27/11/2024

Thí sinh thi năng khiếu ở đâu?

Năm 2015, cho dù thi ở cụm nào thì khi thi môn năng khiếu, các thí sinh vẫn phải di chuyển về các trường ĐH, CĐ như các năm trước đây.

 

Thí sinh thi năng khiếu ở đâu?

 

 

Năm 2015, cho dù thi ở cụm nào thì khi thi môn năng khiếu, các thí sinh vẫn phải di chuyển về các trường ĐH, CĐ như các năm trước đây.

 

 

Thí sinh làm thủ tục dự thi tại Trường ĐH Sài Gòn năm 2014. Trường này dự kiến thi các môn năng khiếu sau kỳ thi THPT quốc gia khoảng một tuần - Ảnh: Hà Ánh

Thí sinh làm thủ tục dự thi tại Trường ĐH Sài Gòn năm 2014. Trường này dự kiến thi các môn năng khiếu sau kỳ thi THPT quốc gia khoảng một tuần – Ảnh: Hà Ánh

Thời gian thi khác nhau

Theo dự thảo quy chế xét tuyển vào ĐH và CĐ năm 2015, các môn năng khiếu vẫn được tổ chức thi riêng theo quy định mỗi trường. Thí sinh vẫn dự thi các môn văn hoá trong kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức vào đầu tháng 7 để xét tuyển vào các ngành năng khiếu.
Đến thời điểm này, đã có trường tổ chức thi môn năng khiếu ấn định được ngày thi cụ thể. Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trường dự kiến tổ chức thi môn vẽ đầu tượng vào ngày 11.7. Tương tự, Trường ĐH Sài Gòn cũng dự kiến tổ chức thi các môn năng khiếu sau kỳ thi THPT quốc gia khoảng một tuần.
Trong khi đó, tiến sĩ Phan Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, cho biết chưa thể lên được lịch thi cụ thể. Bởi trường tổ chức thi các môn năng khiếu trong khoảng thời gian dài, có những môn kéo dài tới 20 ngày từ khâu sơ tuyển đến vòng chung kết. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Bích Hà, việc tổ chức thi sẽ diễn ra trong vòng tháng 7 với nội dung và hình thức thi cơ bản không đổi so với năm 2014. Thạc sĩ Ninh Quang Thăng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cũng đang chờ quy chế chính thức mới quyết định được ngày thi năng khiếu.
Không xét tuyển thí sinh dự thi trường khác
Năm nay, một điểm mới trong dự thảo quy chế thi và xét tuyển là cho phép các trường xét tuyển kết quả thi môn năng khiếu từ trường có đề án tuyển sinh riêng. Có nghĩa, thí sinh dự thi môn năng khiếu tại các trường có đề án tuyển sinh riêng, nếu không trúng tuyển vẫn còn cơ hội xét tuyển vào các trường khác.
Tuy nhiên, nhiều trường ĐH lớn cho biết chỉ xét tuyển những thí sinh dự thi môn năng khiếu tại trường mình. Thạc sĩ Lê Chí Thông khẳng định, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chỉ xét thí sinh dự thi năng khiếu tại trường giống như các năm trước bởi lẽ mỗi trường có cách thi khác nhau. Chỉ những thí sinh đạt từ 5 điểm môn năng khiếu trở lên mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển. Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho rằng mỗi trường có yêu cầu khác nhau về môn năng khiếu nên không xét tuyển thí sinh dự thi từ trường khác.
Năm nay Trường ĐH Văn Lang vừa tổ chức thi vừa xét tuyển thí sinh dự thi môn năng khiếu từ trường khác. Tuy nhiên, trường này giới hạn việc xét tuyển thí sinh chỉ trong 7 trường ĐH, gồm: Kiến trúc TP.HCM, Kiến trúc Hà Nội, Bách khoa TP.HCM, Nghệ thuật Huế, Mỹ thuật TP.HCM, Tôn Đức Thắng và Mỹ thuật công nghiệp. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói: “Ngoài tổ chức thi riêng tại trường, trường vẫn xét tuyển thí sinh thi môn vẽ mỹ thuật từ các trường khác, kể cả trường có đề án tuyển sinh riêng”.
Còn Trường ĐH Hoa Sen năm nay không tổ chức thi môn năng khiếu. Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông, trường dành tới 70% chỉ tiêu các ngành năng khiếu để xét tuyển thí sinh có kết quả thi môn năng khiếu theo khối H và H1 từ các trường khác như: ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật TP.HCM… (môn văn hoá vẫn xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia). 30% chỉ tiêu còn lại mỗi ngành năng khiếu, trường sẽ xét tuyển theo tuyển tập nghệ thuật. Cụ thể, trường sẽ sơ tuyển dựa trên một tuyển tập nghệ thuật kèm bản thuyết minh, thí sinh được chọn lựa sẽ được mời tham gia vòng phỏng vấn. Với các thí sinh này, 3 cột điểm xét tuyển gồm: tuyển tập, phỏng vấn và môn văn (dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia).

Hà Ánh