Đặc sản tết xuất ngoại
Bánh chưng, bánh tét và nhiều loại bánh, mứt đặc trưng của ngày tết VN đang trên đường đến với bà con người Việt tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ và Úc.
Đặc sản tết xuất ngoại
Bánh chưng, bánh tét và nhiều loại bánh, mứt đặc trưng của ngày tết VN đang trên đường đến với bà con người Việt tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Mỹ và Úc.
Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Trần Gia (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết cơ sở vừa hoàn tất thủ tục xuất 40 tấn bánh chưng cùng 18 tấn lá dong sang Mỹ, Canada và châu Âu, phục vụ bà con Việt kiều đón Tết Nguyên đán Ất Mùi. Theo ông Toàn, năm nay lượng bánh chưng xuất khẩu bằng năm ngoái, nhưng lá dong tăng từ 5 tấn lên 18 tấn.
Lá dong, gạo, nếp…
Từ năm 2008 đến nay, mỗi dịp tết Công ty Trí Đức Food xuất khẩu được khoảng 20 tấn mứt các loại như: gừng, củ năng, khoai lang, hạt sen, mãng cầu, cà chua… sang Mỹ, châu Âu và một số nước ở châu Á.
|
Ở Châu Thành, Tiền Giang, Công ty TNHH Long Uyên chuyên chế biến và xuất khẩu các sản phẩm trái cây, nông sản, đặc biệt là các loại bánh đặc sản của VN để xuất khẩu phục vụ bà con Việt kiều. Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty Long Uyên, cho biết những mặt hàng phục vụ tết đã được xuất đi cách nay khoảng 1 tháng để kịp đến với bà con người Việt đúng dịp tết cổ truyền. Năm nay, mặt hàng chủ lực vẫn là bánh tét và một số loại khoai, củ đông lạnh với sản lượng tương đương năm ngoái, khoảng 20 tấn, trong đó xuất sang Bắc Âu 10 tấn và Đức 10 tấn.
Theo ông Nam, bánh tét xuất khẩu không chỉ đòi hỏi yêu cầu cao về tay nghề của người thợ, mà còn phải được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng trước khi đóng gói, vì thị trường châu Âu rất nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo quy định của nhiều nước châu Âu, trong bánh không được có nhân thịt, mỡ, do vậy chiếc bánh tét xuất khẩu chỉ có nhân đậu và nhân chuối. Các loại rau, củ đã qua sơ chế như khoai mì, khoai lang, khoai mỡ, nha đam, khổ qua, bí đao, bí đỏ, gấc, đậu bắp, bạc hà, tỏi, gừng, ớt,… được sơ chế hoặc hấp chín (khoai mì) hay chiên (khoai lang)… rồi đóng gói, đông lạnh trước khi xuất khẩu. “Kể cả trái cây và các loại nông sản xuất khẩu cũng vậy, không những đòi hỏi phải ngon mà còn phải sạch, an toàn”, ông Nam nói.
Cơ sở Trần Gia vừa hoàn thành các thủ tục để xuất khẩu trên 60 tấn bánh chưng và nguyên liệu làm bánh chưng sang gần 10 nước trên thế giới để phục vụ bà con kiều bào nhân dịp xuân về. Trong đó, có hơn 40 tấn bánh chưng được hút chân không bảo quản cẩn thận và hơn 20 tấn nguyên liệu, gồm: lá dong, gạo nếp, khuôn gói bánh, một số gia vị để gói bánh.
Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở Trần Gia (Đồng Nai) cho biết: “Nhu cầu xuất khẩu bánh chưng, nguyên liệu còn nhiều nhưng cơ sở chưa có đủ khả năng để cung cấp nên đành từ chối các hợp đồng”. Thị trường xuất khẩu bánh chưng lớn nhất của cơ sở Trần Gia trong dịp tết là Canada với khoảng 15 tấn, tiếp đến là thị trường Úc với hơn 7 tấn. Còn nguyên liệu làm bánh chưng chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
“Trong nước ra sao, ngoài nước cũng vậy”
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Trung, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN – PTNT), cho biết thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm ra nước ngoài phục vụ cộng đồng người Việt, kiều bào đón Tết Nguyên đán đã tăng so với năm ngoái. “Ở đâu có người Việt, ở đó có tết truyền thống VN. Trong nước tiêu dùng ra sao thì ngoài nước cũng vậy”, ông Trung nói.
Cụ thể, các loại gạo nếp đặc sản, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, miến dong là những sản phẩm đang được các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất dịp này.
Bà Phạm Thu Nga, Phó giám đốc Công ty TNHH chè Hoàng Mai – doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu hàng tết ra nước ngoài, cho biết dịp tết năm nay doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công 20 tấn mộc nhĩ, miến dong và bánh đa nem.
Công ty Vinamit cũng cho biết đã cơ bản hoàn tất hợp đồng xuất khẩu các loại trái cây sấy khô sang thị trường Trung Quốc, Campuchia và Lào.
Thanh Niên