Khủng hoảng con tin IS vẫn tiếp diễn
Đã có những dấu hiệu cho thấy tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt đầu hụt hơi tại Iraq và Syria.
Khủng hoảng con tin IS vẫn tiếp diễn
Đã có những dấu hiệu cho thấy tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt đầu hụt hơi tại Iraq và Syria.
Con tin Mỹ Kayla Mueller có thể đã thiệt mạng – Ảnh: AFP |
Nhưng máu của các con tin nước ngoài nằm trong tay IS tiếp tục đổ và cộng đồng quốc tế hoàn toàn bất lực.
Hôm qua trên trang mạng xã hội Twitter, IS thông báo con tin nữ người Mỹ Kayla Mueller, 26 tuổi, đã thiệt mạng tại thành phố Raqa ở Syria sau một đợt không kích của không quân Jordan. IS khẳng định Mueller bị chôn vùi khi toà nhà nơi cô bị giam giữ ở Raqa trúng tên lửa từ máy bay Jordan và đổ sụp xuống.
Trước đó, Jordan xác nhận đã không kích các mục tiêu IS ở Syria để báo thù cho phi công Maaz al-Kassasbeh bị IS thiêu sống.
Theo báo Washington Post, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Bernadette Meehan tuyên bố Nhà Trắng rất lo ngại trước thông tin trên, nhưng chưa tìm thấy bằng chứng khẳng định cô Mueller đã thiệt mạng. Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã mở cuộc điều tra.
Phía chính quyền Jordan cho rằng đây chỉ là hành vi tuyên truyền dối trá của IS. Phía IS cũng chưa công bố video hay hình ảnh nào cho thấy cô Mueller đã chết.
Khó cứu con tin
Liên Hiệp Quốc chặn dòng vốn của IS Theo AFP, tuần tới Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ thông qua nghị quyết chặn dòng vốn của IS từ dầu, buôn bán cổ vật và bắt cóc tống tiền. Nghị quyết cấm các nước giao dịch dầu thô với IS, thắt chặt an ninh tại các tuyến đường IS sử dụng để buôn lậu dầu, cổ vật và các loại hàng hoá khác. Viện Chính sách Cận Đông Washington ước tính thu nhập từ bán dầu của IS đã giảm từ 3 triệu USD/ngày hồi tháng 6-2014 xuống chỉ còn 750.000-1,3 triệu USD/ngày. |
Nguồn tin báo New York Times cho biết cô Mueller là một nhân viên cứu trợ nhân đạo từ Prescott (bang Arizona), bị IS bắt cóc ở Aleppo hồi tháng 8-2013. Gia đình Mueller và chính quyền Mỹ giấu kín danh tính cô vì lo ngại tính mạng cô có thể bị đe doạ. Giới truyền thông chỉ biết có một con tin nữ Mỹ bị IS giam giữ.
Mới đây, gia đình Mueller tiết lộ IS liên hệ với họ hồi tháng 5-2014. Đến tháng 7-2014, IS đòi gia đình phải trả tiền chuộc 5,6 triệu USD.
Một điều kiện khác mà IS đưa ra là Chính phủ Mỹ phải trả tự do cho tiến sĩ Aafia Siddiqui, nhà khoa học Pakistan bị buộc tội âm mưu sát hại binh sĩ Mỹ tại Afghanistan năm 2008, đang ngồi tù ở Texas.
Sau đó, IS bắt đầu tung lên mạng các đoạn video quay cảnh hành quyết hàng loạt con tin nước ngoài, bao gồm ba công dân Mỹ James Foley, Steven Sotloff và Peter Kassig.
Các chuyên gia Trung Đông nhận định nhiều khả năng cô Mueller đã thiệt mạng bởi IS hiếm khi che giấu số phận thật của các con tin. Một số cho rằng có thể IS đã hành quyết cô từ trước và đổ lỗi cho cuộc không kích của Jordan.
“Có thể IS muốn dùng cái chết của cô Mueller để chia rẽ các thành viên Ả Rập và phương Tây trong liên minh chống bọn chúng” – chuyên gia Andrew Tabler thuộc Viện chính sách Cận Đông Washington bình luận.
Một câu hỏi nhiều người Mỹ đặt ra là tại sao quân đội không tổ chức chiến dịch giải cứu con tin. Hôm 6-2, các quan chức Washington tiết lộ Nhà Trắng đã điều động binh sĩ và máy bay chiến đấu từ Kuwait tới thành phố Arbil ở Iraq để tìm kiếm và giải cứu khẩn cấp khi có binh sĩ liên quân bị IS bắt sống.
Theo tạp chí Foreign Policy, giới tình báo cho biết vấn đề là Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt chung (JSOC) của Mỹ không có đủ nguồn lực tình báo tại Syria để xác định vị trí các con tin bị giam giữ.
Hôm 3-2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby thừa nhận Lầu Năm Góc đã hợp tác với Jordan để xác định vị trí phi công Kassasbeh bị giam giữ nhưng bất thành. Hơn nữa, JSOC không dễ triển khai quân vượt biên giới vào Syria để giải cứu con tin vì Mỹ chỉ có các căn cứ quân sự ở Iraq. Đây là các lý do khiến chiến dịch giải cứu hai con tin Foley và Sotloff ở Raqa của JSOC hồi tháng 7-2014 thất bại.
CIA ước tính hiện IS vẫn đang giam giữ gần 20 con tin nước ngoài.
IS đang hụt hơi
Cuộc khủng hoảng con tin vẫn đang tiếp diễn, nhưng tạp chí The Economistdẫn lời các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định ở thời điểm hiện tại đà tiến công của IS tại Syria và Iraq đã bị chặn lại.
Sáu tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lập liên minh chống IS, chiến dịch không kích ở Syria và Iraq đã đem lại những hiệu quả nhất định. Bộ chỉ huy trung ương Mỹ ước tính khoảng 6.000 tay súng IS đã bị tiêu diệt, bao gồm 50% số thủ lĩnh cấp cao của nhóm này.
Hiện IS còn lại khoảng 30.000 tay súng. Bằng chứng rõ nhất cho thấy IS đang hụt hơi là việc tổ chức khủng bố này đã phải rút khỏi thị trấn Kobani ở Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1 sau bốn tháng vây hãm nơi đây. Hơn 1.000 tay súng IS thiệt mạng tại chiến trường này. Lực lượng người Kurd tại Kobani gần đây mở rộng kiểm soát các khu làng xung quanh thị trấn.
Thất bại đó đã đánh tan vầng hào quang “bất khả chiến bại” mà IS có được khi liên tục tấn công thần tốc ở Syria và Iraq suốt năm 2014.
IS vẫn đang kiểm soát nhiều khu vực ở hai quốc gia này, nhưng chúng không thể mở rộng địa bàn tới các vùng của người Kurd hay người Hồi giáo Shiite. Đe dọa thủ đô Baghdad của Iraq giờ là giấc mơ xa vời. Giới quan sát dự báo IS sẽ phải rời bỏ một số vùng ở Iraq để tập trung kiểm soát lãnh thổ tại Syria.
Liên minh chống IS cũng đạt được một số thành công trong việc tấn công hầu bao của tổ chức này. Các cuộc không kích phá hủy nhiều cơ sở dầu khí khiến IS mất nguồn tiền mặt đáng kể.
Chính những bước lùi này đã khiến IS càng trở nên tàn bạo, viện tới những hành động khủng khiếp như thiêu sống con tin Jordan để kích động tinh thần chiến đấu và tiếp tục thu hút thành viên mới.