27/11/2024

Cơ hội nâng tầm vóc doanh nghiệp Việt

Với quan điểm lĩnh vực nào mà tư nhân làm được phải giao cho tư nhân, nhà nước chỉ đứng ở vị trí nhà quản lý chính sách, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mạnh dạn để cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư sân bay, cảng biển là cơ hội nâng tầm vóc, vị thế doanh nghiệp Việt.

 

Cơ hội nâng tầm vóc doanh nghiệp Việt

 

Với quan điểm lĩnh vực nào mà tư nhân làm được phải giao cho tư nhân, nhà nước chỉ đứng ở vị trí nhà quản lý chính sách, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mạnh dạn để cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư sân bay, cảng biển là cơ hội nâng tầm vóc, vị thế doanh nghiệp Việt.

 

 

 

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được Bộ GTVT đề xuất lên Chính phủ chọn thí điểm nhượng quyền quản lý, khai thác - Ảnh: Mai VọngCảng hàng không quốc tế Phú Quốc được Bộ GTVT đề xuất lên Chính phủ chọn thí điểm nhượng quyền quản lý, khai thác – Ảnh: Mai Vọng
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại, người từng có nhiều bài viết, ý kiến ủng hộ việc nên dùng một cụm từ “doanh nghiệp dân tộc” trong luật Doanh nghiệp (DN) nhằm xóa khoảng cách và phân biệt giữa hai khái niệm DN nhà nước và DN tư nhân tại VN, nhận định: “Chúng ta đã làm ăn với nhà đầu tư nước ngoài hơn 30 năm và cũng có từng đó thời gian giới đầu tư tư nhân trong nước có cơ hội học hỏi, thử thách và cạnh tranh với DN ngoại, đến nay, DN tư nhân đã trưởng thành hơn nhiều. Thực tế, trước đổi mới, không có tư nhân đầu tư vào trường học, bệnh viện… nay đã có rất nhiều tư nhân trong nước đã đầu tư và làm rất tốt các trường, bệnh viện đạt chuẩn quốc tế. Thế nên, với các lĩnh vực cảng hàng không, cảng biển mà mấy hôm nay báo chí đề cập nhiều về đầu tư tư nhân nội, tôi nghĩ đây đúng là giai đoạn ấy. “Đã đến lúc tạo cơ hội để đầu tư tư trong nước bắt tay vào thực hiện các dự án lớn để nâng tầm vóc và vị thế của DN Việt”, ông Nguyễn Mại nói.
Thí điểm với nhà đầu tư có thực lực
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy Fulbright, khẳng định tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng như cảng, sân bay lúc này là rất đáng ủng hộ do ngân sách nhà nước không thể tiếp tục bỏ ra để đầu tư nữa trong bối cảnh nợ công đang tăng. Mặt khác, năng lực quản lý các DN khối nhà nước với các dự án hạ tầng nay đã lộ rõ nhiều điểm yếu kém. Khu vực kinh tế nhà nước hiện không đảm bảo cho các dự án công có hiệu quả như kỳ vọng.
Như vậy, tư nhân tham gia sẽ giải quyết các bức xúc hiện nay, giải quyết được nguồn vốn trái phiếu chính phủ, mà nếu tiếp tục phát hành sẽ chèn lấn khu vực tư nhân, rất không hay trong bối cảnh kinh tế thị trường. “Theo tôi, khối đầu tư tư nhân như Sun Group, Vingroup, T&T… tham gia vào khu vực đầu tư công sẽ giải quyết bài toán nguồn lực và quản trị chuyên nghiệp. Vì mục đích tối ưu hoá lợi nhuận, họ sẽ phải biết cách sắp xếp quản trị thế nào để có hiệu quả nhất. Tôi chắc chắn tư nhân VN làm sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn giao DN nhà nước quản lý”, ông Tuấn khẳng định.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, việc cổ phần hóa các công ty nhà nước lớn, mời gọi vốn đầu tư tư nhân cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, theo ông Tuyển, thời gian của chúng ta còn quá ít, đặc biệt với một số ngành như hàng hải đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng lợi nhuận để giúp ngành vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay do lượng hàng hoá và cước phí vận chuyển đang bị giảm mạnh. “Việc cổ phần hoá ngành này là đòi hỏi cần thiết”, ông Tuyển nhấn mạnh. Đồng ý nên mạnh dạn giao vào tay các “anh” tư nhân có năng lực thực sự về tài chính, quản lý để khai thác tốt.
Nhật không bán sân bay cho nhà đầu tư ngoại
