27/11/2024

Cần ‘đại phẫu’ việc tăng giá xăng

Tại cuộc toạ đàm “Điều hành giá thị trường: nhìn từ mặt hàng xăng và điện…” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã đưa ra ý kiến trên.

 

Cần ‘đại phẫu’ việc tăng giá xăng

 

Tại cuộc toạ đàm “Điều hành giá thị trường: nhìn từ mặt hàng xăng và điện…” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã đưa ra ý kiến trên.



Theo ông Long, hiện nay nhiều hoạt động của Tập đoàn điện lực VN (EVN) chưa hiệu quả, mọi chi phí phát sinh chưa minh bạch. Các chi phí về tổn thất điện năng cao, năng suất thấp… vẫn vào giá điện.
Chỉ mới đứng về phía độc quyền
Tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn biện minh phương án tăng giá điện 7,5% vừa qua là tương đối phù hợp với mặt bằng thị trường cũng như các yếu tố thay đổi đầu vào và báo cáo kiểm toán về giá thành điện cũng đã công khai, khá rõ ràng.
Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long phản bác rằng không đơn giản như vậy, bởi chi phí giá thành điện khá phức tạp. Thời gian qua còn nhiều vấn đề, như những khoản đầu tư ra ngoài của EVN, các chi phí tổn thất lớn, các khoản lỗ do quản trị yếu kém đều đẩy vào giá điện mà cuối cùng, người tiêu dùng phải chịu thiệt. Vì thế, việc điều chỉnh giá, muốn được sự đồng thuận của xã hội cần có một cuộc “đại phẫu thuật, thuê chuyên môn, tư vấn độc lập” để kiểm tra cho khách quan. Theo ông, cách điều hành giá hiện nay đơn giản là EVN báo cáo, Bộ Công thương xem xét thì chủ yếu đứng về phía đơn vị độc quyền. “Thậm chí còn có người phát ngôn là giá điện tăng, mọi người đều được hưởng lợi, hay nếu giá điện không tăng thì EVN phá sản… Đó là phát ngôn rất phi lý, phi thị trường”, ông Long nhấn mạnh.
Ông Long cũng tỏ ý lo ngại ngay sau giá điện tăng, việc điều hành để giá xăng tăng ngay sau đó sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống.
Trao đổi lại, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thừa nhận giá xăng tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các ngành sản xuất. Nhưng theo ông, việc điều chỉnh đã phải gắn với cơ chế điều hành giá theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ và việc tăng giá xăng vừa qua không sốc, có sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và vẫn theo hướng thị trường hoá.
So sánh đầu ra, “quên” đầu vào
Cũng tại cuộc tọa đàm, nói về việc tăng thuế môi trường với xăng dầu với mức tăng 300% vừa qua của Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho rằng việc tăng thuế do hiện nay xăng đang được sử dụng với số lượng rất lớn và trên diện rộng, còn dầu hoả chỉ sử dụng chưa bằng 1/10 xăng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý tăng thuế bảo vệ môi trường dầu hoả mà chỉ tăng thuế với xăng. Theo ông Thi, do hiện nay VN áp dụng 2 cơ chế thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ ASEAN và từ các thị trường khác nên việc điều chỉnh thuế môi trường vừa để nhằm cân đối cho ngân sách vừa để bảo vệ môi trường.
Không hoàn toàn đồng tình với cách giải thích này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng giá xăng dầu cũng có thể so sánh nhưng việc so sánh về chi phí giá điện của VN với các nước hiện nay cũng không hợp lý. Như EVN khi tăng giá, chỉ so sánh về đầu ra mà không so sánh giá đầu vào để biện luận có lợi cho mình. Cụ thể, nói giá điện Singapore cao tới 21 cent/kWh nhưng sản xuất điện của Singapore 100% chạy dầu trong khi ở VN, 40% nguồn điện là từ thuỷ điện, giá thành chỉ bằng một nửa.
Ông Long cũng không đồng tình quan điểm là hiện nay, việc đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp của EVN khó là do giá điện thấp, nhà đầu tư không mặn mà mua cổ phiếu. “Tôi nghĩ chủ yếu do quy mô vốn 3 tổng công ty phát điện của EVN quá lớn, bộ máy hoạt động không hiệu quả… chứ không phải do giá điện thấp”, ông Long bày tỏ quan điểm.

 

Mạnh Quân