Trung Quốc quyết liệt “săn cáo” ở nước ngoài
Hàng trăm quan chức tham nhũng cùng tài sản họ tẩu tán ra nước ngoài đã được thu hồi trong chiến dịch “săn cáo” do Bộ Công an Trung Quốc thực hiện từ năm 2014.
Trung Quốc quyết liệt “săn cáo” ở nước ngoài
Hàng trăm quan chức tham nhũng cùng tài sản họ tẩu tán ra nước ngoài đã được thu hồi trong chiến dịch “săn cáo” do Bộ Công an Trung Quốc thực hiện từ năm 2014.
Du Chấn Đông (phải), nguyên giám đốc chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc ở Khai Bình, Quảng Đông, tự nguyện trở về Trung Quốc chịu tội sau khi đào tẩu sang Mỹ năm 2004 – Ảnh: AFP |
Từ khi “săn cáo” được phát động, hơn 500 quan chức chạy trốn với hơn 3 tỉ nhân dân tệ (484,32 triệu USD) tài sản đã được đưa trở về Trung Quốc.
Với các trường hợp trốn ở các quốc gia mà Bắc Kinh chưa ký hiệp định dẫn độ tội phạm kinh tế như Mỹ, Úc và Canada, những yêu cầu từ phía Bắc Kinh vẫn được các nước này thực hiện theo Hiệp định chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc.
Cử trinh sát “thuyết phục”
Trang web của Ủy ban Thanh tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) hôm 18-3 chính thức cho biết chiến dịch quốc tế này do Văn phòng hồi hương những kẻ trốn ra nước ngoài và khôi phục tài sản chỉ huy.
Bí thư Tỉnh uỷ Vân Nam Lý Ký Hằng cho biết CCDI đã cắt cử trinh sát đến 31 quốc gia trên thế giới nhằm “triệu hồi” các quan chức tham nhũng. CCDI cũng có 62 “đặc vụ” chống tham nhũng đang làm việc trong các đại sứ quán và lãnh sự quán ở các nước trên thế giới.
Nhiệm vụ của các trinh sát chủ yếu là thuyết phục các quan chức đào tẩu “từ bỏ cuộc sống lưu vong”.
Đối với các trường hợp không thuyết phục được người trong cuộc thì họ sẽ tìm cách trưng ra bằng chứng phạm tội rửa tiền hoặc gian lận thị thực của “đương sự” cho chính quyền nước sở tại, để các nước này ra quyết định trục xuất vì vi phạm luật nhập cư.
Thậm chí, các trinh sát “săn cáo” còn trưng ra bằng chứng liên quan đến các tội danh khác để các nước này có thể khởi tố “những kẻ đào tẩu” theo luật của địa phương.
Gần nhất, hôm 19-3, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết sẽ trục xuất cựu giám đốc Công ty Lưu trữ lương thực của Chính phủ Trung Quốc Kiều Kiến Quân và vợ cũ Triệu Thế Lan với cáo buộc rửa tiền và gian lận thị thực nhập cảnh. Triệu Thế Lan bị bắt ở Washington và không được tại ngoại, trong khi Kiều Kiến Quân vẫn còn đang lẩn trốn.
Trợ lý công tố viên Mỹ ở Los Angeles Ronald Cheng cho biết bà Triệu bị trục xuất là do đã vi phạm luật nhập cư Mỹ khi kết hôn giả để có thị thực ở lại và nói dối về nguồn gốc số tiền khổng lồ mang từ Trung Quốc sang để mua nhà ở Seattle.
Số tiền này được cho là do Kiều Kiến Quân kiếm chác bất chính khi còn làm giám đốc kho lương thực ở Hà Nam từ năm 1998-2011. Các đặc vụ Mỹ đã đến Trung Quốc để tìm kiếm thu thập chứng cứ trước khi chính thức buộc tội họ.
Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi ngay sau đó nhấn mạnh trường hợp của vợ chồng Kiều Kiến Quân là một trong năm vụ quan trọng mà Mỹ và Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc săn lùng “quan tham đào tẩu” từ Trung Quốc.
