắc nghiệm xong rồi mới làm phần thi viết như năm trước.
Môn ngoại ngữ cũng được quy định cụ thể trong quá trình chấm phúc khảo. Khi điểm chấm lại chênh lệch so với điểm lần trước từ 10% điểm phần thi viết trở lên thì điểm phúc khảo là điểm mới của phần thi viết.
Được thi và miễn ngoại ngữ khác với tiếng đang học
Cũng liên quan đến môn ngoại ngữ, hướng dẫn của Bộ nêu rõ thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức hoặc Nhật. Thí sinh được đăng ký thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.
Những chứng chỉ được miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định tại Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23.10.2014. Thí sinh được sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ khác với ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông để được miễn thi môn này trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2015.
Chỉ xét tốt nghiệp cũng có thể thi ở cụm do ĐH chủ trì
Thí sinh dự thi với mục đích chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT hoặc chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ hoặc cả 2 mục đích được đăng ký dự thi (ĐKDT) tại cụm thi do trường ĐH chủ trì. Cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì tổ chức thi cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các sở căn cứ số lượng thí sinh ĐKDT tại tỉnh chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT để tổ chức tại mỗi tỉnh một hội đồng thi theo quy định. Số lượng điểm thi trong hội đồng thi do sở căn cứ điều kiện thực tế để thành lập đảm bảo thuận lợi nhất cho thí sinh; có thể cho thí sinh thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh.
Danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT chính thức trước ngày 15.8.
Không được đổi cụm, môn thi sau khi ĐKDT
Hướng dẫn nêu rõ sau ngày 30.4.2015, thí sinh không được đổi cụm thi, môn thi đã ĐKDT.
Sau khi nhập xong dữ liệu vào phần mềm quản lý thi, cán bộ máy tính in danh sách thí sinh đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT theo mẫu quy định, giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ được phân công để tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận. Thí sinh tự do có thể nộp phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT khi nộp phiếu ĐKDT.
Khi đi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải có giấy chứng minh nhân dân. Trong trường hợp không có giấy chứng minh nhân dân thì phần mềm quản lý thi sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý.
Thí sinh được cấp mật khẩu vào phần mềm quản lý thi
Sau khi nộp phiếu ĐKDT, thí sinh sẽ được đơn vị ĐKDT cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm quản lý tại địa chỉ http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn.
Tài khoản này được thí sinh dùng để đăng nhập vào phần mềm quản lý thi từ khi ĐKDT đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Để bảo mật thông tin, khi nhận được tài khoản và mật khẩu, thí sinh nên thay đổi ngay mật khẩu.
Lưu ý khi khai hồ sơ ĐKDT
Từ ngày 1 – 30.4.2015 là thời hạn thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT. Thí sinh ĐKDT tại cụm thi theo đúng quy định của Bộ.
Hồ sơ ĐKDT gồm 2 phiếu ĐKDT, bản photocopy 2 mặt giấy chứng minh nhân dân trên một mặt giấy A4, 2 ảnh 4 x 6 và một phong bì ghi rõ họ tên, địa chỉ nhận của thí sinh để trong túi đựng hồ sơ theo mẫu của Bộ.
Bộ lưu ý trước khi khai phiếu ĐKDT, thí sinh phải đọc kỹ các mục và hướng dẫn chi tiết các mục ở mặt sau phiếu số 2, điều nào chưa rõ phải hỏi cán bộ thu hồ sơ để được hướng dẫn đầy đủ.
Thí sinh phải ghi đầy đủ các mục ở mặt trước túi hồ sơ, phiếu số 1 và phiếu số 2 rồi nộp cho nơi nhận hồ sơ kèm theo bản sao chụp 2 mặt giấy chứng minh thư nhân dân trên 1 mặt của tờ giấy A4 và 2 ảnh cỡ 4 x 6 kiểu chứng minh thư mới chụp trong vòng 6 tháng (có ghi rõ họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, tỉnh, huyện và mã số đơn vị ĐKDT vào mặt sau tấm ảnh, 2 ảnh này đựng trong một phong bì nhỏ). Ngoài ra phải dán thêm một ảnh vào vị trí đã xác định ở mặt trước túi đựng hồ sơ. Trường phổ thông nơi thí sinh đang học hoặc công an xã phường nơi thí sinh tự do đang cư trú tại địa phương ký tên và đóng một dấu có phần giáp lai lên ảnh.
Nơi thu hồ sơ giữ lại túi hồ sơ, phiếu số 1, bản sao chụp giấy chứng minh thư nhân dân và 2 ảnh, trả lại phiếu số 2 cho thí sinh sau khi đã ký và đóng dấu xác nhận. Thí sinh lưu giữ phiếu số 2 để nhận giấy báo thi, giấy chứng nhận kết quả thi. Trong trường hợp bị thất lạc giấy báo thi hoặc có những sai sót trước lúc thi, thí sinh đem phiếu này trực tiếp tới hội đồng thi tại cụm thi đã đăng ký vào buổi tập trung phổ biến quy chế thi để làm thủ tục dự thi.
|
Tuệ Nguyễn