Sau một năm, số phận MH370 vẫn bí ẩn
Suốt một năm đổ ra không biết bao nhiêu công sức, tiền của để tìm kiếm, chiếc máy bay số hiệu MH370 vẫn bặt vô âm tín.
Sau một năm, số phận MH370 vẫn bí ẩn
Suốt một năm đổ ra không biết bao nhiêu công sức, tiền của để tìm kiếm, chiếc máy bay số hiệu MH370 vẫn bặt vô âm tín.
Bà Wang Run Xiang cầm ảnh cháu nội khóc than trước trụ sở Hãng Malaysia Airlines ở Kuala Lumpur hôm 12-2 – Ảnh: Reuters |
Chắc chắn đây là một trong những bí mật lớn nhất của hàng không thế giới thời hiện đại.
Khoảng trống thông tin về số phận chiếc máy bay MH370 cùng 239 hành khách và phi hành đoàn trên đó không ngừng ám ảnh mọi người.
Đã có đủ loại giả thuyết được đưa ra. Từ “viễn tưởng” nhất như bị người ngoài hành tinh bắt đi, tới những tranh luận khoa học như máy bay vẫn nằm đâu đó ở phía nam dưới lòng Ấn Độ Dương nhưng không phải tại nơi đang tìm kiếm…
Chỉ có một điều mà tất cả các bên tham gia tranh cãi đều nhất trí, đó là việc còn thiếu quá nhiều “miếng ghép” quan trọng trong bức tranh thông tin về vụ mất tích xảy ra cách đây một năm.
Vẫn tranh cãi, ngờ vực
Sáng 8-3-2014, chiếc máy bay Boeing 777 của Hãng Malaysia Airlines mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh khỏi sân bay Kuala Lumpur hướng về thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Không quân Malaysia cho biết thiết bị rađa quân sự của họ đã thấy chiếc máy bay trở lại, đi qua lần nữa bán đảo Malay rồi mới bay ra khỏi vùng bờ biển phía tây bắc.
Các nhà điều tra Malaysia đã sử dụng dữ liệu phân tích thu được từ vệ tinh của Công ty Inmarsat (Anh) để phác ra hai vòng cung rộng lớn: một về phía bắc và một về phía nam. Đó là hai hướng mà chiếc MH370 có thể bay theo.
Sau đó giới chức Malaysia kết luận: MH370 đã chuyển lộ trình bay theo hướng nam và bay tiếp vài giờ nữa rồi mới bị rơi xuống phía nam Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên kết luận này đã bị các blogger hàng không và nhiều điều tra viên độc lập phản đối. Họ truy vấn về những thông tin trên rađa và đưa ra các giả định về tốc độ cũng như việc đốt cháy nhiên liệu của máy bay để bác bỏ giả thuyết.
Tham gia phản biện kết luận của giới chức Malaysia còn có Tim Clark, chủ tịch Hãng hàng không Emirates.
Tháng 11-2014, ông Tim Clark cho rằng thông tin về vụ MH370 đã bị ém nhẹm. Ông xoáy vào vấn đề tại sao không quân Malaysia đã không có động thái gì khi phát hiện chiếc MH370 bất ngờ đảo ngược hành trình.
Chính phủ Malaysia vẫn luôn phủ nhận việc che giấu thông tin và khẳng định không thay đổi lập trường về việc này. Malaysia dự kiến sẽ công bố bản báo cáo tạm thời về cuộc điều tra vụ việc trước ngày 8-3-2015.
Trong tất cả các nhóm theo đuổi vụ việc, có vẻ như Nhóm điều tra độc lập (Independent Group – IG) gồm hàng chục chuyên gia về hàng không, toán học, dữ liệu và vệ tinh được tin cậy nhất.
Nhóm này vẫn kiên định quan điểm cho rằng MH370 đang nằm dưới lòng biển phía nam Ấn Độ Dương, gần khu vực được gọi là “vòng cung thứ 7”. Khu vực này hiện có một nhóm chuyên gia quốc tế do Úc chủ trì công tác tìm kiếm. Nhóm IG vẫn thường xuyên giữ liên hệ với đội công tác.
