26/11/2024

Cân nhắc số phận của toà nhà hơn 120 năm tuổi

Vấn đề bảo tồn kiến trúc cổ khi TP.HCM triển khai xây dựng khu hành chính mới được dư luận đặc biệt quan tâm.

 

Cân nhắc số phận của toà nhà hơn 120 năm tuổi

 

 

Vấn đề bảo tồn kiến trúc cổ khi TP.HCM triển khai xây dựng khu hành chính mới được dư luận đặc biệt quan tâm.

 

 

Cân nhắc số phận của tòa nhà hơn 120 năm tuổi  - ảnh 1Một trong những đồ án xây dựng toà nhà 59 – 61 Lý Tự Trọng trưng bày tại triển lãm. Theo phương án này, sẽ giữ lại bề mặt bên ngoài tòa nhà, nội thất được xây mới hoàn toàn và sẽ chồng thêm tầng cao 30 m – Ảnh: Nguyên Bình
Cân nhắc số phận của tòa nhà hơn 120 năm tuổi  - ảnh 2Toà nhà 59 – 61 Lý Tự Trọng hiện nay – Ảnh: Đình Phú
Chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng
Công trình khu hành chính mới của UBND TP.HCM được xây dựng trên ô phố rộng khoảng 18.000 m2, bao quanh bởi các tuyến đường Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi – Lý Tự Trọng – Pasteur (Q.1), dự kiến sẽ bố trí 8 cơ quan nhà nước (Văn phòng UBND TP.HCM, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP.HCM, Sở Nội vụ, Sở TT-TT, Sở Công thương, Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở TN-MT và Sở GTVT), tương lai có khoảng 1.700 người làm việc.
Hiện hữu trong ô phố này có 2 công trình kiến trúc cổ được xây dựng vào thế kỷ 19: tòa nhà trụ sở UBND, HĐND TP (86 Lê Thánh Tôn) và toà nhà trụ sở Sở TT-TT (59 – 61 Lý Tự Trọng). Khi xây mới khu hành chính, một vấn đề được dư luận quan tâm là “số phận” của hai công trình này sẽ như thế nào?
Ngày 14.8.2014, UBND TP.HCM ban hành quyết định duyệt nhiệm vụ thiết kế để tổ chức thi tuyển phương án thiết kế khu hành chính mới. Trên cơ sở này, ngày 17.11.2014, Sở QH-KT tổ chức hội nghị chính thức cung cấp thông tin cho cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng 1/500. Theo đề bài mà Sở QH-KT công bố, trong phần yêu cầu thiết kế kiến trúc khu hành chính mới thì toà nhà trụ sở chính của UBND, HĐND TP được bảo tồn; toà nhà 59 – 61 Lý Tự Trọng chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng
Toà nhà 59 – 61 Lý Tự Trọng có kết cấu còn nguyên vẹn và hiện là nơi làm việc của hàng trăm cán bộ, công chức. Nếu chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng, thì về căn bản, tổng thể kiến trúc sẽ không còn được nguyên vẹn. Và một vấn đề rất đáng phải quan tâm là kiến trúc mới sẽ “ăn nhập” ra sao với phần còn lại của kiến trúc cổ?
Từ ngày 21 – 25.1.2015, Sở QH-KT tổ chức triển lãm các phương án thi tuyển để lấy ý kiến người dân. Nhiều phương án thiết kế được đánh giá cao về chất lượng quy hoạch nhưng lại “đụng” đến tính nguyên vẹn của tòa nhà 59 – 61 Lý Tự Trọng. Có đồ án thiết kế chỉ giữ lại bề mặt bên ngoài tòa nhà, nội thất bên trong được xây mới hoàn toàn và sẽ chồng thêm tầng cao 30 m, đúc mái bê tông thay cho mái ngói hiện hữu; có đồ án không giữ nguyên vị trí hiện hữu mà dịch chuyển toà nhà vào khoảng giữa 2 đường Đồng Khởi – Pasteur; có đồ án thì lại “xén” một phần toà nhà này…
Theo quan điểm của ThS-KTS Nguyễn Bình Dương, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), giá trị bảo tồn công trình cổ nằm ở chỗ giữ nguyên vẹn cả về kiến trúc lẫn không gian đô thị xung quanh. Trong vòng bán kính từ 500 – 1.000 m tính từ vị trí xây dựng khu hành chính mới được xem là vùng lõi, hiện hữu nhiều công trình kiến trúc cổ với “tuổi đời” đều trên 100 năm, trở thành biểu tượng của TP.HCM như nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, Nhà hát TP, Bưu điện TP, chợ Bến Thành…
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Sở TT-TT TP.HCM vào ngày 27.12.2014, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà (nguyên Giám đốc Sở TT-TT) cho biết trong nhiều năm qua, Sở tọa lạc trong một toà nhà rất đẹp, có lịch sử trên 120 năm. Theo ông Hà, thành phố có kế hoạch xin tháo dỡ một phần toà nhà cổ để xây dựng khu hành chính mới. Tuy nhiên, việc này cần tính toán hết sức kỹ lưỡng để bảo tồn nguyên vẹn toà nhà cổ này. “Tôi rất mong muốn toà nhà đó được bảo tồn”, ông Hà nói.
Trước những ý kiến liên quan đến việc bảo tồn toà nhà, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.HCM, cho biết TP sẽ tham vấn các nhà nghiên cứu về giá trị lịch sử của toà nhà để xem xét, quyết định phương án cụ thể về việc bảo tồn. Do đó, hiện nay chưa thể kết luận được “số phận” của toà nhà là giữ nguyên hay tháo dỡ.
Toà nhà 59 – 61 Lý Tự Trọng trước đây là toà nhà Nha Giám đốc nội vụ, mà người dân hay gọi là dinh Thượng Thơ, do chính quyền xứ Nam kỳ xây vào những năm 1860 với vai trò điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Công trình này chỉ quan trọng sau Dinh Norodom (phiên bản trước của Dinh Thống Nhất ngày nay).
Cho đến năm 1888, chức năng của cơ quan này được nhập vào Thơ ký Thống đốc Nam kỳ (vị trí 213 Đồng Khởi) và bản đồ cũ vào năm 1890, cho thấy một toà nhà quy mô lớn hơn được xây dựng như hiện nay (toà nhà 59 – 61 Lý Tự Trọng). Vào đầu thế kỷ 20, cơ quan này còn có tên là Văn phòng Chính phủ cùng các bộ phận như thanh tra, lao động… Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, toà nhà có một giai đoạn ngắn được dùng làm trụ sở Bộ Nội vụ, kể từ năm 1955 là Bộ Kinh tế của chính quyền VN Cộng hoà.

Đình Phú – Lam Ngọc