Ủng hộ thi tự luận, nhưng…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Hạnh – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội – khẳng định nếu đề thi môn ngoại ngữ có phần tự luận thì cũng không phải là điều gì quá mới mẻ.
Ủng hộ thi tự luận, nhưng…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Hạnh – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội – khẳng định nếu đề thi môn ngoại ngữ có phần tự luận thì cũng không phải là điều gì quá mới mẻ.
Buổi luyện thi môn tiếng Anh cho kỳ thi THPT quốc gia tại cơ sở bồi dưỡng văn hóa Thành Đô, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng |
Trong khi các thầy cô giáo và học sinh phổ thông bất ngờ, bối rối với dự kiến bổ sung phần viết luận bên cạnh phần trắc nghiệm của đề thi ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia, thì có nhiều ý kiến từ phía các trường ĐH lại bày tỏ sự ủng hộ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Hạnh – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội – khẳng định nếu đề thi môn ngoại ngữ có phần tự luận thì cũng không phải là điều gì quá mới mẻ.
Theo tôi, nếu Bộ GD-ĐT đã quyết phương án ra đề thi này thì cần có định hướng cụ thể cho việc tổ chức ôn tập môn ngoại ngữ, hướng dẫn chi tiết hơn ở khâu coi thi, chấm thi môn này để tránh những thiệt thòi cho học sinh khi kết quả thi của các em sử dụng cho nhiều mục đích |
Cô NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC |
Theo ông Hạnh, trong chương trình phổ thông, học sinh vẫn phải được dạy về phần luận và trong các bài học hằng ngày các em vẫn phải làm bài tập có phần luận, nên dạng câu hỏi này không thể nói là xa lạ.
Chưa kể, những năm trước đây ở kỳ thi “ba chung”, môn ngoại ngữ luôn gồm hai phần trắc nghiệm và tự luận. Ông Hạnh cho rằng nếu thi ngoại ngữ mà chỉ dựa thuần túy vào cách thi trắc nghiệm trên giấy lâu nay sẽ không đánh giá được đầy đủ kỹ năng của một người học ngoại ngữ.
“Thực tế lý tưởng nhất là phải kiểm tra được cả bốn kỹ năng của thí sinh: nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên với điều kiện dạy, học hiện nay, tham vọng kiểm tra đầy đủ kỹ năng với hơn 1 triệu thí sinh dự thi/năm chưa thể thực hiện được. Do đó, việc có thêm phần thi tự luận như yêu cầu từng đặt ra tại đề thi tốt nghiệp THPT 2014 là hợp lý” – ông Hạnh phân tích.
Không thể chỉ kiểm tra trắc nghiệm
Theo ông Hạnh, nếu thí sinh lâu nay chỉ chú tâm ôn luyện thi trắc nghiệm, thì với yêu cầu đề thi mới cần tập viết bài luận với những chủ đề gần gũi hằng ngày về sinh hoạt, học tập, bản thân, gia đình.
“Các em yên tâm rằng dù đưa phần tự luận vào bài thi nhưng số điểm dành cho phần thi này chỉ chiếm hơn 10% nên không phải quá hoang mang” – ông Hạnh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Tuấn Minh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội – cho rằng việc bổ sung thi tự luận so với cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ là xu thế cần được ủng hộ và sẽ không ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh.
“Học sinh hiện tại đã tiếp cận với những kỳ thi nhận chứng chỉ quốc tế, kiểm tra đầy đủ cả bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết nên không có gì bất ngờ với đề thi có cả phần trắc nghiệm và tự luận” – ông Minh nói.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến của chính các giảng viên, nhà quản lý ở bậc ĐH lại cho rằng việc thêm phần viết luận vào đề thi ngoại ngữ trong thời điểm này không có tác động đáng kể vào việc nâng trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông theo hướng toàn diện hơn.
“Tâm lý học gì thi nấy vẫn rất phổ biến ở VN, vì thế với một sự đổi mới dù là đúng đắn cũng cần có thời gian, có lộ trình hợp lý để kịp chuẩn bị và tạo nên chuyển biến dần trong thực tiễn dạy học ở bậc phổ thông. Việc đầu năm học bộ trưởng Bộ GD-ĐT chính thức ký quyết định phê duyệt phương án một kỳ thi mà môn ngoại ngữ chỉ có trắc nghiệm, nhưng gần cuối năm, khi kỳ thi chỉ còn vài tháng diễn ra lại công bố “có tự luận” sẽ khiến cả người dạy và người học, thậm chí đơn vị tổ chức thi, rơi vào tình thế cập rập” – một giảng viên ĐH nhận xét.
TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng những năm trước đây việc chấm thi tuyển sinh ĐH môn ngoại ngữ được chấm hoàn toàn bằng trắc nghiệm thì rất dễ dàng và không có trục trặc gì. Nay đề thi nếu có hai phần viết và trắc nghiệm thì mặc dù có khó khăn thêm nhưng không đến nỗi quá phức tạp.
Vấn đề là làm sao để đảm bảo về mặt chuyên môn, đánh giá chính xác và phân luồng được thí sinh.
“Đề thi nếu có cả hai phần trắc nghiệm và viết luận chắc chắn sẽ đánh giá chính xác hơn. Xung quanh việc có nhiều ý kiến về sự chuẩn bị học, ôn thi của học sinh khó khăn hơn, tôi nghĩ việc cần rút kinh nghiệm ở đây là hết sức cân nhắc về những “dự kiến” có ảnh hưởng đến sự chuẩn bị trước của đối tượng” – ông Lý nói.
