27/11/2024

Xuất khẩu gạo “tắc” đầu ra, giá gạo có giảm?

Nông dân như ngồi trên lửa do không bán được lúa, các DN xuất khẩu gạo thì gặp khó do gạo tồn kho ngày một nhiều mà không biết bán ở đâu…

 

Xuất khẩu gạo “tắc” đầu ra, giá gạo có giảm?

 

 Nông dân như ngồi trên lửa do không bán được lúa, các DN xuất khẩu gạo thì gặp khó do gạo tồn kho ngày một nhiều mà không biết bán ở đâu…

 

 

 

Khu vực Tây Á, Nam Á, nhu cầu nhập khẩu gạo của Iran, Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Bangladesh… dao động từ 3-5 triệu tấn/năm
Kim ngạch xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2015 (tính đến ngày 20-3) và so với cùng kỳ những năm trướcDữ liệu: T.Mạnh (theo VFA) - Ảnh: Vân Trường, đồ họa: V.Cường
Kim ngạch xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2015 (tính đến ngày 20-3) và so với cùng kỳ những năm trước Dữ liệu: T.Mạnh (theo VFA) – Ảnh: Vân Trường, đồ họa: V.Cường

Từ đầu năm đến nay, trong số các quốc gia xuất khẩu gạo chính chiếm 80% gạo thương mại toàn cầu, chỉ có VN giảm xuất khẩu, rơi từ vị trí thứ ba xuống thứ tư sau Pakistan. Các quốc gia còn lại đều tăng lượng bán hàng như Thái Lan tăng 10%, Ấn Độ tăng trên 50% và Pakistan tăng 22%.

Bí đầu ra

Gần một tháng qua, ông Lâm Anh Tuấn – giám đốc Công ty lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) – tất bật lo mua gạo tạm trữ theo chỉ tiêu của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) giao nhưng cũng mệt mỏi vì tìm kiếm đầu ra.

“Gạo vào kho ngày một nhiều mà hợp đồng mới chưa ký được, doanh nghiệp tạm trữ như chúng tôi đang chịu rủi ro rất lớn” – ông Tuấn cho biết. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng đều trong tình trạng tương tự, khó tìm đầu ra cho hạt gạo kể từ cuối năm ngoái đến nay.

Theo thống kê của VFA, xuất khẩu gạo của VN từ đầu năm 2015 đã giảm mạnh so với cùng kỳ 2014. Phần lớn lượng hàng đã giao trong những tháng đầu năm nay lại đến từ các hợp đồng cuối năm 2014 chuyển sang hoặc các hợp đồng tập trung ký vào đầu năm 2015.

Các hợp đồng thương mại chiếm số lượng rất ít và trở nên khan hiếm trong thời gian gần đây do khách hàng đang chờ đợi một mặt bằng giá mới thấp hơn. Một nguồn tin từ VFA cho biết với số hợp đồng đã ký thấp như đầu năm 2015, lượng gạo hàng hóa tồn kho chuyển từ quý 1-2015 sang quý 2-2015 ước đạt trên 2 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Cộng với nguồn cung gạo vụ hè thu từ tháng 6-2015 trở đi, áp lực tiêu thụ gạo của VN trong các tháng cuối năm vẫn còn rất lớn.

Gạo VN khó bán bởi đầu ra vẫn chủ yếu phụ thuộc vào một số thị trường gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia. Các thị trường ở xa hơn như châu Phi, những năm qua VN đã mất dần thị phần vào các đối thủ như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ và Myanmar.

Trong khi đó, các thị trường lớn của VN tại châu Á cũng đã thay đổi cách mua gạo vì nguồn cung đang dư thừa, nhất là lượng hàng tồn kho của Thái Lan vẫn ở mức trên 10 triệu tấn, có thể xả hàng bất cứ lúc nào. “Philippines hay Indonesia không còn mở các gói thầu lớn như trước nữa mà mở dần dần vì có kho gạo của Thái Lan đảm bảo trong trường hợp khẩn cấp” – ông Tuấn phân tích.

Bản thân Thái Lan cũng tìm mọi cách xuất khẩu gạo tồn kho đang giảm chất lượng theo thời gian. Nếu như trước đây các hợp đồng của Philippines, Indonesia thường về tay VN vì ra giá thấp nhất thì từ năm 2014 trở lại đây, Thái Lan đang dần chiếm vị trí là nhà cung cấp gạo hàng đầu cho các quốc gia này vì họ còn chào giá thầu thấp hơn VN.

Trung Quốc ép giá gạo tiểu ngạch

Theo chuyên gia Nguyễn Đình Bích, hoạt động xuất khẩu gạo VN thật ra đã gặp khó từ vài năm trước khi các thị trường chính là Philippines, Indonesia hay Malaysia giảm nhập khẩu.

Tuy nhiên từ năm 2012, Trung Quốc đột ngột tăng lượng nhập khẩu gạo từ VN nên đã giải quyết tình trạng tồn kho trong nước. Chỉ riêng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, Trung Quốc đã mua của VN tới 1,5 triệu tấn trong năm 2013 và tăng lên 2 triệu tấn vào năm ngoái.

Từ cuối năm 2014 đến tháng 2-2015, Trung Quốc tuyên bố cấm biên đối với các hoạt động buôn bán gạo tiểu ngạch, tình hình xuất khẩu gạo qua biên giới phía Bắc của các doanh nghiệp VN trở nên đình trệ.

Dù Trung Quốc đã nới lỏng việc kinh doanh gạo tiểu ngạch từ tháng 3 nhưng chưa thể giúp xuất khẩu gạo của VN khả quan hơn.

