Bất ổn đường sắt
Gần 11 giờ đêm 11.3, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị và ngành đường sắt mới thông đường được sau vụ tai nạn cực kỳ nghiêm trọng.
Bất ổn đường sắt
Gần 11 giờ đêm 11.3, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị và ngành đường sắt mới thông đường được sau vụ tai nạn cực kỳ nghiêm trọng.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng – Ảnh: Nguyễn Phúc
|
Quá khủng khiếp
Khoảng 22 giờ đêm 10.3, tại đoạn đường sắt bắc – nam giao nhau với đường ngang dân sinh thuộc xã Hải Thượng (H.Hải Lăng, Quảng Trị), tàu SE5 chạy tuyến Hà Nội – TP.HCM đã đâm vào một chiếc xe tải chở đá BKS 75R-001.85 do Nguyễn Gia Hải (42 tuổi, trú H.Triệu Phong, Quảng Trị) điều khiển.
|
Hậu quả, lái tàu Lê Minh Phú (53 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế) tử vong tại chỗ, mắc kẹt trong khoang lái; đầu tàu hoả bẹp dúm, văng ra xa mấy trăm mét; 3 toa tàu (gồm dịch vụ ăn uống và toa số 1, số 2) lật nghiêng, trật khỏi đường ray; 3 hành khách bị thương; chiếc xe tải bị gãy đôi, tài xế xe tải bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện T.Ư Huế. Trắng đêm cùng nhiều phương tiện cắt, mở hiện đại, lực lượng cứu hộ mới mang được thi thể lái tàu ra ngoài.
Thời điểm xảy ra tai nạn, tàu SE5 gồm 14 toa xe, chở theo hơn 500 hành khách. Vị trí xảy ra tai nạn là đường ngang dân sinh không rào chắn. Đến khoảng 3 giờ sáng 11.3, đầu tàu mới được kéo về ga Diên Sanh, trong khi các toa còn lại cùng toàn bộ hành khách được đưa về ga thị xã Quảng Trị (cách hiện trường vụ tai nạn gần 10 km). Tiếp xúc với PV Thanh Niên sáng qua, ông Lê Viết Thành (56 tuổi, một trong những người bị thương ở đầu, phải vào bệnh viện khâu 3 mũi sau vụ tai nạn) - hành khách lên tàu từ Nghệ An đi TP.HCM và ngồi ghế phụ số 48, toa số 1, kể: “Lúc đó tôi đang mơ màng thì nghe tiếng rầm, tất cả mọi người chúi đầu về phía trước, đè lên nhau, tôi rờ tay lên trán thì tay thấm đầy máu. Sau khi toa tàu lật, mất điện, trời tối đen, nhiều người tự đập kính để thoát ra ngoài, nhiều trẻ em khóc la… Giây phút đó quá khủng khiếp”.
Các hành khách Đinh Văn Tuân (22 tuổi, cùng quê Nghệ An, ngồi toa 2) thì cho biết: “Khung cảnh hỗn loạn, mọi người la hét, rất sợ. Lát sau lực lượng chức năng đến và có đèn điện thì mới bớt sợ hơn”.
Đầu tàu dập nát được kéo về ga Diên Sanh
|
Đến trưa hôm qua, hiện trường vụ tai nạn vẫn là một mớ hỗn độn. Đường sắt và hàng rào hộ lan bị xô lệch; hàng trăm cảnh sát, công nhân đường sắt đến hiện trường cùng nhiều phương tiện để giải quyết hậu quả. Có mặt từ sáng sớm tại hiện trường, đại tá Nguyễn Văn Định, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của lực lượng công an là bảo vệ hiện trường, phối hợp với ngành đường sắt để thông tuyến. Sau đó chúng tôi sẽ lập tức triển khai lực lượng để tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của các nhân chứng cũng như thực hiện các bước khác của công tác điều tra để sớm tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn”.
“Đã cảnh báo từ rất lâu”
Trả lời Thanh Niên chiều qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đã yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn cũng như thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. “Trong sự việc này, tài xế xe tải đã nhìn thấy đèn tín hiệu báo tàu đi qua nhưng vẫn cố tình lao vào gây tai nạn”, ông Đông nói và nhìn nhận các vụ tai nạn đường sắt chủ yếu xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang), nhất là đường ngang dân sinh.
Một cần cẩu đưa đến hiện trường bị sập, đổ ngang đường
|
“Tai nạn liên quan đến đường ngang đã được Bộ GTVT cảnh báo từ rất lâu và có nhiều biện pháp như lắp đặt đèn tín hiệu, phối hợp với địa phương cắt cử người gác nhưng ý thức của người tham gia giao thông là vấn đề mà chúng tôi rất lo mà không dễ gì giải quyết trong một sớm một chiều”, ông Đông nói và cho biết hiện trên các tuyến đường sắt có khoảng 1.300 đường ngang có rào chắn có người gác, khoảng 1.000 đường ngang có đèn tín hiệu và khoảng trên 3.000 đường ngang dân sinh không có rào chắn, đèn tín hiệu. Trong thời gian tới, Bộ GTVT, Tổng công ty đường sắt VN sẽ tiếp tục xác định mật độ giao thông tại các đường ngang để lắp đặt biển báo tự động hoặc phối hợp với địa phương cắt cử người gác. Về dài hạn, phải tính toán kinh phí, quy hoạch để làm cầu vượt đường sắt.
Hành khách tàu SE5 bàng hoàng sau vụ tai nạn – Ảnh: Nguyễn Phúc
|
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, hôm qua cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Ban ATGT các tỉnh nơi có đường sắt đi qua và Tổng công ty đường sắt VN đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông. Uỷ ban ATGT quốc gia cũng đánh giá, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp, tai nạn có chiều hướng gia tăng. Riêng 9 ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi đã xảy ra 10 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 9 người, bị thương 3 người. Các vụ tai nạn đều xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Tàu hỏa trật bánh, đường sắt ách tắc hơn 4 giờ Đến khoảng 11 giờ trưa 11.3, tuyến đường sắt bắc – nam qua đoạn qua Phú Yên mới thông trở lại sau hơn 4 giờ bị ách tắc, do tàu hàng chạy từ nam ra bắc bị trật bánh khỏi đường ray. 11 giờ trưa tàu SE4 mới được khởi hành theo lịch trình. Ông Trần Văn Nhượng, Trưởng ga Hoà Đa (xã An Mỹ, H.Tuy An, Phú Yên), cho biết khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, tàu hỏa chở hàng TNH3N4 chạy từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi các tỉnh miền Bắc, nhưng khi đến ga Hoà Đa thì toa tàu số 3 bị trật bánh khỏi đường ray. Ngành đường sắt đã điều động Đội ứng phó cứu chữa Diêu Trì (Bình Định) vào khắc phục. 15 phút sau khi có mặt tại hiện trường, đội đã đưa bánh của toa tàu bị nạn trở lại đường ray. Đức Huy |
Nguyễn Phúc – Thái Sơn