Đổi mới càng cần thời gian chuẩn bị
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên dạy ngoại ngữ Trường THPT Việt Đức – Hà Nội, bày tỏ: “Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ chủ trương đổi mới của Bộ GD-ĐT để có một đích đến tốt hơn về chất lượng dạy học. Tuy nhiên, bất cứ sự đổi mới nào cũng cần được xây dựng với một lộ trình phù hợp điều kiện, thực tiễn giáo dục trong nhà trường phổ thông. Nếu việc thay đổi quá gấp rút khiến thầy trò ở phổ thông khó có thể xoay theo kịp thì sẽ chỉ biến học trò thành “chuột bạch”, các em sẽ là những người bị thiệt thòi”.
Một giáo viên dạy tiếng Anh khác ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng cho rằng với quan điểm “đánh giá toàn diện các kỹ năng ngoại ngữ” cần có một lộ trình dài, không chỉ để thầy cô giáo chuẩn bị về tài liệu, cách dạy học, mà để học sinh làm quen, rèn luyện.
Không chỉ có việc dạy và học mà cả cách thức ra đề, chấm thi, đánh giá học sinh cũng cần có sự chuẩn bị. Sự thay đổi được đặt vào một kỳ thi rất lớn, rất quan trọng nhưng lại sát nút mới thông báo là điều tối kỵ.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước, việc chấm bài thi môn ngoại ngữ khiến giáo viên chấm thi vấp phải khó khăn khi phần viết luận không có barem chấm, tiêu chí cụ thể.
Trong khi đó, nhiều học sinh viết một câu đơn giản còn sai, trình bày lủng củng, không rõ ý khiến người chấm không hiểu gì. Việc cho 0,5 điểm hay 0,75 điểm không có những căn cứ cụ thể để người chấm bám vào. Ở kỳ thi năm nay, nếu việc này tái diễn sẽ rất bất cập, vì kết quả thi không phải chỉ để công nhận tốt nghiệp mà còn xét tuyển ĐH, CĐ.
“Học sinh sử dụng cách diễn đạt tiếng Việt để viết bài luận tiếng Anh nên nhiều khi đọc rất buồn cười, phổ biến là dùng từ sai, viết sai, diễn đạt lủng củng, không rõ ý, hoặc không trình bày được thành ý theo chủ đề muốn nói… Đây là những lỗi thường gặp khi chữa bài viết cho học sinh ở mùa thi năm trước. Thực trạng trên chứng tỏ việc thiếu sự chuẩn bị không chỉ ở khâu dạy, học mà cả ở khâu chấm thi. Trong khi đó, với kỳ thi THPT quốc gia năm nay, việc quyết định sát nút cũng khiến nhiều thầy cô giáo ở phổ thông băn khoăn” – cô Ngọc phát biểu.
Các ĐH dự kiến chủ trì cụm thi: Không có gì khó khăn Trường ĐH Kinh tế quốc dân – một đơn vị dự kiến chủ trì một cụm thi của Hà Nội – đã sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực giáo viên tiếng Anh thực hiện việc chấm bài thi kỳ thi THPT quốc gia. Hiện tại, kể cả lực lượng giảng viên cơ hữu và hợp đồng giảng dạy tiếng Anh tại trường là hơn 100 người. Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Nguyễn Quang Dong – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân – cho rằng nếu đề thi ngoại ngữ có cả phần viết và trắc nghiệm thì thiết kế bài thi cần tách riêng biệt hai phần này độc lập với nhau. “Phần thi trắc nghiệm vẫn chấm bằng máy, còn phần tự luận sẽ do giáo viên chấm trực tiếp. Như vậy, chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ phải quy định hết thời gian làm bài trắc nghiệm, giám thị thu phiếu trả lời trắc nghiệm rồi thí sinh mới được chuyển qua làm phần tự luận, để tránh hiện tượng thời gian thi trắc nghiệm kéo dài, thí sinh có thể chép bài của nhau” – ông Dong nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trào – phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho biết trường hiện có 40 giảng viên cơ hữu môn tiếng Anh. Tuy nhiên, do hiện chưa rõ phần thi tự luận chiếm bao nhiêu phần trăm điểm trong cấu trúc bài thi và chưa nắm được số lượng thí sinh sẽ đăng ký dự thi nên trường chưa lên kế hoạch cụ thể cho việc chấm thi tự luận. Trường hợp số thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi do trường chủ trì đông, cần thiết phải bổ sung giáo viên chấm thi tự luận, trường sẽ lựa chọn kỹ càng theo đúng quy chế. Theo PGS.TS Đỗ Văn Xê – phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, năm nay chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia là “kỳ thi hai trong một” vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở để xét tuyển ĐH, CĐ nên đề thi môn ngoại ngữ có hai phần trắc nghiệm và tự luận là điều bình thường, không có lý do gì để bảo điều này gây bất ngờ! Đồng thời, ông Xê cho rằng để đánh giá khả năng ngoại ngữ cần phải đánh giá khả năng viết. Một số kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế hiện nay cũng có thi viết. Vì vậy đề thi môn ngoại ngữ nên có hai phần trắc nghiệm và tự luận để đánh giá thí sinh một cách toàn diện và chính xác hơn. Nếu đề thi môn ngoại ngữ có cả trắc nghiệm và tự luận, theo ông Xê, khâu chấm thi không có gì khó khăn. Khi đó phần trắc nghiệm với các phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm riêng bằng máy, còn bài tự luận do cán bộ chấm thi chấm riêng. |