Giảm mức độ tìm kiếm
Hôm 5-3, phát biểu trước Quốc hội Úc, Thủ tướng Tony Abbott cho biết ông đề nghị vẫn tiếp tục tìm kiếm nhưng sẽ giảm bớt về quy mô và mức độ tiến hành.
Dù vậy, ông cam kết sẽ cùng các lực lượng hữu trách làm hết sức có thể để tìm lời giải cho bí ẩn và cũng để yên lòng thân nhân những người xấu số.
Úc đang chủ trì công tác tìm kiếm tại Ấn Độ Dương, cách khoảng 1.600km ngoài khơi bờ biển phía tây nước này.
Có bốn tàu tìm kiếm là Fugro Supporter, Fugro Equator, Fugro Discovery và GO Phoenix cùng các thiết bị dò tìm dưới nước tối tân nhất được huy động.
Các tàu tập trung tìm kiếm ở khu vực ưu tiên rộng 60.000km2 và dự kiến hoàn thành vào tháng 5. Đã có hơn 40% diện tích đáy biển trong khu vực này được rà soát. Công tác tìm kiếm trong giai đoạn vừa qua được thực hiện với khoản đóng góp của Chính phủ Úc và Malaysia là 93 triệu USD.
Trước đó ngày 29-1, phía Malaysia đã tuyên bố các thành viên trên máy bay MH370 được cho là đã tử vong và đề nghị thân nhân nên nhận tiền bồi thường.
Động thái này khiến nhiều gia đình người bị nạn lo ngại chính phủ sẽ tuyên bố khép lại việc tìm kiếm, điều tra.
Gần đây một nhóm đại diện cho gia đình các nạn nhân trên chuyến bay MH370 đã đưa ra yêu cầu cần tiếp tục quá trình tìm kiếm.
Những giả thuyết khó tin Chuyên gia hàng không Jeff Wise, tác giả cuốn The plane that wasn’t there (Chiếc máy bay không ở đó) thuộc danh mục sách bán chạy nhất trên Amazon, thừa nhận: “Thật kinh ngạc là sau chừng ấy thời gian và sau chừng ấy nỗ lực tìm kiếm, chúng ta không có được bao nhiêu thông tin về vụ việc”. Cũng như rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không thừa nhận bị ám ảnh không ngừng về vụ mất tích hi hữu của MH370, chuyên gia hàng không và cũng là cựu phi công Jeff Wise ở New York cho biết ông phải bỏ tiền mua các dữ liệu vệ tinh để có thêm luận cứ bảo vệ giả thuyết của mình. Ông Wise cho rằng chiếc máy bay MH370 đã bay về phía bắc, dọc theo các đường biên giới để tránh bị rađa phát hiện rồi sau đó hạ cánh ở Kazakhstan theo một âm mưu được tính toán kỹ lưỡng của Nga. Tuy nhiên chính ông cũng thừa nhận không biết lý giải ra sao về mục đích việc Nga bắt cóc máy bay này. Tuy nhiên Nhóm IG vừa truất quyền thành viên của ông Wise khỏi tổ chức sau một loạt bài báo liên quan tới cuốn sách của ông. Thành viên IG ở New Zealand, ông Duncan Steel thậm chí không ngần ngại gọi cuốn sách của Wise “là một mớ rác rưởi”. Ngoài giả thuyết MH370 bị Nga bắt cóc, ông Marc Dugain, cựu giám đốc hãng hàng không của Pháp là Proteus, lại cho rằng chiếc máy bay đã bay về phía căn cứ hải quân của Mỹ tại Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Sau đó nó bị phía Mỹ bắn hạ vì lo ngại xảy ra một vụ tấn công “kiểu 11-9” với căn cứ quân sự của Mỹ đóng trên đảo Diego Garcia. |