27/11/2024

Lối thoát của người mất trí nhớ

Khơi dậy những tài năng tiềm ẩn có thể giúp những người bị mất trí nhớ tìm được cách bày tỏ bản thân, mở ra lối thoát cho họ.

 

Lối thoát của người mất trí nhớ

 

 

Khơi dậy những tài năng tiềm ẩn có thể giúp những người bị mất trí nhớ tìm được cách bày tỏ bản thân, mở ra lối thoát cho họ.

 

 

 

Lối thoát  của người mất trí nhớKhám phá tiềm năng về âm nhạc đã giúp một người thoát khỏi số mệnh bi thảm do mất trí nhớ – Ảnh: Shutterstock
Chứng mất trí nhớ đã huỷ diệt sự nghiệp của một doanh nhân khi ông này mới 58 tuổi, đồng thời lấy đi hầu hết tính cách của nạn nhân. Tuy nhiên, bất chấp tình trạng tâm thần bị tàn phá, ông đã học thổi kèn saxophone lần đầu tiên trong đời và hoá ra lại chơi cực tốt. Nhân vật này, được gọi là J.K, người Hàn Quốc, bị một dạng mất trí nhớ gọi là lú lẫn tiền đình thái dương (FTD), với thùy trán và thuỳ thái dương bị suy giảm. Kết quả là tính cách của J.K dần thay đổi. Ông bắt đầu có những hành vi không thích hợp ở nơi công cộng, và gặp vấn đề về ngôn ngữ lẫn trí nhớ.
Theo các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc, J.K bắt đầu hiển thị các triệu chứng mất trí nhớ vào tuổi 58, khi người vợ suốt 32 năm chú ý những thay đổi nhỏ trong tính cách của chồng mình. Ví dụ, trong các cuộc trao đổi mang tính chất công việc, J.K buột miệng nói to những suy nghĩ của mình mà không bận tâm đến cảm nhận của đồng nghiệp, và không hề quan tâm khi vợ nhập viện vì đổ bệnh. Một năm sau đó, J.K trở nên hung hăng và bốc đồng, khác hẳn với tính tình trầm tĩnh trước đó. Vào tuổi 59, sau khi được chẩn đoán mắc chứng FTD, J.K đăng ký học thổi kèn saxophone 2 giờ/ngày, do vợ của ông cho rằng điều này có thể làm dịu đi tính khí thất thường của chồng. Điều đáng ngạc nhiên là J.K ngày càng tỏ ra vượt trội người bình thường, theo báo cáo đăng trên chuyên san Neurocase. Và mọi chuyện diễn ra đúng như người vợ đã hy vọng. Khi tái khám vào năm 61 tuổi, đối tượng vẫn còn một số vấn đề về hành vi, nhưng sự cộc cằn và tâm trạng bất ổn đã giảm đáng kể so với cách đây 3 năm.
Trường hợp tại Hàn Quốc cho thấy người bị mất trí nhớ có thể có khả năng tiềm ẩn, sẽ trỗi dậy khi có điều kiện, theo bác sĩ Daniel Potts, chuyên gia về mất trí nhớ tại tiểu bang Alabama và là thành viên của Tổ chức Thần kinh học Mỹ. “Nếu chúng ta thật sự trao cho người khác cơ hội, không từ bỏ họ và nỗ lực tạo điều kiện để họ chứng minh khả năng và tính cách, nhiều người có thể làm những chuyện thần kỳ như vậy”, theo bác sĩ Potts. FTD là một dạng mất trí nhớ có khuynh hướng ảnh hưởng sớm hơn so với các loại mất trí nhớ khác, như chứng Alzheimer. “Thay vì mất trí nhớ ngắn hạn, đối tượng bị những vấn đề về hành vi khiến bản thân bị liệt vào dạng không phù hợp với xã hội, mất phản xạ có điều kiện, rút lui khỏi hoạt động xã hội bình thường, và khả năng ngôn ngữ cũng gặp vấn đề”, theo chuyên gia Mỹ. Tuy nhiên, bệnh nhân FTD có thể sở hữu những kỹ năng mà họ đã được học hỏi, chẳng hạn như tăng cường khả năng nghệ thuật về mặt hình ảnh hoặc âm nhạc, như các báo cáo trước đây đã chỉ ra. Và trường hợp của J.K được xem là độc nhất vô nhị vì đây là lần đầu tiên một bệnh nhân FTD quyết định chơi nhạc cụ trong thời gian mắc bệnh, trong khi trước đó chưa bao giờ chạm đến kèn saxophone.
Có vẻ như học chơi nhạc là một liệu pháp hiệu quả đối với ông J.K. “Tôi cho rằng điều này cho phép ông biết được cách thể hiện bản thân khi mất khả năng giao tiếp về mặt ngôn ngữ, không còn đủ sức bày tỏ cảm xúc một cách thích hợp”, theo chuyên gia Potts. Trái ngược với những kỹ năng như ngôn ngữ, chuyển động và trí nhớ, khả năng âm nhạc cần sự huy động của một phần lớn bộ não, nên những căn bệnh ảnh hưởng những phần cụ thể của não có vẻ như không gây hại cho những vùng liên quan đến cảm thụ âm nhạc. Thậm chí có người còn phát triển tài năng nghệ thuật, sau khi sự thoái hoá của một số vùng não có thể tháo bỏ những giới hạn có thể kìm hãm óc sáng tạo về nghệ thuật.

Phi Yến