Du lịch Việt Nam: Quảng bá chia phần, visa rắc rối
Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khiến du khách quốc tế đến VN giảm là do khâu quảng bá yếu kém, thủ tục visa gây khó khăn cho du khách…
Du lịch Việt Nam: Quảng bá chia phần, visa rắc rối
Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khiến du khách quốc tế đến VN giảm là do khâu quảng bá yếu kém, thủ tục visa gây khó khăn cho du khách…
Hồ Gươm – Ảnh: Alamy/Guardian |
Nguồn: VNAT – Đồ hoạ: Việt Anh |
Bên cạnh nghèo nàn, cũ kỹ về các sản phẩm du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khiến du khách quốc tế đến VN giảm là do khâu quảng bá yếu kém, thủ tục visa gây khó khăn cho du khách…
Sau nhiều năm tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB (Berlin, Đức), năm 2015 khu vực gian hàng của ngành du lịch VN mới có diện mạo mới. Theo ông Vũ Thế Bình – phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN (VITA), nguyên vụ trưởng Vụ lữ hành của Tổng cục Du lịch VN (VNAT), những năm trước tham gia ITB toàn bộ gian hàng của du lịch VN tại hội chợ chuyên ngành du lịch này gần như được khoán trắng cho Vietnam Airlines (VNA) nhưng năm nay đã được chuyển sang cho VNAT chủ trì và triển khai các hoạt động.
Tổ chức chưa khoa học
Du khách đến Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Theo ông Vũ Thế Bình, nhiều năm liền trước đây ngành du lịch thường tự làm ngôi nhà chung cho các doanh nghiệp và hàng không với cách tổ chức chưa khoa học, nhiều đơn vị du lịch đã tách dần ra khỏi ngôi nhà chung khiến cho gian hàng giới thiệu điểm đến VN tại hội chợ chuyên ngành lớn nhất nhì thế giới này “vắng như chùa bà đanh”.
“Làm quảng bá xúc tiến du lịch mà giống như đi chia phần. Tại VNAT, sự kiện này năm nay cử Vụ thị trường đi, năm sau đến Vụ lữ hành, sang năm nữa giao cho hàng không…. Thử hỏi cứ như thế bao giờ mới có chuyên gia có kinh nghiệm, kiến thức hiểu biết sâu về thị trường, về từng nhóm khách hàng để xúc tiến giới thiệu quảng bá điểm đến VN một cách hiệu quả?” – ông Bình bức xúc.
Vẫn theo ông Bình, cách thức quảng bá cũng rất cũ: cách trình bày, giới thiệu thông tin về vẻ đẹp nông thôn, thiên nhiên, con người, mái đình mái chùa, di sản văn hóa VN chung chung bằng các hình chiếu slide, clip ngắn… không được tiếp cận dưới dạng công nghệ, trong khi các quốc gia khác họ đã nâng tầm quảng bá này lên như một loại hình nghệ thuật, áp dụng công nghệ tương tác rất ấn tượng. Một số quốc gia chỉ cần xem qua là du khách biết nên đi xem cái gì, ăn cái gì, ngủ ở đâu, mua sắm cái gì…
Cũng vừa tham gia ITB trở về, ông Lương Hoài Nam, giám đốc Công ty hàng không Hải Âu, cho biết dù đã có diện mạo mới hơn nhiều năm trước nhưng không gian giới thiệu tiềm năng du lịch của đất nước VN lại nhỏ hơn không gian giới thiệu tiềm năng du lịch của một tỉnh Thái Lan.
Theo ông Nam, VN không có các hoạt động trước và ngoài hội chợ như quảng bá trên các kênh truyền hình chuyên về du lịch, trên báo chí nước ngoài, tài trợ các chương trình game show, sự kiện lớn nhiều người quan tâm… như các quốc gia khác.
“Chủ đề nổi bật của du lịch VN so với các quốc gia khác trong khu vực ở ITB không rõ nét, không tạo nên sự khác biệt. Độ nhận biết, cá tính của du lịch VN còn mờ nhạt chưa rõ” – ông Nam kết luận.
Du lịch Việt Nam yếu khâu quảng bá. |
Visa thêm khó
Quảng bá yếu, không chuyên nghiệp, du lịch VN còn tự trói chân mình với chính sách cấp thị thực (visa) cứng nhắc, chỉ nhìn thấy lợi thế ngắn hạn phía trước làm VN trở nên bị bất lợi hơn nhiều nếu so với các quốc gia khác.
Tiếp chúng tôi sau nhiều cuộc làm việc với các công ty du lịch đối tác tại TP.HCM vào trung tuần tháng 3-2015, ông Takahiko Ohata, chủ tịch Hiệp hội Các nhà lữ hành nước ngoài Nhật Bản (OTOA), lắc đầu ngao ngán: “Khách Nhật giờ không còn chọn đến VN nữa vì chính sách visa không thuận lợi. Thành viên OTOA và các đối tác VN đau hết cả đầu nhưng không thể nào thuyết phục họ được”.
Theo ông Ohata, trước đây khách Nhật đến VN vô cùng thoải mái vì họ được miễn visa trong vòng 15 ngày. Lộ trình được nhiều du khách Nhật chọn là bay đến TP.HCM hoặc Hà Nội nghỉ vài ngày, sau đó bay tiếp sang Siem Reap (Campuchia) tham quan rồi quay trở lại VN nghỉ thêm một đêm rồi về Nhật.
