27/11/2024

Cuộc đấu cân não tại Minsk

Đại diện chính phủ Ukraine và phe nổi dậy đã ký kết thỏa thuận sơ bộ, mở ra triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông. Thoả thuận này là kết quả 17 giờ “đàm phán marathon” đầy căng thẳng từ tối 12.2 đến tận trưa qua tại thủ đô Minsk của Belarus giữa các nhà lãnh đạo Đức, Nga, Pháp và Ukraine.

 

Cuộc đấu cân não tại Minsk


Đại diện chính phủ Ukraine và phe nổi dậy đã ký kết thỏa thuận sơ bộ, mở ra triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của 4 nhà lãnh đạo tại Minsk - Ảnh: AFP

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của 4 nhà lãnh đạo tại Minsk – Ảnh: AFP 

Thoả thuận này là kết quả 17 giờ “đàm phán marathon” đầy căng thẳng từ tối 12.2 đến tận trưa qua tại thủ đô Minsk của Belarus giữa các nhà lãnh đạo Đức, Nga, Pháp và Ukraine. Tờ Le Monde dẫn lời Tổng thống Pháp François Hollande phát biểu sau cuộc họp: “Mất trọn một đêm và một buổi sáng, sau cùng chúng tôi đã đạt thỏa thuận ngừng bắn và một kế hoạch thiết lập hòa bình bằng chính trị. Lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ 0 giờ ngày 15.2. Còn kế hoạch hòa bình sẽ là định hướng để giải quyết mọi vấn đề đã được đặt ra. Thủ tướng Đức Angela Merkel và tôi sẽ phối hợp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko giám sát việc thực thi toàn bộ quá trình này”.

Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Putin cho biết sau khi lệnh ngừng bắn được áp dụng, quân đội Ukraine sẽ phải rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến hiện tại. Còn phe nổi dậy sẽ rút vũ khí hạng nặng khỏi đường ranh giới đã được xác định trong thỏa thuận được ký kết hồi tháng 9.2014, tức không tính những vùng đã kiểm soát thêm. Như vậy, một vùng đệm phi quân sự sẽ được thiết lập, rộng hơn so với mức đề xuất trước (từ 50 – 70 km so với 30 km). Lãnh đạo phe nổi dậy ở Donetsk Alexander Zakharshenko nhận định thỏa thuận vừa được ký kết mở ra hy vọng về một giải pháp hòa bình thật sự. Trong khi đó, tuy hoan nghênh kết quả tích cực của cuộc đàm phán ở Minsk nhưng bà Merkel nhìn nhận “vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua” để Ukraine thật sự im tiếng súng.
Thỏa thuận được ký tại Minsk với 13 điểm chính trên thực tế là một “định hướng hòa bình” cho miền Đông. Ngoài ngừng bắn và lập vùng đệm phi quân sự, một vấn đề quan trọng khác là đến cuối năm 2015, Ukraine sẽ phải đưa ra một bản hiến pháp mới với nội dung phi tập trung hóa quyền lực cũng như trao quy chế đặc biệt cho các khu vực đòi ly khai. Bên cạnh đó, các bên cũng chưa nhất trí hoàn toàn về giao cho Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu kiểm soát biên giới Nga – Ukraine cũng như tổ chức bầu cử địa phương sớm ở miền Đông. Đây là những điểm cần phải được thảo luận thêm và nguy cơ giao tranh tiếp diễn vẫn còn chực chờ, theo AFP. Vì thế mà Tổng thống Pháp Hollande nhận định: “Một vài giờ tới sẽ cực kỳ quan trọng cho số phận của thỏa thuận mới”.
Tổng thống Nga “bẻ gãy bút chì”
Hội nghị tại Minsk đã diễn ra trong không khí “căng như dây đàn” ngay từ cái bắt tay “lạnh như băng” giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Poroshenko khi vừa gặp mặt.
 Hình ảnh được cho là Tổng thống Putin cầm 2 đoạn bút chì sau khi bẻ gãy - Ảnh: Chụp lại từ Twitter Hình ảnh được cho là Tổng thống Putin cầm 2 đoạn bút chì sau khi bẻ gãy
– Ảnh: Chụp lại từ Twitter
Theo Le Monde, không khí nóng bỏng đến mức ông Putin đã bẻ gãy cây bút chì đang dùng để ghi chép. Đỉnh điểm là sau 14 tiếng trong phòng họp kín, ông Putin bất ngờ giận dữ bỏ ra ngoài và đi thẳng lên lầu 3, không nói một lời nào. Ông Poroshenko cũng đi về tầng 2 và tuyên bố “những điều kiện Nga đưa ra không thể chấp nhận được”. Trước nguy cơ hội nghị đổ vỡ, bà Merkel và ông Hollande phải vội vã chia nhau đuổi theo 2 vị nguyên thủ Nga và Ukraine để thuyết phục cả hai quay lại.
Trong suốt 17 giờ đám phán của 4 nhà lãnh đạo, ngoại trưởng và phái đoàn các nước chờ bên ngoài còn một số quan chức Kiev và đại diện phe nổi dậy thảo luận ở một phòng khác. Trái cây và cà phê liên tục được đưa vào các sảnh họp để “tiếp tế”. Sau một đêm thức trắng và chưa biết đến bao giờ mới có kết quả, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin “thở dài” trên mạng xã hội Twitter: “Mọi người đuối hết rồi”. Khu vực dành cho các nhà báo cũng căng thẳng không kém khi một phóng viên của Nga đã to tiếng với đồng nghiệp người Ukraine, còn một nữ nhà báo của Hãng Interfax đã phải nhập viện.

Lan Chi