“Săn cáo” ở nước giàu
Tạp chí Tài Kinh dẫn lời giám đốc Viện luật hình sự quốc tế thuộc Trường ĐH Sư phạm Bắc Kinh Hoàng Phong nhấn mạnh: “Năm 2014, Trung Quốc tập trung săn quan chức tham nhũng ở các nước gần Trung Quốc. Năm 2015 chúng tôi chuyển hướng tập trung sang những nước phát triển, nơi các quan chức tham nhũng thích đến như Mỹ và Úc”.
Tờ Financial Times hôm 19-3 cho biết Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng đang chuẩn bị thăm Mỹ. Giới chuyên gia nhận định với vị trí kiêm nhiệm chủ nhiệm CCDI, chuyến đi này của ông Kỳ Sơn sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Washington trong việc truy lùng giới chức tham nhũng đang lẩn trốn ở đây.
Cùng lúc, truyền thông Úc đang rộ lên tin tức năm nay CCDI cũng sẽ mở chiến dịch săn giới chức tham nhũng Trung Quốc đang lẩn trốn ở nước này. Cụ thể là cựu tổng giám đốc Công ty Điện lực quốc gia Trung Quốc Cao Nghiêm.
Ông này được cho là đã trốn sang Úc sau khi bỏ túi hàng triệu USD từ các dự án điện quốc gia. “Trung Quốc sẽ tăng cường để đưa ông ta trở về và yêu cầu sự trợ giúp từ Chính phủ Úc” – bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Lý Ký Hằng nhấn mạnh.
Báo Úc Australian Financial Review trước đó cho biết con trai của Cao Nghiêm đã lập nhiều công ty ở Úc, trong đó có công ty đầu tư phát triển bất động sản ở Sydney. Cao Nghiêm nổi tiếng tham nhũng từ khi còn là lãnh đạo tỉnh Vân Nam từ năm 1995.
Sau này khi trở thành người đứng đầu công ty điện quốc gia, họ Cao đã dùng quyền lực để giành hợp đồng thầu trong các dự án điện quốc gia cho con trai của mình.
Theo báo South China Morning Post, tài sản tịch thu được từ các quan chức tham nhũng này được chuyển về Trung Quốc qua nhiều đường khác nhau. Có thể từ các thỏa thuận luật pháp đã được ký kết song phương giữa Trung Quốc và các nước hoặc do đương sự tự nguyện giao nộp.
Công bố thư “hối lỗi” Mới đây, CCDI cho công bố thư “hối lỗi” của cựu bí thư Thành uỷ thành phố Phòng Thành (tỉnh Liêu Ninh) Vương Quốc Cường – người đã cao chạy xa bay sang Mỹ hơn ba năm qua cùng 200 triệu nhân dân tệ (hơn 32,1 triệu USD). Ba trang thư “hối lỗi” của Vương được công bố trên trang web của CCDI ngày 19-3 như một lời cảnh tỉnh đối với những quan chức đang có ý định trốn ra nước ngoài. Trong thư, Vương kể rằng ông ta và vợ đã phải sống cùng nhiều người trong một căn nhà thuê suốt 2 năm 8 tháng ở Mỹ. Cặp đôi này không dám thuê riêng một căn hộ vì quan ngại phải trình hộ chiếu. Vương còn kể một loạt khó khăn phải đối mặt khi sống cuộc sống của kẻ “đào tẩu” đến Mỹ. Thậm chí có bệnh cũng không thể đi bệnh viện, không dám liên lạc với người thân, bạn bè và ngay cả con gái đang ở Mỹ. Hàng tá rắc rối gặp phải ở Mỹ khiến Vương và vợ phải rơi vào trầm cảm. Hai vợ chồng Vương đã nghĩ đến việc quay về Trung Quốc. “Nếu phải lựa chọn giữa đi tù ở Trung Quốc hay ở lại Mỹ làm kẻ chạy trốn, tôi thà đi tù” – quan tham Vương quyết định. Trong khi đó trang Sputnik cho biết Uỷ ban Cải cách và phát triển của Trung Quốc, nơi có đến 19 quan chức dính tham nhũng trong khoảng thời gian 2013-2014, đã tổ chức cho hơn 200 cán bộ đi tour “tham quan các nhà tù” trong năm 2014 như một biện pháp răn đe. |