Các bên cứu vãn thỏa thuận Minsk
Ngoại trưởng bốn bên Nga, Ukraine, Ðức và Pháp ngày 24-2 họp tại Paris để thảo luận về việc triển khai thoả thuận Minsk II trong khi bạo lực tiếp tục giày xéo lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine.
Các bên cứu vãn thỏa thuận Minsk
Ngoại trưởng bốn bên Nga, Ukraine, Ðức và Pháp ngày 24-2 họp tại Paris để thảo luận về việc triển khai thoả thuận Minsk II trong khi bạo lực tiếp tục giày xéo lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine.
Xe tăng của lực lượng ly khai Ukraine tại khu vực Debaltseve – Ảnh: Reuters |
Cuộc họp diễn ra vào thời điểm hơn một tuần sau khi lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực ở miền đông Ukraine.
Từ đó đến nay, chính quyền Kiev và lực lượng ly khai liên tục đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn khiến tình hình bạo lực ngày càng leo thang.
Tìm cách triển khai
Khó xảy ra chiến tranh Với vẻ mặt điềm tĩnh, thi thoảng nở nụ cười trước các câu hỏi về vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23-2 trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Russia -1 nhận định rất “khó xảy ra chiến tranh” với Ukraine. Ông Putin cho biết thoả thuận Minsk là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine. “Nếu thỏa thuận Minsk được triển khai, tôi chắc rằng tình hình sẽ dần trở lại bình thường – ông nói – Không ai cần xung đột, đặc biệt là xung đột vũ trang”. Tổng thống Putin cũng kêu gọi không phóng đại cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ông nói: “Điều tồi tệ nhất là kích động cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine và những âm mưu kích động cuộc xung đột này”. |
Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết cuộc họp nhằm thảo luận việc triển khai các điều khoản trong thỏa thuận Minsk II ký kết ngày 12-2 bao gồm lệnh đình chiến, rút các vũ khí hạng nặng và cải cách hiến pháp để trao quyền tự trị cho khu vực miền đông Ukraine.
Tình thế biến đổi từng giờ làm cuộc gặp này càng thêm quan trọng.
Sau cuộc họp kéo dài ba giờ, các bộ trưởng ra tuyên bố chung nhắc lại lời kêu gọi các bên đình chiến toàn diện và rút các vũ khí hạng nặng trong vài ngày tới.
Tất cả các bên tại Ukraine phải hợp tác trong việc giám sát rút vũ khí hạng nặng.
Ngoại trưởng Ðức Frank-Walter Steinmeier cho biết các bên cũng nhất trí kêu gọi kéo dài sứ mệnh giám sát của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) thêm một năm và củng cố nhân lực, thiết bị và tài chính cho sứ mệnh này.
Về tiến trình thi hành các biện pháp tổng thể theo tinh thần của thỏa thuận Minsk, động thái tích cực nhất là việc trao đổi 200 tù nhân của cả hai phía Kiev và quân ly khai diễn ra thứ bảy tuần trước.
OSCE ngày 22-2 cho biết việc rút vũ khí hạng nặng sẽ phải hoàn tất trước ngày 27-2, và một vùng đệm phi quân sự phải được thiết lập xong trước ngày 7-3.
Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk sáng 24-2 cho biết đã bắt đầu rút khoảng 100 khẩu pháo khỏi chiến tuyến, còn Lugansk tuyên bố đã rút hơn 30 đơn vị vũ khí hạng nặng khỏi khu vực Donbass ở miền đông Ukraine và sẵn sàng đẩy nhanh quá trình nếu Kiev ngừng tấn công.
“Chúng tôi đang rút vũ khí cách chiến tuyến 50km nhưng sẽ không nói chính xác rút về chỗ nào” – Reuters dẫn lời chỉ huy lực lượng ly khai Eduard Basurin.
Trong khi đó, Kiev ngày 23-2 tuyên bố sẽ chỉ rút vũ khí hạng nặng khi lệnh ngừng bắn được tuân thủ tuyệt đối. “Trong tình hình lực lượng Ukraine vẫn bị nã pháo thì không thể nói chuyện rút vũ khí được” – người phát ngôn của Kiev Vladislav Seleznyov nói.
Đình chiến mong manh
Bạo lực leo thang mạnh trong những ngày qua sau vụ đánh bom một đoàn diễu hành ở Kharkiv làm ba người thiệt mạng. OSCE, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát lệnh đình chiến, kết luận lệnh đình chiến bị phá vỡ “tại các điểm chiến lược quan trọng” gồm khu vực Mariupol và Debaltseve.
Chỉ huy quân sự Valentyn Fedichev của lực lượng chính quyền Kiev cho biết dù số vụ tấn công giảm nhưng các vị trí quân đội Kiev vẫn bị tấn công hàng chục lần và chỉ trích lực lượng nổi dậy liên tiếp tấn công tại các khu vực Shyrokine và Mariupol.
Ðến nay Mariupol, cách biên giới Nga 55km, vẫn là thành phố lớn nhất trong vùng chiến sự còn nằm trong tay Chính phủ Ukraine. Giới quan sát nhận định nhiều khả năng quân ly khai sẽ chiếm thành phố này để tạo một hành lang đường bộ kéo dài từ biên giới Nga – Ukraine đến bán đảo Crimea và kiểm soát được một hải cảng lớn bên bờ biển Azov.
Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin ngày 23-2 tuyên bố nước này đã bắt đầu thảo luận với các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vấn đề triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại miền đông.
Ngoại trưởng Klimkin nói thoả thuận Minsk về ngừng bắn đã không được tuân thủ, do đó nhiều thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho rằng cần phải có thêm một cơ chế hỗ trợ thỏa thuận Minsk, cơ chế này có thể là việc bố trí lực lượng quốc tế tại khu vực xung đột của Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Nga tuyên bố sẽ phản ứng nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergey Ryabkov chỉ trích quyết định trên sẽ vi phạm thoả thuận Minsk về giải quyết hoà bình xung đột tại Ukraine và là hành động khiêu khích mà Nga không thể không can thiệp.
Trước đó, Kiev và phương Tây liên tục cáo buộc Nga hỗ trợ quân sự cho khu vực đông Ukraine, tuy nhiên Matxcơva bác bỏ tất cả cáo buộc này.
Tình hình thêm phức tạp khi Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga ngày 24-2 dọa sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraine sau hai ngày nữa, nếu chính quyền Kiev không thanh toán trước tiền mua khí đốt của Nga.
Ðộng thái này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chuyển khí đốt sang châu Âu, khu vực vốn nhập khẩu gần 1/3 lượng khí đốt từ Nga, trong đó một nửa được trung chuyển qua Ukraine.