Nga bác bỏ tối hậu thư về Ukraine
Triển vọng hoà bình cho Ukraine vẫn mờ mịt bất chấp nỗ lực của các lãnh đạo Nga, Đức và Pháp nhằm xoay chuyển cục diện.
Nga bác bỏ tối hậu thư về Ukraine
Triển vọng hoà bình cho Ukraine vẫn mờ mịt bất chấp nỗ lực của các lãnh đạo Nga, Đức và Pháp nhằm xoay chuyển cục diện.
Các binh sĩ Ukraine bắn rốc két Grad về phía quân nổi dậy trong cuộc giao tranh ở thị trấn Debaltseve – Ảnh: Reuters
|
Trong cuộc điện đàm ngày 8.2, lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp đã đồng ý nhóm họp tại thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 11.2 để tìm lối thoát cho cuộc chiến, theo AFP. Tuy nhiên, đến hôm qua, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết ông không chắc hội nghị có thể diễn ra hay không. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo các bên vẫn còn phải nhất trí “một số điểm” trước khi cuộc gặp diễn ra.
|
Nếu không có tiến triển trong cuộc hội đàm dự kiến thì tại cuộc họp ở Bỉ vào hôm sau, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) có thể bàn về việc gia tăng thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm các lĩnh vực mới như ngân hàng. Phát biểu trên Đài Sky News, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nói rằng cuộc hội đàm tại Minsk là cơ hội cuối cùng để lãnh đạo Nga ngăn chặn các lệnh trừng phạt mới có thể gây “thiệt hại đáng kể” cho nền kinh tế nước này.
Trong hôm qua, Điện Kremlin tuyên bố Tổng thống Putin sẽ không chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào về cuộc khủng hoảng Ukraine sau khi tờ The Wall Street Journal tiết lộ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra hạn chót vào ngày 11.2 để Moscow đồng ý với kế hoạch hoà bình nếu không muốn đối mặt với lệnh trừng phạt mới. Đến hôm qua, các ngoại trưởng EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào 19 cá nhân Nga và quân nổi dậy Ukraine cùng 9 tổ chức nhưng hoãn thực thi chúng đến ngày 16.2.
Với nỗ lực xoay chuyển cục diện ở Ukraine, bà Merkel đã có chuyến công du đến Mỹ. Theo AFP, Tổng thống Barack Obama hôm qua đã tiếp đón lãnh đạo Đức tại Nhà Trắng và bà Merkel đã tóm tắt lại kế hoạch hòa bình mới cũng như những diễn tiến trong cuộc gặp với các lãnh đạo Nga, Pháp và Ukraine. Tổng thống Obama hiện đối mặt với những lời kêu gọi cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine để tăng khả năng phòng vệ cho Kiev, song Đức cùng nhiều quốc gia châu Âu khác lo ngại động thái này sẽ chỉ làm gia tăng cuộc xung đột tại Ukraine. Trong một diễn biến liên quan, quân đội Ukraine tiếp tục tố cáo Nga đã triển khai ít nhất 1.500 binh sĩ cùng nhiều hệ thống vũ khí qua biên giới trong các ngày 7 và 8.2.
Danh Toại