Về quan điểm cho rằng, tránh việc trao độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân, theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, không có gì phải lo lắng. Bởi với những dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang tính độc quyền tự nhiên do rào cản gia nhập ngành này không dễ. Vì thế, nhà nước phải biết điều tiết định giá độc quyền để hạn chế tối đa điều này. Tuy nhiên làm thế nào để có mức giá hợp lý, tăng quyền tiếp cận của người tiêu dùng nhưng đừng tăng hành vi rủi ro, giảm động lực của nhà đầu tư tư là điều cần lưu ý.
“Hạ tầng là lĩnh vực không dễ đầu tư và dễ tạo rủi ro. Nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không và cảng biển thường gặp 2 rủi ro về mặt chính trị, điều tiết. Thứ hai là khó xác định tỷ suất lợi nhuận. Thế nên, để tạo thuận lợi và khuyến khích khối đầu tư tư, nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh giữa các nhà đầu tư tham gia, công khai minh bạch trong hoạt động đấu thầu, chọn nhà đầu tư. Quan trọng nhất họ có năng lực tài chính, năng lực quản trị tốt mà các tập đoàn qua báo chí đã nêu, tôi nghĩ họ có những phẩm chất đó” – ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, Singapore, Úc là hai quốc gia hiện có hệ thống cảng biển tốt nhất thế giới đều do khu vực tư nhân đầu tư khai thác và vận hành hiệu quả cực kỳ. Cảng ở Mỹ không thành công bằng do vốn đầu tư của chính quyền liên bang vẫn còn cao. Vì vậy giao cho tư nhân là chủ trương đúng đắn và cần được ủng hộ.
Theo ông Nguyễn Mại, với những nhà đầu tư nội có tâm huyết và muốn làm “cái gì đó” cho đất nước, nên có cơ chế nhằm bảo đảm khuyến khích cạnh tranh, cạnh tranh một cách lành mạnh, bình đẳng. Thực tế, DN VN không kém cạnh nếu so với DN các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore… song các nước đó có cơ chế rõ ràng minh bạch ngay từ đầu, cởi mở và tạo điều kiện tối đa để họ hoạt động, quan trọng là có niềm tin vào họ. Bởi vậy số triệu phú và tỉ phú các nước này mới cao hơn VN”, ông Mại nói.
Đại diện một DN Việt đang hoạt động trong lĩnh vực logistic tại Nhật chia sẻ, ngành cảng biển của Nhật thành công nhờ chính sách ủng hộ các nhà đầu tư tư nhân hoạt động mạnh trong lĩnh vực này. “Các tập đoàn điện tử của Nhật đều có cổ phần lớn tại các lĩnh vực hàng không, vận tải biển. Những ngành này đã được xã hội hoá từ rất lâu và thành công lớn nhờ được tư nhân đầu tư mạnh và nhà nước quản lý rất tốt. Chẳng hạn, ngay khi muốn tham gia, xem xét thấy DN có năng lực tốt, chính phủ ngay lập tức tạo điều kiện tối đa bằng chính sách để DN trong nước Nhật tham gia, trước khi mời thầu nước ngoài. Chính phủ Nhật rất coi trọng đầu tư tư nhân nội địa. Điều này cũng có thể lý giải tại sao nhiều nước phát triển khác bán sân bay cho nước ngoài nhưng Nhật thì không”, doanh nhân này chia sẻ.
Cũng đồng ý quan điểm làm thí điểm, song theo chuyên gia tư vấn đầu tư Đỗ Hoà, người có nhiều kinh nghiệm làm việc với các tập đoàn toàn cầu cho rằng, VN đã làm thí điểm với cảng biển và đã có kết quả khả quan. “Cảng biển Hải Phòng là cảng biển lớn nhất miền Bắc, có vốn điều lệ trên 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nhà nước vẫn đang nắm phần vốn gần 95%. Cổ phần hóa đang không dễ do năng suất ở đây không đạt như kỳ vọng. Theo thông tin từ chính Bộ trưởng Bộ GTVT là lượng hàng hoá qua khu vực Hải Phòng năm qua tăng 20% trong khi hàng hoá qua cảng chỉ tăng 5%. Cũng tại địa phương đó, cảng Hải An sau khi giao cho tư nhân quản lý năng suất được khai thác hết mức và rất toàn dụng”, ông Hoà cho biết.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM ủng hộ chủ trương nhượng quyền khai thác sân bay cho tư nhân. Tuy nhiên theo ông, việc này phải làm sao cho thật công bằng, bởi chỗ này chỗ nọ trên thế giới vẫn có tình trạng hãng hàng không này quản lý nhà ga này thì hãng hàng không khác tới sẽ bị thiệt thòi. Phải làm sao tách bạch việc khai thác với lợi ích riêng của hãng đó. Tôi nghĩ việc này rất hay và rất quan trọng, thể hiện một chủ trương lớn, do vậy nên làm thí điểm, vì mình chưa có chính sách, cơ chế cho chủ trương này bao giờ.
Mai Vọng

Nguyên Nga