“Gạo mình nhiều mà đầu ra gặp khó nên thương nhân Trung Quốc cũng lợi dụng tình hình đó ép giá. Họ làm thế từ xưa đến nay chứ không chỉ riêng năm nay” – ông Lâm Định Quốc, giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết. Cũng theo ông Quốc, không chỉ bị ép giá, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc còn chịu rủi ro lớn về thanh toán.

Ông Lâm Anh Tuấn phân tích thêm đối với doanh nghiệp VN xuất khẩu tiểu ngạch là hợp pháp, nhưng bên Trung Quốc thường là buôn lậu. Do thuế nhập khẩu chính ngạch cao (17%), cộng thêm phí cấp hạn ngạch nhập khẩu (70-80 USD/tấn) nên các thương nhân Trung Quốc thường trốn thuế để đưa gạo vào nội địa tiêu thụ.

“Khi giá nội địa quá cao, cơ quan chức năng Trung Quốc nới lỏng kiểm soát để bình ổn thị trường, còn nay giá gạo cả thế giới đều giảm, ngoài VN còn có gạo Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ và Pakistan muốn bán cho Trung Quốc nên xuất khẩu gạo vào Trung Quốc không còn dễ như các năm trước nữa” – ông Tuấn nói.

Bài toán giá thành

Theo ông Nguyễn Đình Bích, xuất khẩu gạo của các nước nói trên tăng vì họ có thị trường khá rộng trong khi VN phụ thuộc vào một số ít thị trường. Ngoài lượng gạo tồn kho chất lượng thấp phải bán với giá rẻ, Thái Lan còn có một lượng lớn gạo cao cấp có chất lượng, có thương hiệu được bán trên toàn thế giới. Ấn Độ và Pakistan lại đang chiếm giữ thị trường châu Phi do vị trí địa lý và giá bán cạnh tranh hơn nhiều so với gạo của VN.

“Bài toán đa dạng hoá thị trường và xây dựng thương hiệu cho gạo VN đã được đặt ra từ nhiều năm nhưng chưa có lời giải. Với tình hình thương mại gạo thế giới như hiện nay, VN cần phải đẩy mạnh hơn nữa chiến lược này trong thời gian tới” – ông Bích cho biết.

Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lại cho rằng xây dựng thương hiệu là kế hoạch lâu dài, còn trước mắt VN cần phải xem lại giá thành sản xuất lúa gạo trong nước. Không chỉ có VN mới bán gạo xô (phân chia theo tỉ lệ tấm như 5%, 10% và 25%) mà hầu hết quốc gia xuất khẩu khác đều có chủng loại gạo này.

Tuy nhiên, giá gạo của VN thời gian qua đã ở mức cao hơn nhiều so với gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và Campuchia nên rất khó bán. “Cùng chủng loại gạo, người mua sẽ chọn người bán rẻ nhất để ký hợp đồng. VN cần xem lại tại sao giá thành gạo của mình cao hơn các nước khác mà nông dân vẫn than không có lời” – giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói.

Còn theo ông Tuấn, chương trình tạm trữ lúa gạo triển khai từ đầu tháng 3-2015 đến nay đã giúp giá lúa gạo trong nước tăng lên, nhưng giá thành mua gạo trong các tháng đầu năm nay về đến kho của các doanh nghiệp đã lên mức 360-365 USD/tấn (loại 5% tấm).

Trong khi đó, giá chào bán gạo cùng loại của VN cũng ở mức này. “Nếu sau thời gian tạm trữ ngày 15-4 cũng là lúc giao hết hợp đồng gạo đã ký cho Philippines mà VN không có thêm các hợp đồng mới, giá gạo xuất khẩu sẽ giảm nữa và các doanh nghiệp sẽ bị lỗ” – ông Tuấn nhận định.

Tiêu thụ lúa chậm

Dù đang vào đợt thu hoạch rộ, nhưng tiến độ mua tạm trữ lúa gạo tại An Giang và Kiên Giang vẫn còn chậm. Nhiều cánh đồng lúa chưa thể thu hoạch sớm vì vắng bóng thương lái đến mua.

Ở những nơi giao thông thuận tiện, thương lái rảo xuống đồng xem lúa, ngả giá mua tại ruộng loại hạt tròn 4.300 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.500 đồng/kg, nhưng chỉ đặt cọc trước và hẹn đến cuối tháng mới cho thu hoạch. Theo các thương lái, doanh nghiệp vẫn mua gạo xô với giá khoảng 6.350 đồng/kg nên giá lúa không thể tăng lên được.

Ông Huỳnh Văn Gành, giám đốc Sở Công thương Kiên Giang, thừa nhận tiến độ mua tạm trữ trên địa bàn khá chậm do các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, chưa kể thủ tục cho vay ưu đãi mua gạo tạm trữ chậm được hướng dẫn.

Trong số bảy doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo, đến nay chỉ mới có bốn doanh nghiệp được các ngân hàng giải ngân vốn vay để mua với tổng sản lượng mua được hơn 30.000 tấn, chưa đến một nửa so với chỉ tiêu (77.000 tấn).

Các doanh nghiệp tại An Giang đã mua hơn 137.310 tấn, đạt 52,46%. Tuy nhiên, do lượng lúa hàng hóa khá lớn với trên 1,5 triệu tấn nên việc tiêu thụ lúa cho nông dân nói chung vẫn còn chậm.

Đ.VỊNH

TRẦN MẠNH