Vui vì… phiếu đánh giá
Nửa giờ cùng con để đánh dấu vào “Phiếu đánh giá của phụ huynh học sinh”, tôi cảm thấy rất vui vì chỉ một thao tác nhỏ, một thời gian ngắn nhưng ý nghĩa vô cùng.
Vui vì… phiếu đánh giá
Nửa giờ cùng con để đánh dấu vào “Phiếu đánh giá của phụ huynh học sinh”, tôi cảm thấy rất vui vì chỉ một thao tác nhỏ, một thời gian ngắn nhưng ý nghĩa vô cùng.
Tôi thật sự bất ngờ trước tâm trạng hồi hộp, lo lắng của hai cậu con trai khi theo dõi tôi đánh vào ô “thường xuyên” hay “không thường xuyên” trong tờ “Phiếu đánh giá của phụ huynh học sinh” thời điểm cuối học kỳ 1 năm học 2014-2015 do trường tiểu học ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) gửi về cho gia đình.
Trong tờ phiếu đánh giá có 13 mục nói về những việc thường xuyên làm hay không thường xuyên làm khi các cháu ở nhà.
Tôi rất tâm đắc với cách kết hợp này giữa giáo viên và phụ huynh, bởi chỉ mới thực hiện trong một học kỳ nhưng bước đầu đã có tác dụng trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh tiểu học.
Chẳng hạn như khi đến mục thứ 11: “Nói lời trung thực, không nói dối, giữ đúng lời hứa”, tôi còn phân vân thì cậu em học lớp 3 lên tiếng: “Mẹ phải đánh vào ô thường xuyên cho con nhé, vì hôm trước con mượn viết của bạn, con làm mất nhưng con hứa đền và con mới đền hôm qua, như thế là con đã giữ lời hứa đúng không mẹ?”…
Hay ở mục thứ 9: “Làm việc nhà phù hợp: quét nhà, rửa ly, lau nhà, nấu cơm, trông em…”, tôi đánh vào ô không thường xuyên làm thì lập tức cả hai cháu cùng đồng thanh: “Con có quét nhà, con có quét nhà mà…”.
Tôi phải dừng lại để giải thích rõ: “Các con có quét nhưng việc làm đó không thường xuyên, bố mẹ phải nhắc nhở thì các con mới làm, nếu bây giờ mẹ đánh vào ô thường xuyên làm nghĩa là mẹ đang nói dối cô giáo của con, như vậy mẹ sẽ là người xấu vì không có tính trung thực…”, cả hai cháu ngồi im lặng nghe.
Và thật bất ngờ, hôm sau đi học về, hai anh em tự bảo nhau lấy chổi quét nhà, lau bàn ghế sau đó mới chơi.
Thỉnh thoảng các cháu có lơ là, tôi lại hỏi khéo: “Bao giờ thì có phiếu đánh giá cô gửi về hả các con?”, thế là hai cu cậu dường như hiểu ra nên chăm chỉ trở lại. Không biết sự tự giác ấy được bao lâu nhưng đó là một tín hiệu đáng mừng cho gia đình và cho cả một nền giáo dục đang trong bước chuyển mình.
Tuy nhiên, để có tác dụng thật sự thì phụ huynh cũng cần lưu ý: trong quá trình đánh giá có những cháu sẽ khóc lóc, đòi bố mẹ phải điền vào ô “thường xuyên” làm, do sợ cô giáo la rầy.
Vì vậy, chúng ta không nên quá chiều con để bao che cho những việc chưa tốt của con thì tác dụng của việc kết hợp với nhà trường để giáo dục đạo đức, nhân cách cho các cháu sẽ có phản ứng ngược.
Các bậc cha mẹ cũng không nên vì quá bận rộn với công việc mà điền qua loa, đại khái cho xong để gửi cô giáo, cần phải dành thời gian tuyên dương, khích lệ những việc làm tốt của con, đồng thời phân tích, lý giải rõ những nguyên nhân vì sao việc làm đó con chưa tốt, chưa làm thường xuyên.
Tôi nghĩ đây cũng là cách để cha mẹ dạy các cháu những bài học về đạo đức làm người rất gần gũi, chân thực, quan trọng là các cháu có thể thực hiện được.
Mặt khác, giáo viên cũng chỉ nên dựa vào phiếu này để có những điều chỉnh hành vi chưa tốt của các cháu, đừng quá nặng nề về phê bình, khiển trách hay nhận xét tốt, xấu để các cháu phải lo lắng, sợ hãi, bố mẹ thì không dám khai trung thực.
Nửa giờ cùng con để đánh dấu vào “Phiếu đánh giá của phụ huynh học sinh”, tôi cảm thấy rất vui vì chỉ một thao tác nhỏ, một thời gian ngắn nhưng ý nghĩa vô cùng.
Ít ra con tôi cũng nhận thấy được những việc tốt cần phát huy và những việc chưa tốt cần khắc phục để từ đó biết phấn đấu, yêu thương và chia sẻ nhiều hơn.
Người ta nói “gieo thói quen, gặt tính cách”, nếu những thói quen tốt được duy trì thường xuyên và người lớn có trách nhiệm quan tâm, theo dõi, chấn chỉnh kịp thời, chắc chắn các cháu học sinh tiểu học sẽ phát triển một cách toàn diện về nhân cách, không chỉ hôm nay mà cho cả mai sau.