Với quy định mới (có hiệu lực từ ngày 1-1), muốn thực hiện hành trình như vậy khách Nhật buộc phải làm thủ tục xin visa vào VN, vừa mất thêm chi phí (tăng thêm ít nhất khoảng 1,26 triệu đồng) vừa tốn thời gian, trong khi nếu chọn cách bay qua Bangkok (Thái Lan) chi phí rẻ hơn so với đến VN.
“Vấn đề không chỉ là chi phí mà họ bị buộc phải mất thời gian để làm thủ tục cho một hành trình từng được ưu đãi rất nhiều” – ông Ohata kết luận.
Thậm chí một số ít khách muốn đến VN và chọn cách lấy visa tại cửa khẩu (visa on arrival) cũng chào thua vì thủ tục không rút gọn so với thủ tục thông thường: khách vẫn phải khai thông tin trên mạng, chờ được cấp số visa mới đến cửa khẩu (ở sân bay) đưa các thông tin này cho nhà chức trách thì mới được cấp visa.
“Các quy định này không khuyến khích khách Nhật đến VN du lịch. Chúng tôi đã góp ý với Đại sứ quán VN tại Nhật nhưng họ trả lời không thể thay đổi” – ông Ohata nói.
Trong khi đó, các nước thành viên khu vực tiểu vùng sông Mekong đang tích cực triển khai nhiều kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch, triển khai thị thực chung, xây dựng sản phẩm liên kết giữa năm quốc gia theo đường hàng không, bộ, thủy, thực hiện đề án dùng chung một loại visa cho cả khu vực.
Tuy nhiên, hiện chỉ còn VN, Myanmar chưa thực hiện được việc này, Lào dự kiến sẽ sớm tham gia cùng Thái Lan và Campuchia. Riêng Myanmar đang chuẩn bị áp dụng visa điện tử (e-visa), du khách xin visa chỉ cần đăng ký, được cấp mã, đến biên giới trình mã này ra sẽ được cấp visa ngay. VN chưa thể làm được vì các đại sứ quán VN ở nước ngoài vẫn muốn có một nguồn thu từ việc xin cấp visa.
Làm miếng bánh to hơn
Ngắm Hạ Long từ thủy phi cơ – Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ |
Trở lại câu chuyện quảng bá, mặc dù tham gia ITB liên tục nhiều năm qua nhưng ngành du lịch VN vẫn không chủ động được vị trí, diện tích gian hàng do không biết sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp cùng tham gia, có bao nhiêu tiền để thuê diện tích… từ đó tập trung dành thời gian làm kịch bản quảng bá thật hiệu quả, trang trí, thiết kế gian hàng thật đẹp.
Góp ý vấn đề này, ông Lương Hoài Nam, cho rằng nên có kế hoạch ổn định 3-5 năm tới ở các sự kiện du lịch chuyên nghiệp trên thế giới, rồi từ đó có thể xây dựng một khu VN có cá tính mạnh, có kịch bản quảng bá xứng tầm một quốc gia.
“Ngành du lịch luôn bảo không có tiền làm quảng bá, trong khi đóng góp trực tiếp và gián tiếp trong GDP đã vượt hơn 10%” – ông Nam thắc mắc. Theo ông Nam, du lịch Mông Cổ mỗi năm chỉ đón hơn 500.000 lượt khách, nhưng năm 2014 ngành du lịch nước này đã đăng ký trở thành quốc gia đối tác chính thức (official partner country) của ITB bằng chi phí đóng góp là 2,5 triệu USD.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành du lịch TP.HCM năm 2014, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng VNAT, cho biết cơ quan này sẽ bàn với VITA, các địa phương cách xây dựng quỹ phát triển du lịch theo hình thức hợp tác công – tư. Chẳng hạn đóng góp trực tiếp của doanh nghiệp hoặc phụ thu trực tiếp từ khách du lịch thông qua số đêm lưu trú.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho rằng nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để xây dựng quỹ phát triển du lịch. Chẳng hạn doanh nghiệp tham gia quỹ này đổi lại sẽ được ưu tiên dành cho nguồn quỹ đất để xây dựng khách sạn, resort… phục vụ du lịch.
Kiến nghị miễn visa cho nhiều nước Theo VNAT, các nước trong khu vực về cơ bản họ đã miễn visa đơn phương hoặc song phương cho các quốc gia trọng điểm của họ. Indonesia đã miễn song phương và đa phương cho 15 quốc gia, Malaysia đã miễn 150 nước (trong đó đơn phương miễn cho 80 nước), Singapore miễn 152 nước (trong đó có 82 nước miễn đơn phương), Thái Lan miễn 61 nước (49 nước miễn đơn phương). Tại VN, đang miễn thị thực trong vòng 15 ngày với công dân bảy nước Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Đồng thời áp dụng hệ thống miễn thị thực trong thời hạn 30 ngày cho khách du lịch đến từ các nước ASEAN (trừ Brunei trong thời hạn 14 ngày). Ngoài ra, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA) Nguyễn Thị Khánh cho biết đã kiến nghị Chính phủ sớm xem xét miễn thị thực visa thêm các thị trường: Úc, New Zealand, Thuỵ Sĩ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Brazil, Ấn Độ, Latvia, Estonia nhưng lâu nay vẫn chưa có phản hồi. |