Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Rối việc xét nguyện vọng
Nhiều ý kiến tại hội nghị tập huấn thi THPT quốc gia 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19.3 ở TP.HCM xoay quanh vấn đề xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ để tránh rắc rối và tạo công bằng cho thí sinh.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Rối việc xét nguyện vọng
Nhiều ý kiến tại hội nghị tập huấn thi THPT quốc gia 2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19.3 ở TP.HCM xoay quanh vấn đềxét tuyển vào các trường ĐH, CĐ để tránh rắc rối và tạo công bằng cho thí sinh.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đăng ký môn thi kỳ thi THPT quốc gia – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Những thông tin cụ thể về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 cũng đã được công bố tại hội nghị này.
Điểm liệt xét tuyển ĐH, CĐ tăng từ 0 lên 1
Quy chế trước đây quy định điểm liệt trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ là 0. Dự thảo hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy 2015 công bố hôm qua quy định thí sinh (TS) chỉ được tham gia xét tuyển nếu không có môn thi nào trong khối thi dùng để xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống.
|
Cũng theo dự thảo này, TS được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 để đăng ký một trường tối đa là 4 NV theo thứ tự ưu tiên. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển, TS được điều chỉnh NV đã đăng ký. Nếu không trúng tuyển NV1, có thể sử dụng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký tối đa 3 trường và mỗi trường tối đa 4 NV theo thứ tự tiên. Tuy nhiên, trong thời gian từng đợt xét tuyển bổ sung, TS không được rút hồ sơ. TS chỉ được rút hồ sơ nếu không trúng tuyển ở đợt xét tuyển trước để nộp cho đợt tiếp theo. Để thuận lợi cho TS, Bộ khuyến khích các trường nhận và trả hồ sơ đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến.
Xét sao cho công bằng?
Đặc biệt, bản hướng dẫn nêu rõ, khi TS đăng ký hơn một NV vào một trường, các NV của TS đều được xét tuyển bình đẳng. Nếu đủ điều kiện trúng tuyển ở nhiều NV đã đăng ký, TS sẽ chỉ trúng tuyển ở NV có thứ tự ưu tiên cao nhất trong danh sách đăng ký của mình.
Đại diện Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng điều này khó thực hiện và quy định 3 ngày công bố thông tin trên mạng một lần không còn ý nghĩa nữa. Như vậy TS sẽ không biết chắc chắn sẽ đỗ hay không bởi vì ảo rất nhiều và điều ấy sẽ gây thiệt thòi cho TS. Theo đại diện trường này, chỉ nên thực hiện quy chế một đợt có 4 NV ưu tiên từ 1 đến 4. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng nếu TS trúng cả 4 NV thì chỉ được chọn NV1. Tuy nhiên, chính ông Nghĩa cũng băn khoăn trong trường hợp TS trượt NV1 rồi mà xét đến các NV sau nhưng đây lại là NV1 của các TS khác thì xét sao cho công bằng? Ông Nghĩa đề nghị có 2 cách và phải làm rõ thêm trong hướng dẫn. Theo đó, nếu TS có nhiều NV và trúng nhiều NV thì lấy TS có điểm từ cao xuống thấp hoặc TS đã trượt NV1 mà muốn trúng tuyển NV2 cần phải có điểm số cao hơn TS chỉ mới xét NV1.
Mỗi TS một tài khoản để đăng ký, chỉnh sửa, xem kết quả
Một vấn đề cũng nhận được nhiều ý kiến của đại biểu là khai thông tin trong hồ sơ đăng ký dự thi.
Theo đại diện Sở GD-ĐT Vĩnh Long, học sinh làm phiếu đăng ký dự thi và phiếu xét tốt nghiệp, mức độ chính xác của các thông tin đó ai sẽ chịu trách nhiệm vì trong phiếu xét tốt nghiệp chỉ có học sinh và người nhận hồ sơ ký thôi. Vì vậy những thông tin như điểm trung bình môn cuối năm, học lực, hạnh kiểm… thì ai sẽ chịu trách nhiệm về độ chính xác? “Nhiệm vụ của các sở GD-ĐT là kiểm tra, cập nhật số liệu nhưng Sở chỉ giữ phiếu đăng ký dự thi của TS thôi thì cơ sở để kiểm tra dữ liệu này rất khó. Chúng tôi chỉ có thể tổng hợp dữ liệu và gửi về Bộ thôi chứ không thể dựa vào cơ sở nào để kiểm tra thông tin đó đúng hay sai. Trong hướng dẫn có chỉ rằng khi nhận hồ sơ đăng ký dự thi của TS thì phải tạo tài khoản cho TS, việc tạo tài khoản sẽ diễn ra lúc nào?”, vị đại diện thắc mắc.
Về điểm này, đại diện Bộ cho biết trường THPT sẽ nhập dữ liệu TS và công bố công khai trên mạng. Mỗi TS khi nộp phiếu đăng ký dự thi được nơi tiếp nhận cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm tuyển sinh tại địa chỉ: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Tài khoản này TS dùng từ khi đăng ký dự thi đến xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Trong đó, TS sẽ xem thông tin và chỉnh sửa hồ sơ sai sót, xem giấy báo dự thi, địa điểm thi… Ngoài ra, tới tận sáng 30.6, TS đến làm thủ tục dự thi nhận thẻ dự thi, vẫn tiếp tục được chỉnh sửa hồ sơ. Đến lúc đó, phần mềm sẽ mở để các cụm thi điều chỉnh và lưu lại đơn xin sửa chữa của TS. Thời điểm này, các sở GD-ĐT và các trường THPT không vào hệ thống phần mềm được.
Liên quan đến mẫu đăng ký xét tuyển, theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, mẫu này cần chi tiết hơn nữa, chẳng hạn cần bổ sung thêm phần mã ngành, tổ hợp dùng để xét tuyển. TS Chính cũng đặt ra vấn đề các trường có bắt buộc sử dụng mẫu chung này hay được quyền điều chỉnh cho phù hợp với mỗi trường?
Thêm 65 cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì Bên cạnh 38 cụm thi do trường ĐH chủ trì đã công bố còn có thêm 65 cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì. Tại hội nghị, nhiều đại biểu còn băn khoăn về cụm thi. Đại diện Sở GD-ĐT Vĩnh Long có ý kiến: “Trước đây Bộ có phát biểu là những tỉnh như Vĩnh Long nằm giữa cụm thi ĐH Trà Vinh và TP.Cần Thơ thì Sở làm đề nghị xem xét cho một số trường THPT giáp TP.Cần Thơ được đăng ký thi tại cụm Cần Thơ, còn những trường giáp ranh Trà Vinh thì sẽ đăng ký thi ở tỉnh này. Chúng tôi đã có văn bản báo cáo danh sách các trường này nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi của Bộ”. Trả lời ý kiến trên, Cục Khảo thí cho biết sẽ xin ý kiến bộ trưởng và trả lời sớm nhất. |
LỊCH THI THPT QUỐC GIA
|
Hà Ánh