Cả ngàn người Việt là nạn nhân của bọn buôn người
Trong cuộc họp báo ngày 27-2 tại Hà Nội, đại diện ngoại giao Anh khẳng định Chính phủ Anh đang cố gắng giúp đỡ những nạn nhân này.
Cả ngàn người Việt là nạn nhân của bọn buôn người
Trong cuộc họp báo ngày 27-2 tại Hà Nội, đại diện ngoại giao Anh khẳng định Chính phủ Anh đang cố gắng giúp đỡ những nạn nhân này.
Quốc vụ khanh Hugo Swire trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội ngày 27-2 – Ảnh: Quỳnh Trung |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hugo Swire, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách châu Á, khẳng định nhiều người Việt làm trong những nông trại cần sa ở Anh là nạn nhân của những kẻ buôn người và nạn buôn người là một trong những vấn nạn nhức nhối ở nước Anh.
Hiện Chính phủ Anh đang xây dựng một đạo luật đối phó với tình trạng nô lệ và buôn người.
3.000 người lưu trú bất hợp pháp
Quốc vụ khanh Swire cho biết gần đây Chính phủ Anh phát hiện khoảng 3.000 người Việt đang cư trú bất hợp pháp ở Anh. Những người Việt này nằm trong số những công dân nước ngoài phạm pháp được phát hiện ở những trại trồng cần sa và những nơi khác.
Chính phủ Anh đang giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc và thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như tuyên truyền và cảnh báo người dân sinh sống ở các khu vực nông thôn VN về hiểm nguy khi trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người.
“Nhiều người trong số này không phải tội phạm mà là nạn nhân. Do đó giới chức Anh đối xử tử tế với những người này và cố gắng hỗ trợ họ trong khả năng có thể” – ông Hugo Swire nói với Tuổi Trẻ.
Ông Hugo Swire cho biết thêm hiện tại chính phủ hai nước và các cơ quan hữu quan đang hợp tác chặt chẽ chống lại ngành công nghiệp buôn người và khẳng định những kẻ buôn người chính là tội phạm cần phải được nghiêm trị.
Ngoài ra còn có biện pháp tăng cường tuyên truyền giáo dục để ngăn nạn buôn người từ Việt Nam và những nước khác trong khu vực.
Ông Hugo Swire cũng khẳng định việc những cư dân Việt Nam sinh sống bất hợp pháp bị Chính phủ Anh phát hiện gần đây hoàn toàn không ảnh hưởng đến chính sách visa (thị thực) mà Chính phủ Anh dành cho người Việt Nam.
“Bất cứ ai đến Anh theo quy trình xin visa đều được chào đón, chẳng hạn như các du học sinh Việt Nam hoặc những người tham gia các chương trình đào tạo ở Anh” – ông Hugo Swire nói.
“Những công dân bất hợp pháp này không đến nước Anh bằng con đường xin visa mà bị những kẻ buôn người đưa đến” – ông Hugo nói thêm.
Tăng cường hợp tác song phương
Ngày 27-2 trong khuôn khổ Đối tác chiến lược Anh – Việt Nam, ông Hugo Swire và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam – Anh lần thứ tư tại Hà Nội.
Theo thông cáo chung về chiến lược Đối thoại chiến lược Việt Nam – Anh, về hội nhập kinh tế, hai bên tái khẳng định cam kết của hai nước sớm kết thúc quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU, mở ra các cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp hai nước.
Phía Anh đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế cũng như những nỗ lực trở thành một nền kinh tế thị trường.
Hai bên mong muốn tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn nữa trong các lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, đánh giá và xây dựng giáo án; hoan nghênh việc thành lập Viện Nghiên cứu Việt Nam – Anh nhằm thúc đẩy nghiên cứu sau đại học theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tái khẳng định cam kết sẽ đảm bảo cơ sở tài chính vững chắc cho hoạt động của viện; ghi nhận những đóng góp của các nhà cung cấp giáo dục đến từ Vương quốc Anh tại Việt Nam, và nhất trí rằng họ cần có khuôn khổ pháp lý công bằng và minh bạch để hoạt động.
Hai trưởng đoàn đánh giá cao việc trao đổi ngày càng sâu rộng tại các cuộc đối thoại quốc phòng nhằm thúc đẩy các sáng kiến song phương về hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh hàng hải.
Phía Anh đánh giá cao việc Việt Nam cử hai sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc; hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong việc đưa nội dung phòng chống bạo lực tình dục vào chương trình giảng dạy tại Trung tâm Gìn giữ hoà bình.
Hai bên hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ trên tất cả lĩnh vực ưu tiên trong việc phòng chống tội phạm có tổ chức, cam kết sẽ tiếp tục hợp tác hoạt động hiệu quả, xây dựng năng lực và chia sẻ thông tin về tội phạm như vấn đề nô lệ hiện đại, tội phạm mạng, rửa tiền, bóc lột trẻ em, nhập cư bất hợp pháp và các mối đe doạ tội phạm nhập cư có tổ chức như buôn bán và buôn lậu người.